Tổng thư ký Tổ chức Bắc Đại Tây Dương (NATO) mãn nhiệm Anders Fogh Rasmussen sẽ rời Brussels ngày 30/9 tới, kết thúc hơn 5 năm cương vị Tổng thư ký NATO của mình.
Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, ngày 26/9, ông Rasmussen có cuộc gặp cuối cùng với các cộng sự, đặt hoa tại đài tưởng niệm các binh sỹ của NATO thiệt mạng trong các chiến dịch quân sự trên thế giới tại tổng hành dinh của Liên minh ở Brussels. Tiếp đó, ông sẽ điều hành cuộc họp cuối cùng của Hội đồng Bắc Đại Tây Dương (CAN) trên cương vị Tổng thư ký NATO.
Nhiệm kỳ của ông Rasmussen, 61 tuổi, bắt đầu từ ngày 1/8/2009 và chính thức kết thúc vào ngày 30/9 tới. Người kế nhiệm ông Rasmussen là cựu Thủ tướng Na Uy Jens Stoltenberg, 55 tuổi.
Ông Stoltenberg bắt đầu nhiệm kỳ 4 năm Tổng thư ký NATO của mình trong bối cảnh Liên minh chuẩn bị kết thúc sứ mệnh lịch sử quan trọng nhất và nguy hiểm nhất tại Afghanistan vào ngày 31/12 tới.
Trong cuộc xung đột tại Afghanistan, 3.000 binh sỹ của NATO đã tử nạn. Đây là các chiến binh thuộc liên minh quốc tế thực hiện sứ mệnh chỉ huy lực lượng quốc tế trợ giúp an ninh (ISAF) tiêu diệt quân Taliban. NATO hy vọng triển khai từ ngày 1/1/2015 một sứ mệnh tiếp theo.
Với tên gọi “hỗ trợ,” sứ mệnh này có số lượng binh sĩ giảm hơn trước, tổng số chỉ có khoảng 12.000 người so với 140.000 người của lực lượng ISAF và làm nhiệm vụ đào tạo, tư vấn và hỗ trợ lực lượng an ninh của Afghanistan (ANSF).
Ngoài ra, cựu Thủ tướng Na Uy Stoltenberg cũng phải quản lý khởi động sứ mệnh này nhưng vẫn cần việc Tổng thống đắc cử Afghanistan Ashraf Ghani ký kết thỏa thuận về quy chế của lực lượng SOFA.
Ông Stoltenberg sẽ đồng hành với trọng tâm của NATO là phòng thủ tập thể của các đồng minh nhằm đối phó với Nga ở Đông Âu nhưng trong bối cảnh ngân sách cho chi tiêu quốc phòng hạn hẹp tại hầu hết 26 đồng minh.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh của Liên minh diễn ra ngày 4-5/9 vừa qua ở sứ Wales (Vương quốc Anh), những người đứng đầu Nhà nước và Chính phủ 28 thành viên của NATO quyết định thành lập lực lượng phản ứng nhanh bao gồm vài nghìn bộ binh và có thể được triển khai trong vòng một vài ngày bằng đường không, đường thủy.
Bên cạnh đó, các đồng minh cũng cam kết duy trì “sự có mặt liên tục” bằng việc luân phiên các đơn vị quân sự tại Đông Âu nơi thái độ của Nga khiến các quốc gia vệ tinh của Moskva lo lắng trong suốt thời kỳ chiến tranh lạnh./.