Nigeria: Thảm sát trong xung đột cộng đồng, 18 người thiệt mạng

Tối 3/11 theo giờ địa phương, những người chăn gia súc đã xông vào làng Ukohol, cách thủ phủ Makurdi của bang Benue 8km, và bắn chết 18 người trong một khu chợ, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em.
Nigeria: Thảm sát trong xung đột cộng đồng, 18 người thiệt mạng ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: vanguardngr.com)

Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, ngày 5/11, giới chức bang Benue ở miền Trung Nigeria cho biết 18 người đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ giữa các cộng đồng chăn gia súc và nông dân ở bang này.

Vào tối hôm 3/11 theo giờ địa phương, những người chăn gia súc đã xông vào làng Ukohol, cách thủ phủ Makurdi của bang Benue 8km, và bắn chết 18 người trong một khu chợ, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em.

Vụ thảm sát này là cuộc tấn công mới nhất của những người chăn nuôi Fulani đến từ bang Nasarawa láng giềng. Họ dựng lều trại trong các cộng đồng ở khu vực giáp ranh giữa 2 bang.

Hàng chục dân làng bị thương trong vụ tấn công đã được đưa đến bệnh viện công ở Markurdi, trong khi hàng trăm cư dân khác chạy khỏi làng để tìm nơi trú ẩn tại cộng đồng Guma gần đó.

[Gần 40 trẻ em bị bắt cóc làm con tin tại Tây Bắc Nigeria]

Theo chính quyền địa phương, những người chăn nuôi đã tăng cường tấn công vào các cộng đồng nông dân ở Benue trong những tháng gần đây, khiến người dân phải lánh đến các thị trấn xa ranh giới hơn, nơi nhiều người khác cũng đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề từ đợt lũ lụt tồi tệ nhất trong một thập kỷ qua ở quốc gia đông dân nhất châu Phi này.

Điều này làm tăng áp lực lên các trại tị nạn và làm cho phản ứng nhân đạo của chính phủ trở nên khó khăn hơn.

Tranh chấp giữa những người chăn nuôi gia súc và nông dân về quyền sử dụng đất, khu vực chăn thả và nguồn nước diễn ra khá phổ biến ở các khu vực miền Trung và Tây Bắc của Nigeria.

Những căng thẳng kéo dài hơn một thế kỷ này có nguồn gốc từ các nguyên do như hạn hán, sự gia tăng dân số, sự mở rộng của nền nông nghiệp định canh và công tác quản lý yếu kém.

Trong những năm gần đây, những cuộc xung đột này đôi khi còn diễn ra ở khía cạnh dân tộc và tôn giáo, với những người chăn nuôi Fulani là người Hồi giáo và những người nông dân chủ yếu theo Thiên chúa giáo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục