OpenAI có nguy cơ bị kiện vì thông tin sai lệch trên ChatGPT

Ông Brian Hood, Thị trưởng khu vực địa phương Hepburn Shire ở bang Victoria, tuyên bố sẽ khởi kiện OpenAI nếu công ty này không đính chính thông tin sai sự thật trên ChatGPT.
OpenAI có nguy cơ bị kiện vì thông tin sai lệch trên ChatGPT ảnh 1Biểu tượng OpenAI và ChatGPT. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Công ty OpenAI, chủ sở hữu ứng dụng ChatGPT, đang đối mặt với nguy cơ bị kiện tại Australia liên quan đến thông tin trên ChatGPT cho rằng một thị trưởng ở bang Victoria từng “ngồi tù vì tội nhận hối lộ.”

Đây có thể là vụ kiện đầu tiên nhằm vào ứng dụng ngôn ngữ tự động đình đám của công nghệ công nghệ Mỹ liên quan đến hành vi “phỉ báng” người khác.

Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, ông Brian Hood, Thị trưởng khu vực địa phương Hepburn Shire ở bang Victoria, tuyên bố sẽ khởi kiện OpenAI nếu công ty này không đính chính thông tin sai sự thật trên ChatGPT cho rằng ông từng nhận hối lộ trong vụ bê bối liên quan đến một công ty con của Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA, ngân hàng trung ương Australia) vào đầu những năm 2000.

[Tiếp nhận đơn khiếu nại, Canada điều tra công ty sáng tạo ra ChatGPT]

Các luật sư đại diện của ông Brian Hood cho biết thực tế là ông từng làm việc cho công ty in tiền Note Printing Australia, song ông là người đã thông báo cho nhà chức trách về các hoạt động hối lộ giữa công ty với các quan chức nước ngoài để giành hợp đồng in tiền, trái với thông tin mà ứng dụng ChatGPT đưa ra.

Các luật sư cho biết họ đã gửi một lá thư bày tỏ lo ngại tới chủ sở hữu ChatGPT là OpenAI vào ngày 21/3, trong đó đề nghị OpenAI khắc phục những lỗi sai về thông tin trong vòng 28 ngày, nếu không sẽ phải đối mặt với một vụ kiện “xúc phạm danh dự người khác.”

Đến nay, công ty có trụ sở tại San Francisco, Mỹ vẫn chưa hồi đáp bức thư pháp lý của ông Hood.

Nếu ông Hood khởi kiện, đây có thể là lần đầu tiên một cá nhân kiện chủ sở hữu ChatGPT liên quan đến những sản phẩm ngôn ngữ tự động do ứng dụng dựa trên công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) này đưa ra.

ChatGPT là ứng dụng được sử dụng ngày càng phổ biến và đã được Microsoft tích hợp vào công cụ tìm kiếm Bing của mình hồi tháng 2 vừa qua.

Ông James Naughton, đối tác tại công ty luật Gordon Legal của ông Hood, cho rằng đây có thể là thời điểm mang tính bước ngoặt, đánh dấu bước đầu áp dụng “luật phỉ báng” vào một lĩnh vực mới như AI và các ấn phẩm trên không gian mạng.

Theo luật pháp Australia, chi phí bồi thường thiệt hại do làm tổn hại danh dự của người khác lên tới 400.000 AUD (tương đương 268.410 USD)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục