OPCW khẳng định khí độc được sử dụng trong nội chiến Syria

Ngày 6/1, Tổ chức Cấm vũ khí hóa học khẳng định khí độc clo đã được sử dụng trong các cuộc tấn công nhằm vào ba ngôi làng ở Syria hồi năm ngoái, khiến ít nhất 13 người thiệt mạng.
OPCW khẳng định khí độc được sử dụng trong nội chiến Syria ảnh 1Hoạt động kiểm tra vũ khí hóa học tại Syria. (Nguồn: bbc)

Ngày 6/1, Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) khẳng định khí độc clo đã được sử dụng trong các cuộc tấn công nhằm vào ba ngôi làng ở Syria hồi năm ngoái, khiến ít nhất 13 người thiệt mạng và khoảng 350-500 người bị thương. 

Đây là bản báo cáo thứ ba của OPCW về các cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học tại Syria trong năm qua, song không nêu đích danh bên thực hiện. Phiên thảo luận kín ngay sau đó về văn bản này tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã chứng kiến sự căng thẳng giữa đại sứ các nước Anh, Pháp, Mỹ, và Nga.

Các nguồn tin ngoại giao cho biết phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc, bà Samantha Power, cáo buộc chính quyền Syria đã sử dụng vũ khí hóa học, nhấn mạnh rằng báo cáo mới nhất của OPCW đã cung cấp thêm nhiều bằng chứng thuyết phục về việc này. Quan chức Washington tuyên bố có 32 nhân chứng khẳng định nghe thấy tiếng máy bay thả bom khí clo và 29 người đã ngửi thấy chất khí độc này.

Trong khi đó, Nga - nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cho rằng vấn đề sử dụng vũ khí hóa học tại Syria cần được làm sáng tỏ tại OPCW chứ không thuộc thẩm quyền của Hội đồng Bảo An.

Đại sứ Chile tại Liên hợp quốc Cristian Barros Melet - nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an trong tháng này - từ chối công bố chi tiết cuộc họp kín nói trên, song khẳng định cơ quan này sẽ tiếp tục nhận những báo cáo về việc sử dụng vũ khí hóa học tại Syria.

Cho tới nay, Chính phủ Syria vẫn chưa đưa khí clo - một chất hóa học độc hại - vào danh sách các loại vũ khí hóa học phải tiêu hủy theo thỏa thuận với cộng đồng quốc tế hồi năm ngoái vì chất này được sử dụng rộng rãi cho mục đích thương mại và trong nước.

Chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad  và lực lượng nổi dậy đã cáo buộc lẫn nhau về việc sử dụng chất hóa học độc hại, trong đó có khí clo, trong gần bốn năm nội chiến khiến hơn 200.000 người thiệt mạng. 

Sau vụ tấn công bằng khí sarin ở ngoại ô thủ đô Damascus hồi tháng 8/2013, chính quyền Damascus chấp nhận một kế hoạch quốc tế do Nga đề xuất, theo đó tiêu hủy toàn bộ kho vũ khí hóa học của nước này, ước đoán vào khoảng 1.300 tấn, để đổi lấy việc Mỹ hủy bỏ kế hoạch không kích lật đổ chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad. 

Việc đưa toàn bộ vũ khí hóa học và hóa chất nguy hiểm ra khỏi Syria được cho là điều kiện cơ bản trong chương trình tiêu hủy kho vũ khí hóa học của quốc gia Trung Đông này. 

Bên cạnh việc di dời vũ khí hóa học và hóa chất nguy hiểm, Syria cũng phải chấm dứt mọi hoạt động sản xuất loại vũ khí hủy diệt hàng loạt này như phá bỏ các thiết bị và đầu đạn có thể chứa nguyên liệu hóa học, phá hủy các cơ sở liên quan... 

Phái bộ chung Liên hợp quốc - OPCW được ủy thác nhiệm vụ tiêu hủy kho vũ khí hóa học của Syria.

Trong một diễn biến có liên quan, cùng ngày, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã công bố báo cáo, cho biết trong năm 2014, tại Syria đã xảy ra 68 vụ tấn công vào các trường học phổ thông, làm ít nhất 160 học sinh bị thiệt mạng, 343 cháu khác bị thương. Chiến sự ác liệt diễn ra tại khắp các địa phương trong năm ngoái đã khiến 1,6 triệu học sinh nước này phải bỏ học và ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của khoảng 5,6 triệu học sinh.

UNICEF kêu gọi các bên tham chiến tại quốc gia Trung Đông này cùng kiềm chế, sớm tìm giải pháp chấm dứt cuộc xung đột đẫm máu, kéo dài gần bốn năm nay, và phải tôn trọng tuyệt đối Công ước Quốc tế về quyền trẻ em, không được phép tấn công các trường học, những điểm vui chơi của trẻ nhỏ, và phải thực hiện đầy đủ các quyền chính đáng của các cháu, trong đó có quyền được học hành, vui chơi và chăm sóc y tế..../. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục