Nở rộ các hợp đồng tiền hôn nhân ở Trung Quốc

Ở những thành phố lớn của Trung Quốc, ngày càng có nhiều cặp vợ chồng cùng ký bản hợp đồng tiền hôn nhân trước khi tổ chức lễ cưới.
Hiện nay ở những thành phố lớn của Trung Quốc, ngày càng có nhiều cặp vợ chồng trước khi long trọng tổ chức lễ cưới đã đặt bút ký vào các bản hợp đồng tiền hôn nhân quy định chi tiết mọi khía cạnh của cuộc sống gia đình.

Luo Zheng, 28 tuổi, một nhân viên văn phòng ở thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam, vẫn nhớ nhung cựu hôn phu của mình là Li Gen, 31 tuổi. Nhưng cô không ân hận về hành động dẫn đến việc chia tay.

Họ gặp nhau năm 2007 và quyết định sẽ đăng ký kết hôn vào ngày 18/12/2010. Tuy nhiên, bước ngoặt xuất hiện vào một buổi sáng khi Luo Zheng đưa cho Li Gen một xấp giấy mà cô bảo đó là “hợp đồng tiền hôn nhân.”

Hợp đồng tiền hôn nhân có những quy định hết sức chi tiết như: “Nếu người chồng ngoại tình thì sẽ phải bồi thường cho vợ 200.000 NDT (tương đương 29.300 USD)” hay “Nếu điện thoại di động của người chồng ngoài vùng phủ sóng, anh sẽ phải thông báo cho vợ ngay lập tức và xin lỗi. Nếu người chồng ngủ ngoài một đêm sẽ phải nộp 1.000 NDT cho vợ...”

Li Gen không cười. Anh lẳng lặng bỏ đi và vài hôm sau nhắn tin cho Luo Zheng: “Kết hôn sẽ là vô nghĩa khi chúng ta không tin tưởng lẫn nhau.” Họ cũng chia tay nhau từ đó.

Các hợp đồng tiền hôn nhân ra đời nhằm giúp xác định quyền lợi và nghĩa vụ mỗi bên trong cuộc hôn nhân cũng như trách nhiệm với con cái một khi xảy ra ly dị. Chúng thường được tham khảo kỹ lưỡng từ các luật liên quan, ngoại trừ những điều khoản “kỳ dị” kiểu như trên.

Lấy ví dụ, một người vợ đòi quyền đọc tin nhắn điện thoại của chồng sẽ bị coi là vi phạm quyền công dân của chồng và như vậy là bất hợp pháp.

Trường hợp của Yang Mi, công chức 28 tuổi, thì may mắn hơn Luo Zheng.

Trước khi kết hôn năm 2008, Yang Mi cùng chồng soạn một hợp đồng tiền hôn nhân hết sức chi tiết từ việc vợ rửa bát thì chồng nấu nướng cho đến vợ dọn nhà thì chồng là quần áo.

Chồng Yang Mi có thu nhập 20.000 NDT mỗi tháng, nhưng hợp đồng quy định rõ anh ta phải nộp hết cho vợ và sau đó, vợ trích lại hơn 5.000 NDT cho chồng “tiêu vặt.”

Người chồng không phản đối gì hợp đồng đó bởi theo anh, đấy cũng là một cách thể hiện tình yêu với vợ.

Yang Mi đúc kết từ kinh nghiệm bản thân: “Một hợp đồng như vậy sẽ giúp tránh được mâu thuẫn nảy sinh sau khi kết hôn. Ngoài ra, vợ chồng cũng yêu thương nhau hơn khi làm rõ trách nhiệm của nhau.”

Cô cho rằng mọi phụ nữ đều nên ký một hợp đồng kiểu đó trước khi đặt bút vào giấy đăng ký kết hôn.

Tờ Trung Quốc nhật báo đã tiến hành một cuộc điều tra nhỏ với 20 cặp vợ chồng dưới 30 tuổi, trong đó 16 cặp đã ký các hợp đồng tiền hôn nhân.

Họ quy định rạch ròi với mọi khía cạnh cuộc sống từ cư xử thế nào trước mặt nhau, chăm sóc bố mẹ “đối phương” ra sao cho đến ai là “tay hòm chìa khóa” của gia đình…

Với cả 16 trường hợp, đều là người vợ khởi xướng ý tưởng hợp đồng tiền hôn nhân. Trong khi đa số các ông chồng cho rằng không cần thiết và thấy vô hại khi chấp nhận nó.

Theo số liệu thống kê chính thức, tỷ lệ ly dị ở Trung Quốc đã tăng nhanh kể từ năm 2002.

Năm 2009 có tổng cộng 1,7 triệu cặp chia tay nhau mà chủ yếu là ở các thành phố lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải.

Wang Zhiguo, phụ trách tư vấn hôn nhân của website mai mối lớn nhất Trung Quốc www.baihe.com, nhận xét: “Giới trẻ ngày nay bị nhiều thứ cám dỗ như hẹn hò qua mạng hay tình một đêm. Vì thế, họ cần những hợp đồng như vậy để tự bảo vệ mình.”

Theo chuyên gia trên, hợp đồng tiền hôn nhân thể hiện rằng các bên chín chắn hơn, trưởng thành hơn khi nói về tình yêu và lập gia đình.

Tuy nhiên, trong khi có những quan điểm tích cực như vậy, cũng không thiếu ý kiến trái chiều như của nhà tư vấn tâm lý Sun Yueran cho rằng các hợp đồng tiền hôn nhân hại nhiều hơn lợi: “Nó tạo cảm giác hôn nhân bị coi như một vụ giao dịch làm ăn. Nó thể hiện sự ngờ vực lẫn nhau trong mối quan hệ. Xét trên mọi yếu tố, một cuộc kết hôn không chỉ gói gọn trong danh sách những điều phải làm hay không được làm.”/.

Trung Sơn/Hongkong (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục