Những “địa chỉ đỏ” ghi dấu chiến công biệt động Sài Gòn

Những ngày giáp Tết, căn nhà số 287/70 Nguyễn Đình Chiểu, nằm trên con hẻm nối giữa đường Nguyễn Đình Chiểu và Võ Văn Tần, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh luôn tất bật đón các đoàn khách tới tham quan.
Những “địa chỉ đỏ” ghi dấu chiến công biệt động Sài Gòn ảnh 1Bia tưởng niệm chiến sỹ Biệt động Sài Gòn hy sinh trong cuộc Tổng tiến công năm 1968 đặt trên đường Nguyễn Du, Quận 1, Tp.Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hứa Chung/TTXVN)

Những ngôi nhà nằm sâu trong hẻm nhỏ, một quán phở trên con đường đông đúc người qua lại, một quán cà phê, quán cơm Tấm Sài Gòn… ít ai nghĩ đó lại là những nơi chứa đựng cả một “kho” lịch sử, ghi dấu chiến công một thời vang dội của các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn. Hòa bình lập lại, những địa điểm này dần được phục dựng, trở thành “địa chỉ đỏ” không chỉ là dịp để những người từng tham gia trận chiến ôn lại lịch sử, mà còn là nơi để thế hệ trẻ tri ân những chiến sĩ đã ngã xuống vì độc lập dân tộc.

Những dấu ấn khó phai

Những ngày giáp Tết, căn nhà số 287/70 Nguyễn Đình Chiểu, nằm trên con hẻm nối giữa đường Nguyễn Đình Chiểu và Võ Văn Tần, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh luôn tất bật đón các đoàn khách tới tham quan.

Lần đầu theo chân nhóm bạn tới tham quan, Chi Phương- một sinh viên 19 tuổi quê ở Vĩnh Long, chia sẻ, đọc những tài liệu, hình ảnh đang được lưu giữ trong ngôi nhà, em không khỏi xúc động. Dù đã nghe không ít thông tin về lực lượng Biệt động Sài Gòn qua môn học Lịch sử, sách báo… nhưng em không mường tượng được các ông, các bác khi xưa đã sống, chiến đấu như thế nào. 

“Nhìn bên ngoài, em không nghĩ ngôi nhà này lại là một căn cứ cách mạng. Mọi thứ với em hầu như chỉ hình dung được qua bài học môn Lịch sử ở trường. Chỉ khi được tới đây tham quan, tận mắt thấy những chứng tích và bước chân xuống dưới hầm bí mật, em mới phần nào nhận thức rõ - đã có một thế hệ sống, chiến đấu gian khổ vì độc lập dân tộc,” Chi Phương chia sẻ.

Không chỉ riêng Chi Phương, không ít bạn trẻ lần đầu bước vào tham quan ngôi nhà khá nhiều bỡ ngỡ. Họ không nghĩ rằng trong một căn nhà nhỏ với diện tích chưa đầy 40m2, chiều rộng chỉ 2,5m lại có cả một hệ thống hầm bí mật được thiết kế công phu.

Theo tài liệu ghi chép, trong không gian chật hẹp này, gần 2 tấn vũ khí, 350kg thuốc nổ TNT, thuốc nổ C4, 15 súng AK, súng B40 và 3.000 viên lựu đạn đã được cất giấu. Tất cả các hoạt động đào hầm, vận chuyển, cất giấu vũ khí đều được giữ bí mật, an toàn tuyệt đối, dù nằm ngay giữa trung tâm Sài Gòn, gần Dinh Độc Lập.

Cựu chiến binh Nguyễn Thanh Chi - người trực tiếp trông coi di tích cho biết, nơi này ghi dấu ấn đặc biệt của Anh hùng Lực lượng vũ trang Trần Văn Lai (biệt danh là Năm Lai, Mai Hồng Quế, Năm U-SOM) và vợ là bà Đặng Thị Thiệp. Cả hai đều là chiến sĩ biệt động thành.

Theo chỉ đạo của cấp trên, năm 1966, ông Lai đã mua căn nhà này. Lấy cớ cần đào hố ga làm nhà vệ sinh, ròng rã hơn 7 tháng trời, vợ chồng ông Lai đào căn hầm bí mật để cất giấu các loại vũ khí được chuyển từ ngoại thành vào. Nắp hầm nhỏ nằm giữa phòng khách, hầm chứa được khoảng 15 người, hơn hai tấn vũ khí, có cửa thoát hiểm và các lỗ thông khí.

Đây được xem là căn hầm lớn nhất, có thiết kế chắc chắn và chứa nhiều vũ khí nhất tại nội thành Sài Gòn lúc bấy giờ, góp phần làm nên những trận đánh "xuất quỷ nhập thần" của lực lượng Biệt động Sài Gòn. Thậm chí, ngay cả khi ngôi nhà rơi vào tay quân địch, chúng cũng không biết đến sự tồn tại của căn hầm bí mật.

Không chỉ xây dựng hầm bí mật, ông Trần Văn Lai khi đó còn thiết lập rất nhiều nơi che giấu cán bộ, làm hộp thư bí mật để chuyển giao thư từ, tài liệu. Căn nhà số 113A Đặng Dung (phường Tân Định, Quận 1), được ông xây dựng ngay bên cạnh nhà của tướng Ngô Quang Trưởng, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 1 của Ngụy quyền Sài Gòn.

Ngoài những cơ sở do ông Trần Văn Lai mưu trí xây dựng, nhiều căn cứ, kho vũ khí bí mật khác cũng được các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn xây dựng để phục vụ tiến công Dinh Độc Lập, Tòa Đại sứ quán Mỹ, Bộ Tư lệnh Hải quân Ngụy… trong cuộc Tiến công Mậu Thân 1968.

Chẳng hạn như Tiệm phở Bình số 7, Yên Đỗ (nay là Lý Chính Thắng, Quận 3) của gia đình ông Ngô Toại là Sở Chỉ huy tiền phương của Phân khu 6 ngay trước giờ xuất quân đợt 1, có mặt các đồng chí Võ Văn Thạnh - Chính ủy Phân khu, Nguyễn Đức Hùng - Tham mưu trưởng Phân khu, Chỉ huy trưởng F100, phát lệnh tiến công  đánh chiếm các mục tiêu nội đô Sài Gòn…

Hay như hầm nhà số 281/26/29 đường Trương Minh Ký (nay là đường Lê Văn Sĩ, quận Tân Bình) của gia đình đồng chí Phan Văn Bảy, phục vụ tiến công Bộ Tổng tham mưu Ngụy; hầm nhà số 59 đường Phan Thanh Giản (nay là đường Điện Biên Phủ) của gia đình bà Nguyễn Thị Huệ phục vụ tiến công Tòa Đại sứ quán Mỹ; hầm nhà số 93/22 đường Cường Đề (nay là đường Bùi Đình Túy, quận Bình Thạnh) của gia đình đồng chí Tô Minh Liêm phục vụ tiến công Bộ Tư lệnh Hải quân Ngụy; hầm nhà số 8/4 đường Vườn Chuối, quận 3 của gia đình đồng chí Lâm Thị Ẩn phục vụ trận đánh bắn đạn cối 82mm vào tổng hành dinh tướng Westmoreland tại góc đường Nguyễn Du - Pasteur ngày 13/2/1967; hầm ở Hương lộ 14 của gia đình đồng chí Trần Thị Bi, chứa khẩu cối 82mm bắn vào sân bay Tân Sơn Nhất tháng 7/1967…

[Gặp gỡ nhân chứng lịch sử của lực lượng chủ công Xuân Mậu Thân 1968]

Lưu “dấn chân” Biệt động Sài Gòn

Theo Thiếu tướng, Tiến sĩ Đào Ngọc Dinh, Phó Cục trưởng V04 kiêm Viện trưởng Viện Chiến lược Công an, trong điều kiện địch khủng bố, ngăn chặn khốc liệt, việc bí mật tổ chức vận chuyển vũ khí vào ém sẵn trong nội thành là một nhiệm vụ có tính then chốt, đặc biệt quan trọng. Với tinh thần khẩn trương, sẵn sàng hi sinh vì cách mạng, đến cuối năm 1965, lực lượng Biệt động Sài Gòn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xây dựng được một hệ thống kho hầm bí mật chứa vũ khí ngay cạnh các mục tiêu chiến lược ta dự kiến sẽ tổ chức tấn công. Mỗi mục tiêu tấn công đều được các chiến sĩ Biệt động bố trí từ 1 đến 3 hầm chứa vũ khí.

Những “địa chỉ đỏ” ghi dấu chiến công biệt động Sài Gòn ảnh 2Không gian bên trong căn nhà số 113A Đặng Dung (phường Tân Định, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) được lưu giữ nguyên vẹn. (Ảnh: Thu Hương/TTXVN)

“Việc xây dựng các căn hầm cùng với quá trình tiếp nhận, cất giấu, bảo vệ và bảo quản khối lượng vũ khí trong lòng địch là một chuỗi công việc cực kỳ khó khăn và nguy hiểm, đòi hỏi người thực hiện nhiệm vụ ngoài kinh nghiệm hoạt động bí mật, ngoài trí thông minh phải chấp nhận hy sinh thầm lặng. Những gia đình sống trên “kho” vũ khí nhiều năm trời, bất chấp nguy hiểm, có những gia đình cả nhà bị địch bắt, tra tấn, đánh đập dã man và đày ra Côn Đảo,” Thiếu tướng Đào Ngọc Dinh cho biết.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, Thành phố Hồ Chí Minh đã nhanh chóng chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tổ chức các hoạt động nghiệp vụ để tiến hành lập hồ sơ di tích, xây dựng bia ghi dấu chiến công, bia tưởng niệm những địa điểm liên quan đến sự kiện tiến công địch trong Xuân Mậu Thân 1968; sưu tầm các tài liệu hiện vật liên quan nhằm tôn vinh và tri ân cán bộ, chiến sĩ Biệt động Sài Gòn, các lực lượng vũ trang và đồng bào đã ngã xuống vì nền độc lập dân tộc.

Theo một thống kê vào năm 2017, trong 74 di tích lịch sử ở Thành phố Hồ Chí Minh, có 13 di tích liên quan đến hoạt động của lực lượng Biệt động Sài Gòn trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Trong đó, 4 di tích được xếp hạng Di tích Lịch sử Quốc gia; 10 bia lưu niệm, bia chiến công, tượng đài ghi dấu sự kiện lịch sử này được Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng. Cùng với đó, 12/15 kho vũ khí của lực lượng Biệt động xây dựng cho Tổng tiến công đã trở thành “địa chỉ đỏ”, được nhân dân ghi nhận, tôn vinh.

Các di sản văn hóa liên quan đến lực lượng Biệt động còn nhiều tài liệu, hiện vật khác như phim, ảnh, tài liệu, phương tiện chiến đấu, phương tiện phục vụ chiến đấu, đồ dùng cá nhân, phương tiện ngụy trang, hóa trang… được lưu giữ, trưng bày tại các bảo tàng, thư viện, trung tâm lưu trữ trong và ngoài nước và trong nhân dân.

Hiện nay, ông Trần Vũ Bình - con trai Anh hùng Lực lượng vũ trang Trần Văn Lai vẫn đang tích cực thực hiện phục dựng một số di tích; tìm kiếm, sưu tầm nhiều hiện vật liên quan đến Biệt động Sài Gòn để trưng bày.

Trong đó, ông Bình đã mở lại "Quán cà phê Đỗ Phủ - cơm tấm Đại Hàn" tại căn nhà 113A Đặng Dung. Giữ nguyên hiện trạng ngày xưa của căn nhà, mọi người đến đây có thể vừa ăn sáng, uống cà phê, vừa có thời gian thư thái để tìm hiểu về Biệt động Sài Gòn. Theo ông Bình, việc phục dựng lại các di tích để thế hệ sau biết được những hy sinh gian khó của cha ông ta.

Không chỉ vậy, ông Bình đã phối hợp với ngành Du lịch triển khai xây dựng tour du lịch đưa du khách đến các điểm di tích lịch sử, xem những kỷ vật, hình ảnh, tìm hiểu tường tận về lực lượng Biệt động Sài Gòn huyền thoại.

"Điểm đặc biệt của các tour du lịch trên là người dẫn các đoàn đi tham quan chính là những người con, người cháu của các chiến sĩ biệt động năm xưa bởi chúng tôi muốn các con cháu của mình cảm nhận rõ hơn về giá trị lịch sử mà tổ tiên mình đã để lại. Chính người trong cuộc phải hiểu và trân quý điều đó thì mới có thể hun đúc tình yêu quê hương, đất nước cho người đến tham quan cảm nhận được," ông Trần Vũ Bình chia sẻ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục