Những tín hiệu tích cực từ các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp

Các gói chính sách tài chính-tiền tệ của Chính phủ đang từng bước hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất. Đặc biệt, gói hỗ trợ giảm 2% thuế VAT được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất tích cực.
Những tín hiệu tích cực từ các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp ảnh 1Chỉ số IIP tháng Bảy đã có mức tăng cao nhất là 3,9% so với tháng Sáu đồng thời tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2022. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Các gói chính sách tài chính-tiền tệ của Chính phủ đang dần phát huy hiệu quả trong đời sống kinh tế-xã hội, từ đó hỗ trợ doanh nghiệp duy trì nguồn vốn và ổn định sản xuất-kinh doanh.

Tín hiệu tích cực

Chia sẻ với VietnamPlus, bà Phí Thị Hương Nga, Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng, Tổng Cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết tình hình sản xuất-kinh doanh của doanh nghiệp trong bảy tháng của năm, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đã có những tín hiệu tích cực.

Điều này thể hiện rõ nét qua chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trong tăng liên tục ba tháng Năm, Sáu và Bảy. Trong đó, mức tăng của tháng sau luôn cao hơn mức tăng tháng trước. Cụ thể, chỉ số IIP tháng Bảy đã có mức tăng cao nhất là 3,9% so với tháng Sáu đồng thời tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2022.

[Tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô]

Bà Nga dẫn chứng một số ngành sản xuất công nghiệp trọng điểm ghi nhận mức tăng trên 10% so với cùng kỳ năm trước, như sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, kim loại, sản xuất hóa chất, thuốc lá, thuốc-hóa dược-dược liệu, chế biến thực phẩm, dệt, sản phẩm từ cao su-plastic….

Những tín hiệu tích cực từ các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp ảnh 2Tình hình kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn đã ảnh hưởng đến kết quả sản xuất công nghiệp trong nước trong những tháng đầu năm. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tuy nhiên tính chung bảy tháng, chỉ số IIP vẫn giảm 0,7% so với cùng kỳ năm trước. Bà Nga lý giải mức giảm này chủ yếu do tình hình kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, đã ảnh hưởng đến kết quả sản xuất công nghiệp trong nước trong những tháng đầu năm. Cụ thể, sản xuất công nghiệp trong bốn tháng của năm giảm 2,4% so với cùng kỳ năm trước.

Đổi mới để tiếp cận cơ hội

Trong thời gian qua, Chính phủ đã ban hành các chính sách tài chính-tiền tệ hỗ trợ doanh nghiệp, như miễn giảm thuế, phí, lệ phí (giảm 2% thuế giá trị gia tăng; giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô lắp ráp-sản xuất trong nước; giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay, giảm 30% tiền thuê đất, thuê mặt nước và gia hạn thời giạn nộp các loại thuế).

Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước đã giảm lãi suất điều hành 4 lần với mức từ 0,5%-1,5%. Theo đó, mặt bằng lãi suất cho vay đã “hạ nhiệt” đồng thời dư nợ tín dụng và khả năng tiếp cận tín dụng gia tăng. Mặt khác, các ngân hàng thương mại cũng đang tích cực cơ cấu và gia hạn nợ, mua lại trái phiếu doanh nghiệp và triển khai gói tín dụng 100 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội.

Theo bà Nga, các gói chính sách tài chính-tiền tệ của Chính phủ đang từng bước hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất. Đặc biệt, gói hỗ trợ giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất tích cực.

“Với sự chỉ đạo điều hành quyết liệt và hiệu quả của Chính phủ cùng những tín hiệu khả quan từ khu vực sản xuất trong các tháng gần đây, triển vọng các doanh nghiệp tiếp tục duy trì đà phục hồi và khởi sắc hơn trong các tháng cuối năm,” bà Nga chia sẻ.

Những tín hiệu tích cực từ các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp ảnh 3 Một số ngành sản xuất chủ lực của Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào các đơn hàng xuất khẩu đi Mỹ, châu Âu… (Ảnh minh họa: PV/Vietnam+)

Tuy nhiên trên bình diện quốc tế, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh những ảnh hưởng của dịch COVID-19 vẫn còn hiện hữu. Cộng thêm, vấn đề biến đổi khí hậu, hạn hán-lũ lụt diễn ra bất thường, cạnh tranh chiến lược của các cường quốc, xung đột Nga-Ukraina chưa có hồi kết, áp lực lạm phát và phục hồi kinh tế chậm ở nhiều quốc gia...

Trong khi, một số ngành sản xuất chủ lực của Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào các đơn hàng xuất khẩu đi Mỹ, châu Âu…

Ngoài ra, sự dịch chuyển chuỗi giá trị và các đối tác yêu cầu cao hơn theo hướng sản xuất và tiêu dùng bền vững, kinh tế xanh, kinh tế số, Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang ngày càng mạnh mẽ. Những điều này đòi hỏi khu vực doanh nghiệp nội địa cần phải đổi mới, để có thể giải bài toán đầu ra cũng như bắt kịp xu thế và cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Đại diện cho tiếng nói của cộng đồng doanh nhân, Phó Chủ tịch VCCI đề xuất Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp trọng tâm hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp. Bên cạnh đó, khung khổ pháp lý về đầu tư kinh doanh, các mô hình kinh doanh dựa trên đổi mới sáng tạo cần được hoàn thiện. Cụ thể, các cấp cần tiếp tục có các giải pháp giảm chi phí cho doanh nghiệp, tăng cường khả năng tiếp cận nguồn lực từ các gói hỗ trợ của Nhà nước. Đặc biệt là giải pháp hỗ trợ kịp thời đối với một số ngành đang phục hồi mạnh mẽ (như du lịch, dịch vụ...) đồng thời đẩy mạnh chương trình cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Bên cạnh đó, ông Phòng đề nghị cộng đồng doanh nghiệp có những đánh giá và xác định các thách thức cũng như cơ hội, để từ đó đưa ra được các giải pháp phù hợp, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững./.

(Vietanm+)

Tin cùng chuyên mục