Những người tuổi "hổ” nổi tiếng của Việt Nam

Dân gian vốn vẫn nhiều tranh cãi về tướng vận người cầm tinh con hổ và trên thực tế ở Việt Nam, nhiều bậc anh tài đã sinh ra ở tuổi này.
Trong dân gian vốn nhiều tranh cãi về tướng vận những người sinh năm “hổ”. Thực tế cho thấy, ở Việt Nam, nhiều người cầm tinh con hổ đã khắc tên tuổi của mình với thời đại.

“Mãnh Hổ” xoay chuyển lịch sử

Nhân vật đầu tiên được kể đến là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người sinh năm Canh Dần (1890) và đã trở thành anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hoá kiệt xuất, cuộc đời và sự nghiệp gắn liền với lịch sử vẻ vang của cách mạng Việt Nam.
 
Ra đời trong hoàn cảnh nước nhà triền miên bị áp bức đô hộ, bằng thiên tài và bản lĩnh cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xây dựng thành công hệ quan điểm cách mạng toàn diện, sáng tạo, sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, lãnh đạo nhân dân đấu tranh chống giặc ngoại xâm, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới độc lập, tự do.

Sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã trở thành tài sản tinh thần vô giá của các thế hệ người Việt Nam, luôn soi đường cho cách mạng tiến lên giành những thắng lợi vẻ vang và vững bước trên con đường đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Tiếp bước Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều nhân vật lịch sử đã đóng góp to lớn để đưa cách mạng Việt Nam giành thắng lợi. Tiêu biểu như cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong sinh năm Nhâm Dần (1902) - một trong 9 hội viên hạt nhân của tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội.

Tháng 3/1935, tại Đại hội I của Đảng ở Macau (Trung Quốc), ông được bầu làm Tổng Bí thư. Tháng 7/1935, ông dẫn đầu đoàn đại biểu Đảng ra dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản ở Mátxcơva. Đại hội công nhận Đảng là Chi bộ chính thức của Quốc tế Cộng sản và bầu ông làm Ủy viên Ban Chấp hành của Quốc tế Cộng sản.

Cũng cần kể tới anh hùng Lý Tự Trọng, người đoàn viên đầu tiên của Việt Nam và là một trong số các nhà cách mạng trẻ tuổi nhất của dân tộc, sinh năm Giáp Dần (1914).

“Hổ” thắp “đuốc” cho nền khoa học Việt Nam hiện đại

Trong bối cảnh nền khoa học Việt Nam hiện đại còn ít được thế giới biết đến thì Giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn đã có tên trong cuốn Tiểu sử Danh nhân của Viện Tiểu sử Danh nhân Quốc tế Hoa Kỳ năm 2001.

Ông sinh năm Bính Dần (1926), từng đóng góp to lớn trên hai lĩnh vực toán học và giáo dục, được thế giới biết đến như một danh nhân khoa học thế giới qua phát minh nổi tiếng của ông mang tên: "Hình học siêu phi Euclid".

Năm 2004 và 2005, Viện Tiểu sử Hoa Kỳ cấp bằng Viện sỹ nổi tiếng và "Những bộ óc vĩ đại của thế kỷ XXI" cho ông.

Những thế hệ  sau ông, nhiều nhà khoa học của Viêt Nam cũng gặt hái được những thành quả nhất định.

Phó giáo sư Nguyễn Quang Diệu sinh năm Giáp Dần (1974) giữ cương vị giảng viên khoa Toán học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ông được phong tặng danh hiệu Phó giáo sư vào năm 2007 và là một trong hai Phó giáo sư trẻ nhất Việt Nam lúc bấy giờ.

Thành công ở một lĩnh vực khác, Phó giáo sư Trần Hoài Linh cũng sinh năm Giáp Dần là Phó trưởng khoa Điện, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Ông được phong tặng Phó giáo sư khi mới 33 tuổi.

Phó giáo sư Trần Hoài Linh đã có 45 bài báo khoa học được đăng trên nhiều tạp chí lớn uy tín của Ba Lan, Mỹ, Italy, Đức, Brazil, Bulgaria, Ukraine, Trung Quốc, trong đó có 7 bài được đăng trên các tạp chí hàng đầu của chuyên ngành, 35 bài được báo cáo và in trong kỷ yếu hội thảo trong nước và quốc tế.

Các kết quả nghiên cứu của Phó giáo sư Trần Hoài Linh về phần mềm tính toán mô phỏng mạng nơron, về phương pháp và thiết bị đo "thông minh" đã được tổng hợp thành tài liệu giảng dạy hệ đại học và cao học ở Đại học Bách Khoa Warsaw.

Sức mạnh “hổ” của các văn nghệ sĩ

Nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát cầm tinh con hổ (Canh Dần - 1950) từng được biết đến là người phụ nữ tài năng, làm việc với sức mạnh của “hổ”.

Không chỉ đạt giải khuyến khích trong cuộc thi thơ do Báo Văn nghệ  tổ chức (năm 1973-1974), nổi tiếng với những tập thơ “Nhớ và khát” (năm 1988), “Ngôi nhà sau cơn bão” (năm 1990), “Thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát” (năm 2003)… bà còn được biết đến với tập tiểu thuyết “Hai lần sống một mình”

Ngoài ra, nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát có thời gian làm diễn viên sân khấu, biểu diễn phục vụ chiến trường Trường Sơn những năm kháng chiến chống Mỹ.

Bà từng đảm đương chức vụ Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh, Bộ Văn hóa và Thông tin. Từ năm 2008 đến nay, nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát giữ cương vị Giám đốc Hãng phim Hội Điện ảnh Việt Nam. Ở vị trí nào bà cũng làm việc cần mẫn, chẳng biết mệt mỏi và được nể trọng không chỉ trong giới nghệ sĩ.

Cùng với nữ thi sĩ này, dịch giả Ngô Tự Lập được độc giả mến mộ  biết tới như là một người đa tài. Anh có thể dịch ba thứ tiến Nga, Pháp và Anh. Những tác phẩm dịch tiêu biểu của anh có thể được kể tới  như “Hoa máu”, “Người đàn bà trên tàu”, “Đôi mắt lụa”, “Con bù nhìn”… 

Bên cạnh đó, Ngô Tự Lập còn thành công với thơ ca và truyện ngắn… Truyện ngắn đầu tay “Lửa trong lòng biển” của anh đã đoạt giải thưởng sáng tác về Hải quân và giải Hoa phượng đỏ (năm 1990) do Hội Văn học nghệ thuật Hải Phòng tổ chức. Ngoài ra, tác phẩm của anh còn được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới.

Năm 1993, anh sáng lập tờ “Con thoi thị trường”. Mặc dù chỉ  tồn tại một năm nhưng “Con thoi thị trường” được coi là tờ báo chuyên về quảng cáo đầu tiên ở Việt Nam.

Năm 2000, anh làm Giám  đốc điều hành Viện nghiên cứu phát triển InvestConsult. Năm 2006, anh bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ  tại Đại học Illinois State University (Hoa Kỳ). Đến nay, anh đã đảm nhận nhiều công việc quan trọng như Giảng viên Khoa Quốc tế - Đại học Quốc Gia Hà Nội, Tổng biên tập Tạp chí Việt Nam văn học.

Ngô Tự Lập cũng là một người cầm tinh con hổ, anh sinh năm Nhâm Dần (1962)./.
Thúy Mơ (Vietnam+) tổng hợp

Tin cùng chuyên mục