Nông dân Đồng Tháp lo lắng do giá cá tra có xu hướng giảm mạnh

Từ đầu tháng 4 đến nay, giá cá tra trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp giảm khoảng 500 đồng/kg so với tháng trước và giảm 6.000 đồng/kg so với đầu tháng 1/2019.
Nông dân Đồng Tháp lo lắng do giá cá tra có xu hướng giảm mạnh ảnh 1Thu hoạch cá tra. (Nguồn: TTXVN)

Từ đầu tháng 4 đến nay, giá cá tra trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp giảm khoảng 500 đồng/kg so với tháng trước và giảm 6.000 đồng/kg so với đầu tháng 1/2019. 

Hiện giá cá tra thương phẩm có trọng lượng bình quân 0,7-0,9 kg/con có giá hơn 23.500 đồng/kg. Đối với cá tra có size cỡ 1,1kg/con giá 24.000-25.000 đồng/kg. Người nuôi cá không liên kết đang lo lắng trước tình trạng giá cá giảm.

Tỉnh Đồng Tháp có hơn 20 doanh nghiệp tham gia hợp đồng liên kết với hợp tác xã và nông dân với tổng diện tích 469 ha ao nuôi cá tra, cung cấp với sản lượng hơn 164.000 tấn, chiếm hơn 62% diện tích nuôi cá tra trong toàn tỉnh. Còn 38% hộ nuôi không liên kết rất lo sợ khi giá cá tra giảm không có nguồn ra. Hiện nay, giá thành cho 1kg cá tra nguyên liệu là 23.211 đồng/kg, lợi nhuận từ 789-1.789 đồng/kg.

Mô hình liên kết là giải pháp hiệu quả nhất trong nghề nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu ở Đồng Tháp, vừa chủ động nguồn nguyên liệu, vừa đảm bảo chất lượng theo thị trường nước ngoài, đủ nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến. Nếu các hộ không liên kết, các công ty chỉ mua khi nguồn nguyên liệu khi thiếu, nếu có mua thì cũng chỉ mua với giá thấp, đến thời kỳ thu hoạch, cá bán chưa được sẽ mất thêm tiền chi phí nuôi…

Nhiều hộ nuôi cá tra trên địa bàn huyện Châu Thành cho biết, hơn 1 tháng nay, các đại lý thu mua cá tra phục vụ nhu cầu xuất khẩu chỉ tập trung thu mua cá tra size 1,4-1,5kg hoặc size 600-700gram. Điều này khiến lượng cá nguyên liệu có kích cỡ còn lại gặp khó khăn về đầu ra. Cùng với đó, các hộ nuôi cá thể gặp khó về việc tìm kiếm đầu ra vì phần lớn phụ thuộc vào đại lý thu mua.

[Video] Cá tra Việt Nam bị áp thuế chống bán phá giá tại Mỹ

Anh Nguyễn Hồ Trung Tín là thành viên Hội quán cá tra Hồng Tâm tại thị xã Hồng Ngự có gần 40ha ao nuôi cá tra. Đến thời điểm hiện nay, người nuôi như anh gặp khó khăn do giá xuất bán gần bằng giá thành sản xuất. Mặc dù vậy, anh Tín vẫn chưa thua lỗ. Với nhiều người theo nghề cá tra ở đây, đều có những giải pháp riêng để ứng phó với đợt sụt giảm giá này.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất-Dịch vụ thủy sản Châu Thành cho rằng, các hộ nuôi không nên chạy theo số lượng mà phát triển đại trà; nhất là giai đoạn hiện nay cần kiểm soát chặt diện tích, vùng nuôi, tránh để thừa nguyên liệu dẫn đến giá tiếp tục giảm. Người dân không mở thêm vùng nuôi mà cần đầu tư đi vào chiều sâu theo chuỗi liên kết giữa người nuôi với doanh nghiệp; nâng cao chất lượng.

Hiện nay, tỉnh Đồng Tháp kêu gọi các hộ nuôi nhỏ lẻ nên chú trọng nuôi liên kết là sản xuất tập trung, không manh mún, liên kết với các doanh nghiệp có thể triển khai các giải pháp sản xuất theo hướng hiện đại theo tiêu chuẩn Global GAP, VietGAP… Tự chủ nguồn nguyên liệu của các doanh nghiệp góp phần giải quyết khó khăn khi cần thiết.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Tháp, quý I/2019 diện tích nuôi cá tra trong tỉnh hơn 1.200ha, trong đó diện tích thu hoạch đạt hơn 130ha, sản lượng thu hoạch đạt hơn 50.000 tấn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục