Phản ứng trái chiều về phát biểu của Tổng thống Mỹ

Bài phát biểu của Tổng thống Obama về vai trò của Mỹ tại Libya đã dấy lên các phản ứng trái chiều trong chính giới và dư luận Mỹ.
Chính giới và dư luận Mỹ đang có những phản ứng khác nhau xung quanh bài phát biểu quan trọng của Tổng thống Barack Obama tối 28/3 về vai trò của Mỹ tại Libya.

Bày tỏ sự không hài lòng với bài phát biểu của tổng thống, người phát ngôn của Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner nhấn mạnh bài phát biểu của ông Obama không rõ ràng, ít câu trả lời mới liên quan đến những nguồn lực của nước Mỹ sẽ được sử dụng, các tiêu chí và mục tiêu khi quan hệ với lực lượng chống đối chính phủ ở Libya, hay hành động này có thống nhất với các mục tiêu chính sách của Mỹ hay không.

Trong một đoạn video được đưa lên mạng, Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa Rand Paul cũng nhận định Tổng thống Mỹ đã không giải đáp được "những câu hỏi nghiêm túc về sự kiểm soát và cân bằng theo hiến pháp," coi thường hiến pháp và đưa nước Mỹ vào một cuộc xung đột quân sự mà không có sự thảo luận hay chấp thuận của Quốc hội.

Nhiều đảng viên Dân chủ vẫn cực lực phản đối việc Mỹ can dự quân sự vào Libya, đặc biệt là khi không có sự chấp thuận của Quốc hội.

Nghị sỹ Dennis Kucinich đại diện bang Ohio lập luận: “Nước Mỹ nay lại làm cảnh sát quốc tế, như người đứng đầu ngành hành pháp định nghĩa khi chúng ta phải ra tay (can thiệp). Và tôi nghĩ rằng điều đó thực sự là một thế rất nguy hiểm cho chúng ta.”

Các nghị sỹ Dân chủ cho rằng điều cấp thiết lúc này là ông Obama phải tiếp tục thông báo và tham khảo ý kiến của Quốc hội chừng nào quân đội Mỹ còn can dự vào cuộc xung đột quân sự tại Libya.

Trong khi đó, Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa John McCain, từng là đối thủ của ông Obama trong cuộc bầu cử năm 2008, lại ca ngợi bài phát biểu của tổng thống Mỹ. Ông nói: "Tôi hoan nghênh việc tổng thống bảo vệ mạnh mẽ hành động quân sự tại Libya và đánh giá cao việc ông giải thích vì sao sự can thiệp là đúng đắn và cần thiết."

Nhiều nghị sỹ đảng Dân chủ cũng ủng hộ bài phát biểu của ông Obama, coi lời giải thích cho việc Mỹ can dự vào tình hình Libya là thỏa đáng.

Thượng nghị sỹ Harry Reid, lãnh đạo phe Dân chủ chiếm đa số ở Thượng viện, nhấn mạnh ông chia sẻ quyết tâm của tổng thống trong việc hạ bệ nhà lãnh đạo Libya Moamer Kadhafi.

Nghị sỹ Emanuel Cleaver, đại diện bang Missouri, ca ngợi thông báo của Tổng thống rằng sứ mạng quân sự sẽ được chuyển giao cho Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), cho thấy ông Obama “thấu hiểu đầy đủ” rằng Mỹ không có khả năng gánh thêm “một Iraq hay một Afghanistan khác.”

Trong một bài viết, nhà bình luận Jim Geraghty cho biết ông đồng ý với hầu hết những gì Tổng thống Mỹ phát biểu, nhưng ông Obama đã "dùng nhiều ngôn từ hùng hồn mà không đi thẳng vào các vấn đề mà những người Mỹ hay nghi ngờ nhất đặt ra như vì sao phải can thiệp ở nơi này mà không can thiệp ở những nơi khác?"

Dự kiến trong tuần này sẽ diễn ra một loạt phiên điều trần (cả kín lẫn công khai) tại Quốc hội Mỹ xung quanh vấn đề Libya. Các nghị sỹ của cả hai đảng cho biết họ sẽ tiếp tục đòi lời giải thích về các chi phí cho sứ mạng mà Mỹ đã thực hiện tại quốc gia Bắc Phi này.

Để bổ sung thêm cho bài phát biểu của mình, ngày 29/3, Tổng thống Obama đã trả lời phỏng vấn ba chương trình truyền hình, gồm NBC News, CBS và ABC News, trong đó khẳng định mục tiêu của Mỹ và liên quân tại Libya là gây áp lực mạnh mẽ khiến nhà lãnh đạo Gaddafi "cuối cùng sẽ phải từ bỏ" quyền lực, đồng thời tin rằng ông Gaddafi sẽ từ chức.

Ông Obama cho biết áp lực quân sự và cấm vận quốc tế đã "làm suy yếu đáng kể ông Gaddafi và nhà lãnh đạo này hiện mất quyền kiểm soát hầu hết Libya."

Mỹ không loại trừ khả năng cung cấp thiết bị quân sự cho lực lượng nổi dậy tại Libya, đồng thời nhất trí sẽ cung cấp các khoản viện trợ không sát thương khác như thiết bị viễn thông, y tế và hỗ trợ vận tải cho lực lượng chống đối tại Libya./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục