Những lý do thúc đẩy du khách Việt lựa chọn du lịch bền vững ngày càng nhiều

Với du khách Việt Nam, các ưu đãi tài chính (37%), sự phổ biến của các gói du lịch bền vững hơn (24%) thúc đẩy họ chọn du lịch bền vững. Họ ưu tiên hỗ trợ cộng đồng địa phương, các dự án bảo tồn.

Tìm về những nơi gần gũi với thiên nhiên và đóng góp trực tiếp cho địa phương là một trong những xu hướng được lựa chọn của du khách Việt hiện nay. (Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+)
Tìm về những nơi gần gũi với thiên nhiên và đóng góp trực tiếp cho địa phương là một trong những xu hướng được lựa chọn của du khách Việt hiện nay. (Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+)

Khảo sát trên 10.000 du khách đến từ 10 thị trường châu Á do Agoda thực hiện vừa công bố cho thấy gần 80% mong muốn thực hiện các lựa chọn du lịch bền vững hơn. Trong đó, 18% luôn cố gắng du lịch một cách bền vững, 22% du khách ít quan tâm đến tính bền vững cho chuyến du lịch. Nhật Bản dẫn đầu nhóm ít quan tâm chiếm 45%, trái ngược với Philippines chỉ có 8%.

Đáng chú ý, khảo sát chỉ ra rằng 74% du khách Việt Nam mong muốn trải nghiệm du lịch bền vững. Họ ngày càng quan tâm đến những tác động tiềm ẩn khi lựa chọn đặt chân đến những điểm đến mới.

Những người tham gia khảo sát nhấn mạnh các ưu đãi về tài chính, nhiều gói du lịch bền vững và hướng dẫn rõ ràng về cách thức du lịch bền vững có trách nhiệm đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy họ lựa chọn loại hình du lịch này cho những chuyến đi sắp tới.

Trả lời về các yếu tố nào ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn du lịch bền vững trong cuộc khảo sát, ở hầu hết thị trường, ưu đãi tài chính được đánh giá cao nhất. Trung bình 45% người tham gia nhấn mạnh rằng các ưu đãi như giảm giá là yếu tố quan trọng. Tỷ lệ ​​này đặc biệt cao hơn tại các thị trường như Singapore (58%), Đài Loan-Trung Quốc (54%) và Indonesia (47%).

12345.jpg
Tìm về với thiên nhiên để chữa lành. (Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+)

Xếp thứ hai trong các yếu tố thúc đẩy du lịch bền vững là sự phổ biến của các gói du lịch bền vững. Các gói du lịch này cung cấp nhiều hoạt động, từ đi bộ đường dài trong khu vực bảo tồn thiên nhiên cho đến ủng hộ các dự án cộng đồng địa phương, thu hút đặc biệt sự quan tâm của khách Philippines (28%), Việt Nam (24%) và Thái Lan (23%).

Các yếu tố còn lại trong danh sách 5 yếu tố hàng đầu bao gồm hướng dẫn rõ ràng về cách thực hành du lịch bền vững có trách nhiệm (xếp thứ 3), giáo dục và nâng cao nhận thức về tác động môi trường (thứ 4), và các chính sách bền vững của chính quyền địa phương (thứ 5).

Tại Việt Nam, các ưu đãi tài chính (37%) và sự phổ biến của các gói du lịch bền vững hơn (24%) là hai yếu tố hàng đầu thúc đẩy khách chọn du lịch bền vững, chiếm hơn một nửa tổng số phản hồi. Ba yếu tố còn lại của top 5 là tăng cường giáo dục và nhận thức về tác động môi trường (13%), và hướng dẫn rõ ràng về cách thực hành du lịch bền vững có trách nhiệm (11%), chính sách hoặc ưu đãi của Nhà nước nhằm thúc đẩy các hình thức du lịch bền vững hơn (9%).

Khi được hỏi về các hoạt động du lịch bền vững ưa chuộng, du khách Việt Nam ưu tiên hỗ trợ cộng đồng địa phương và các dự án bảo tồn (30%), tái chế và giảm thiểu rác thải (19%) và lựa chọn chỗ ở có chứng nhận bền vững (15%).

z5263736351422_507e901b7aaa343e88a73225fa410a66.jpg
Những vùng biển hoang sơ, vắng vẻ là lựa chọn của những ai ưa chuộng du lịch bền vững. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Ở khu vực châu Á, 26% số người tham gia khảo sát cho biết họ muốn hỗ trợ cộng đồng địa phương khi đi du lịch bằng cách mua sản phẩm sản xuất tại địa phương hoặc tham gia hỗ trợ các sáng kiến địa phương.

Theo khảo sát, tái chế và giảm chất thải (20%) là hành động được ưa chuộng thứ hai, bao gồm việc tái sử dụng khăn tắm và ga trải giường. Tiếp theo đó là tham gia các hoạt động và tour du lịch tập trung vào bảo tồn thiên nhiên (17%). Ngoài ra, du khách cũng quan tâm lưu trú tại nơi có chứng nhận bền vững (xếp thứ 4) và lựa chọn phương tiện di chuyển thân thiện với môi trường hơn (thứ 5)./.

Khảo sát Eco Deals (Chương trình Ưu đãi Sinh thái) được thực hiện trên nền tảng Agoda từ ngày 1-5/3/2024, với sự tham gia của hơn 10.000 người đến từ 10 quốc gia, bao gồm: Indonesia, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Philippines, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan và Việt Nam.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục