Syria phủ nhận cáo buộc làm chậm việc tiêu hủy vũ khí hóa học

Syria tuyên bố công tác tiêu hủy và phá hủy các cơ sở sản xuất vũ khí hóa học còn lại ở nước này bị chậm trễ là do các vấn đề về kỹ thuật.
Syria phủ nhận cáo buộc làm chậm việc tiêu hủy vũ khí hóa học ảnh 1Tàu Mỹ tham gia tiêu hủy vũ khí hóa học Syria. (Nguồn: THX/Vietnam+)

Ngày 3/12, Syria tuyên bố công tác tiêu hủy và phá hủy các cơ sở sản xuất vũ khí hóa học còn lại ở nước này bị chậm trễ là do các vấn đề về kỹ thuật, bác bỏ các cáo buộc cho rằng chính quyền Damacus thiếu hợp tác trong hoạt động này.

Phát biểu trước báo giới, Đại sứ Syria tại Liên hợp quốc Bashar Jaafari cho hay theo kế hoạch, công tác phá hủy 12 kho chứa và đường hầm vận chuyển vũ khí hóa học của nước này được bắt đầu trong tháng 11 nhưng công ty Syria được chọn để tiến hành hoạt động này đã rút lui và Chính quyền Damascus đã phải chuyển giao trách nhiệm này hai công ty khác.

Tuy nhiên, công ty chịu trách nhiệm phá hủy 5 đường hầm hiện vẫn chưa nhận được các chuyến hàng chất nổ và thiết bị cần thiết. Chính phủ Syria khẳng định mọi chậm trễ trong khâu vận chuyển là thuộc trách nhiệm của các bên quốc tế.

Theo Đại sứ Jaafari, việc phá hủy 12 cơ sở vũ khí hóa học ở Syria dự kiến sẽ bắt đầu trong tháng này và hoàn tất trước cuối tháng 6/2015.

Trong khi đó, Đại sứ Cộng hòa Chad tại Liên hợp quốc Cherif Mahamat Zene cho biết 15 ủy viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã "bày tỏ sự quan tâm" về việc cần thiết phải phá hủy 12 cơ sở sản xuất vũ khí hóa học tại Syria cũng như tôn trọng thời hạn cho công tác này.

Việc tiêu hủy kho vũ khí của Syria được triển khai sau khi chính quyền Damascus chấp nhận một kế hoạch quốc tế do Nga đề xuất hồi tháng 10 năm ngoái, theo đó Syria đồng ý cho tiêu hủy toàn bộ kho vũ khí hóa học của nước này, ước đoán vào khoảng 1.300 tấn, để đổi lấy việc Mỹ hủy bỏ kế hoạch không kích lật đổ chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad.

Việc đưa toàn bộ vũ khí hóa học và hóa chất nguy hiểm ra khỏi Syria được cho là điều kiện cơ bản trong chương trình tiêu hủy kho vũ khí hóa học của quốc gia Trung Đông này.

Bên cạnh việc di dời vũ khí hóa học và hóa chất nguy hiểm, Syria cũng phải chấm dứt mọi hoạt động sản xuất loại vũ khí hủy diệt hàng loạt này như phá bỏ các thiết bị và đầu đạn có thể chứa nguyên liệu hóa học, phá hủy các cơ sở liên quan...

Phái bộ chung Liên hợp quốc - Tổ chức cấm vũ khí hóa học (OPCW) được ủy thác nhiệm vụ tiêu hủy chương trình vũ khí hóa học của Syria. Tuy nhiên, sau khi Liên hợp quốc - OPCW hết thời hạn hoạt động từ ngày 30/9 vừa qua, các công việc còn lại được chuyển giao cho OPCW tiếp quản./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục