Nới lỏng điều kiện hưởng lương hưu: Đóng ít thì hưởng như thế nào?

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề xuất sửa Luật Bảo hiểm xã hội để tạo điều kiện cho lao động cao tuổi có số năm tham gia bảo hiểm xã hội thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm xã hội.
Chi trả lương hưu cho người lao động. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Chi trả lương hưu cho người lao động. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề xuất điều chỉnh số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được nhận lương hưu theo hướng giảm từ 20 năm xuống 10-15 năm. Việc giảm điều kiện hưởng lương hưu này là tin vui với người lao động. Thế nhưng, song song với việc đóng ít thì mức hưởng lương hưu có đủ giúp người lao động trang trải cuộc sống khi về già hay không cũng là vấn đề cần quan tâm khi xây dựng chính sách.

Nới lỏng điều kiện hưởng lương hưu

Theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, cả nước hiện có khoảng 14,1 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu, trong có tới hơn 9,2 triệu người không được hưởng lương hưu hay trợ cấp xã hội khác. Cùng với đó, số lao động nghỉ hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần đang có xu hướng gia tăng, giai đoạn 2016-2020 tăng trung bình 9% mỗi năm.

Đáng lo ngại, trong ba tháng đầu năm 2021, số lao động nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần đã tăng hơn 20,5% so cùng kỳ năm 2020. Do tác động của dịch COVID-19 khiến doanh nghiệp gặp khó khăn, dẫn đến nhiều lao động mất việc, nghỉ việc và đề nghị hưởng bảo hiểm xã hội một lần với mong muốn có một khoản tiền để trang trải cuộc sống hiện tại.

Theo đánh giá của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, do thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu được hưởng lương hưu quá chặt chẽ và quá dài dẫn đến số người đang tham gia rời bỏ hệ thống bảo hiểm xã hội trước tuổi nghỉ hưu khá lớn, nhất là những người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Đây là thực trạng đáng lo ngại, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động, về lâu dài sẽ tạo áp lực lớn cho xã hội khi phải bố trí nguồn lực để bảo đảm an sinh và chăm sóc y tế.

[Nhiều thiệt thòi cho người lao động nếu nhận bảo hiểm xã hội một lần]

Trước thực trạng này, trong dự thảo tờ trình Chính phủ về đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề xuất giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu từ 20 năm xuống còn 10-15 năm, điều này sẽ nới lỏng điều kiện được nhận lương hưu tạo thuận lợi cho người lao động thụ hưởng chính sách an sinh xã hội.

Đại diện Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi năm 2014 thì người lao động có thời gian đóng tối thiểu 20 năm mới được hưởng mức lương hưu 45%. Số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí điều chỉnh giảm từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia bảo hiểm xã hội thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm xã hội.

Đóng ít hưởng thấp

Theo các chuyên gia, đề xuất giảm thời giam tham gia bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu là bước đi cần thiết. Ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương Binh và Xã hội cho rằng giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu nhằm đảm bảo cân đối giữa mức đóng và hưởng trong điều kiện hiện nay. Trong trường hợp người lao động đến tuổi nghỉ hưu hoặc bị suy giảm sức lao động, không thể tiếp tục làm việc, nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội thấp sẽ vẫn được hưởng lương hưu thay vì việc lĩnh một lần khi về “hưu non” như quy định hiện hành.

Nới lỏng điều kiện hưởng lương hưu: Đóng ít thì hưởng như thế nào? ảnh 1Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề xuất sửa đổi chính sách để người lao động tiếp cận an sinh xã hội tốt hơn.(Ảnh: PV/Vietnam+)

"Có những người đủ tuổi nghỉ hưu nhưng thời gian tham gia bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm, những trường hợp này theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 họ sẽ phải lĩnh bảo hiểm một lần, có thể họ sẽ tiêu dùng ngay trước mắt, nhưng sau đó hết tuổi không còn khả năng lao động thì lại không có nguồn nào đó để sinh hoạt cố định hàng tháng,” ông Phạm Minh Huân nói.

Mặc dù đồng tình với việc nới lỏng quy định nhận lượng hưu này nhưng ông Phạm Minh Huân cũng bày tỏ lo ngại về việc giảm thời gian tham gia bảo hiểm xã hội sẽ tương ứng với mức lương hưu thấp. Đây là một thách thức đối với các nhà làm chính sách, làm sao tính toán  hợp lý trong việc đóng-hưởng để giảm thiệt thòi cho người lao động.

Ông Vũ Quang Thọ, nguyên Viện trưởng Viện Công nhân công đoàn (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam) cho rằng: “Với thời gian đóng hội tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm chắc chắn mức lương hưu của người lao động nhận được sẽ thấp hơn, nhưng còn có chỗ để họ bấu víu…”

“Việc giảm thời gian tham gia bảo hiểm xã hội xuống 15 năm hay 10 năm không giúp người lao động có cuộc sống ‘xa hoa’ trong tương lai nhưng giúp họ giảm bớt khó khăn, còn muốn hưởng mức cao hơn thì phải đóng cao hơn. Hiện nay, cơ chế tham gia bảo hiểm cũng đã mở ra, người dân có quyền được đóng cho cơ quan bảo hiểm để có thể hưởng mức lương hưu cao hơn,” ông Vũ Quang Thọ chia sẻ.

Theo ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, việc giảm thời gian đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội để nhiều người được hưởng lương hưu là nội dung nhân văn, nhằm hướng tới tăng độ bao phủ bảo hiểm xã hội, thực hiện sàn an sinh xã hội.

“Đương nhiên, đóng ít thì hưởng ít, chứ đóng ít hưởng nhiều thì không đúng tinh thần thực hiện bảo hiểm xã hội có đóng có hưởng. Vì thế, đơn vị ra chính sách cần tính toán cẩn thận đảm bảo để tạo sự cân đối trong mức đóng-hưởng để dù đóng thời gian ngắn, nhưng lao động vẫn có thể đảm bảo được nhận mức lương hưu tối thiểu để lao động ổn định cuộc sống khi về hưu,” ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục