OIC phản đối quốc tế hóa cuộc khủng hoảng Syria

Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) quan ngại về cách phản ứng của quốc tế với Syria và phản đối quốc tế hóa cuộc khủng hoảng tại nước này.
Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) ngày 30/11 đã bày tỏ quan ngại về cách thức phản ứng của cộng đồng quốc tế đối với cuộc khủng hoảng tại Syria, đồng thời nhắc lại lập trường phản đối quốc tế hóa cuộc khủng hoảng tại đất nước Trung Đông này.

Phát biểu tại một cuộc họp khẩn cấp cấp bộ trưởng các nước thuộc tổ chức Hồi giáo lớn nhất thế giới này tại Arập Xêút, Tổng Thư ký OIC, ông Ekmeleddin Ihsanoglu khẳng định: "Chúng tôi phản đối mọi sự can thiệp quân sự và khẳng định sự tôn trọng của chúng tôi đối với Syria cũng như chủ quyền của nước này... Chúng tôi hoan nghênh các nỗ lực của cộng đồng quốc tế và các nước Arập nhằm tiến tới một giải pháp cho cuộc khủng hoảng ở Syria."

Bên cạnh đó, Tổng thư ký Ihsanoglu cũng bày tỏ thất vọng về việc không đạt được đột phá nhằm chấm dứt tình trạng bạo lực kéo dài tám tháng qua ở Syria, làm hơn 3.500 người, chủ yếu là dân thường, thiệt mạng.

Tổng thư ký Ihsanoglu cũng kêu gọi các nước thành viên OIC đưa ra một đề xuất mang tính thực tiễn có thể dẫn tới một giải pháp hiệu quả nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng tại Syria.

Tại cuộc họp, các ngoại trưởng OIC đã kêu gọi chính quyền Syria hợp tác và đáp ứng các đề nghị của Liên đoàn Arập (AL), đồng ý để các đoàn quan sát viên nước ngoài tới Syria.

Tuyên bố chung được đưa ra sau khi kết thúc hội nghị cũng kêu gọi Damascus khẩn trương thực thi các biện pháp chấm dứt xung đột và cảnh báo rằng nếu xung đột tiếp tục kéo dài, cuộc khủng hoảng ở đất nước này có nhiều nguy cơ bị quốc tế hóa.

OIC cũng kêu gọi tất cả các bên ở Syria từ bỏ bạo lực và sử dụng các biện pháp hòa bình.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmed Davutoglu cho biết nước này quyết định trừng phạt chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, trong đó cấm các hoạt động kinh doanh với Damascus và Ngân hàng Trung ương Syria, phong tỏa tài sản của nhà nước Syria tại Thổ Nhĩ Kỳ, cấm các quan chức Chính phủ Syria nhập cảnh Thổ Nhĩ Kỳ.

Trước đó, ngày 27/11, Liên đoàn Arập đã thông qua các biện trừng phạt chính phủ của Tổng thống Assad, bao gồm ngừng giao dịch với Ngân hàng Trung ương Syria, đình chỉ trao đổi kinh tế với Chính phủ Syria, cấm các quan chức cấp cao của Syria nhập cảnh các nước Arập và phong tỏa các tài sản của chính phủ Syria ở các nước Arập.

AL cũng quyết định ngừng đầu tư vào Syria và kêu gọi đình chỉ tất cả các chuyến bay nối các nước Arập với Syria./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục