Phát triển kinh tế vùng Đông Nam Bộ: Cơ hội mới cho vùng đất năng động

Để chuẩn bị sẵn sàng cho hình thành Khu thương mại tự do Cái Mép Hạ, thời gian qua, Bà Rịa-Vũng Tàu đã chủ động triển khai phát triển khu thương mại tự do vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030.
Phát triển kinh tế vùng Đông Nam Bộ: Cơ hội mới cho vùng đất năng động ảnh 1Lãnh đạo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ký kết biên bản ghi nhớ về đầu tư với các nhà đầu tư. (Ảnh: Ngọc Sơn/Vietnam+)

Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 đang mở ra cơ hội phát triển mới cho các tỉnh, thành Đông Nam Bộ, trong đó có Bà Rịa-Vũng Tàu.

Với định hướng đã được nêu rõ: phát triển tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia, bao gồm cả cảng biển du lịch và các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, văn hóa, các dịch vụ vui chơi giải trí chất lượng cao, tỉnh có những giải pháp triển khai quyết liệt để tiếp tục thu hút nhà đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông kết nối, phát triển sản phẩm du lịch.

Chiến lược thu hút đầu tư vào khu thương mại tự do

Ông Phạm Viết Thanh - Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu khẳng định Đảng bộ, chính quyền, nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thống nhất cao và quyết tâm thực hiện thành công mục tiêu Nghị quyết 24-NQ/TW đề ra. Tỉnh sẽ khẩn trương triển khai đầy đủ và có lộ trình, kế hoạch thực hiện nghị quyết này.

Phát triển kinh tế vùng Đông Nam Bộ: Cơ hội mới cho vùng đất năng động ảnh 2Một góc Tổ hợp hóa dầu Long Sơn - Một đại dự án tầm cỡ quốc gia được thu hút đầu tư tại Thành phố Vũng Tàu. (Ảnh: Ngọc Sơn/Vietnam+)

Nhấn mạnh trong số các chủ trương, giải pháp phát triển vùng mà nghị quyết đề cập có chủ trương về hình thành Khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ, phát triển Bà Rịa-Vũng Tàu thành trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế, ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết các chủ trương, giải pháp này nằm trong tổng thể các quyết sách mang tính chiến lược, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển toàn vùng Đông Nam Bộ trong thời kỳ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Để chuẩn bị sẵn sàng cho hình thành Khu thương mại tự do Cái Mép Hạ, thời gian qua, Bà Rịa-Vũng Tàu đã chủ động triển khai phát triển khu thương mại tự do vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tỉnh tổ chức lập quy hoạch Trung tâm logistics Cái Mép Hạ, lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án để trình cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư. Bà Rịa Vũng Tàu cũng triển khai đầu tư các công trình giao thông kết nối liên cảng và liên vùng; phối hợp với bộ ngành trung ương và các địa phương thúc đẩy triển khai các dự án giao thông kết nối vùng Đông Nam Bộ.

Thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ, để sớm hình thành khu thương mại tự do Cái Mép Hạ, tỉnh sẽ khẩn trương triển khai nhiều giải pháp, trong đó sẽ giao cơ quan chuyên môn xác định cụ thể diện tích, địa điểm xây dựng khu thương mại tự do, đảm bảo phù hợp với Quy hoạch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, phù hợp nhu cầu sử dụng đất và mặt nước tại khu vực.

Tỉnh tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là các dự án hạ tầng giao thông kết nối vùng Đông Nam Bộ, kết nối khu thương mại tự do Cái Mép Hạ với hệ thống cảng biển, cảng hàng không quốc tế Long Thành, trung tâm tài chính quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh, các khu công nghiệp, khu kinh tế, các đô thị phát triển trong vùng Đông Nam bộ và cả nước, trong hành lang kinh tế xuyên Á.

[Giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu]

Theo đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngay tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị và Xúc tiến đầu tư vào Đông Nam bộ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã công bố danh mục một số dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư vùng Đông Nam Bộ; trong đó có dự án đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, dự kiến vốn đầu tư khoảng 7.772 tỷ đồng.

Phát triển kinh tế vùng Đông Nam Bộ: Cơ hội mới cho vùng đất năng động ảnh 3Tổ hợp nghỉ dưỡng The Grand Hồ Tràm Strip - một điểm du lịch nghỉ dưỡng cao cấp nổi tiếng tại Bà Rịa-Vũng Tàu. (Ảnh: Ngọc Sơn/Vietnam+)

Dự án có mục tiêu đầu tư giao thông kết nối vùng, liên vùng, kết nối tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (Cảng Cái Mép-Thị Vải) với các khu vực sản xuất tại Đồng Nai-Bình Dương-Thành phố Hồ Chí Minh-Long An (Cảng Hiệp Phước), thúc đẩy phát triển đô thị hóa, có ý nghĩa rất lớn đối với phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nói riêng, vùng Đông Nam Bộ nói chung.

Kết nối, đầu tư phát triển du lịch

Liên quan đến nhiệm vụ phát triển tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thành trung tâm du lịch chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế mà Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra, theo lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, trong vùng Đông Nam Bộ, Bà Rịa-Vũng Tàu là địa phương duy nhất có bờ biển dài với bãi cát thoải, sạch, nước trong, đủ điều kiện phát triển du lịch chất lượng cao.

Trên địa bàn tỉnh có nhiều khu vực có cảnh quan hấp dẫn, môi trường trong lành. Ngoài ra, tỉnh còn có các di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia, lễ hội văn hóa truyền thống. Côn Đảo vừa là di tích lịch sử cách mạng, vừa là khu bảo tồn thiên nhiên rừng, biển, một trong những khu Ramsar được thế giới công nhận và đánh giá cao.

Đặc biệt, Bà Rịa-Vũng Tàu là điểm cuối của dải ven biển từ miền Trung trở vào có thể phát triển du lịch biển cộng thêm vị trí địa lý liền kề với các trung tâm kinh tế, tập trung đông đúc dân cư của vùng Đông Nam Bộ, với thị trường hơn 18 triệu dân. Các yếu tố trên hội tụ các điều kiện để tỉnh trở thành trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng của vùng Đông Nam bộ và các vùng lân cận.

Phát triển kinh tế vùng Đông Nam Bộ: Cơ hội mới cho vùng đất năng động ảnh 4Thành phố Vũng Tàu nhìn từ đỉnh núi Nhỏ. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Ông Nguyễn Văn Thọ - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết để phát triển trung tâm du lịch chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế, tỉnh tập trung thực hiện các giải pháp như: đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông kết nối các vùng phát triển du lịch của tỉnh.

Tỉnh phối hợp với các bộ ngành và các địa phương trong vùng khẩn trương hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông kết nối vùng: cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh, nâng cấp Cảng hàng không Côn Đảo, xây dựng Cảng tàu khách quốc tế và hệ thống đường thủy nội địa, đường sắt Biên Hòa-Vũng Tàu, các tuyến đường sắt đô thị... nhằm tăng cường sự liên kết các hoạt động du lịch nói riêng và kinh tế-xã hội nói chung với các địa phương trong vùng và khu vực.

Thông điệp của tỉnh gửi đến các nhà đầu tư là Bà Rịa-Vũng Tàu luôn chào đón các ý tưởng, sự đầu tư của doanh nghiệp. Các cấp chính quyền của tỉnh sẽ thực hiện mọi giải pháp để doanh nghiệp có thể khai thác, phát huy, đem lại lợi ích hợp pháp cho doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật đồng thời bảo đảm lợi ích cho Nhà nước, người dân và thúc đẩy sự phát triển bền vững của tỉnh./.

Phát triển kinh tế vùng Đông Nam Bộ: Cơ hội mới cho vùng đất năng động ảnh 5Một góc cảng biển Cái Mép-Thị Vải. (Ảnh: Đoàn Mạnh Dương/TTXVN)
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục