Philippines được lợi khi Trung Quốc bác tòa án LHQ

Việc Trung Quốc từ chối tham gia vào thủ tục phán xét của tòa trọng tài quốc tế trong tranh chấp lãnh thổ là bước đi có lợi cho Manila.

Đài BBC dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin ngày 23/2 khẳng định việc Trung Quốc từ chối tham gia vào thủ tục phán xét của tòa trọng tài quốc tế đối với Biển Tây Philippines (Biển Đông) trong tranh chấp lãnh thổ là bước đi có lợi cho Manila.

 

Báo Philippine Star dẫn lời ông Gazmin cho biết: "Sẽ thuận lợi cho chúng tôi nếu họ (Trung Quốc) không tham gia. Cho dù họ từ chối hoặc không, vụ việc sẽ vẫn được đưa ra phán xét ngay cả khi họ không tham gia".

[Philippines kêu gọi toàn dân ủng hộ kiện Trung Quốc]

 

Tháng trước, Philippines đưa vấn đề tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc tại Biển Đông ra tòa trọng tài quốc tế của LHQ. Philippines tin rằng đường biên giới biển 9 đoạn (còn gọi là "chữ U" hay "lưỡi bò") mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền là bất hợp pháp và hy vọng tòa quốc tế sẽ tuyên bố việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền như vậy là trái với Công ước của LHQ về Luật Biển (UNCLOS).

 

Trước đó, giải thích quyết định của chính phủ khi đưa vụ tranh chấp chủ quyền ra tòa án của LHQ, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cho biết Manila đã thử gần như tất cả các biện pháp cho một giải pháp hòa bình.

 

Philippines cũng cho biết nước này đang “đi đúng hướng” trong nỗ lực tìm kiếm một phán quyết từ tòa án trọng tài Liên hợp quốc, nhằm bác bỏ đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc đối với phần lớn Biển Đông, sau khi chính phủ Trung Quốc từ chối theo kiện.

 

Trợ lý của Tổng thống Philippines Benigno Aquino, ông Rene Almendras cho hay chính phủ nước này đã dự đoán được việc Trung Quốc phớt lờ kế hoạch đưa vụ việc lên LHQ và nhấn mạnh rằng vụ kiện vẫn sẽ được tiến hành mà không cần tới sự chấp thuận của Trung Quốc.

["Tuyên bố của Trung Quốc là hành động nguy hiểm"]

 

Theo các luật sư và các chuyên gia, việc Trung Quốc từ chối cử ra một thẩm phán riêng đại diện cho nước này tham gia vào ban hội thẩm 5 người sẽ không ngăn chặn được tiến trình diễn ra phiên tòa theo yêu cầu của Philippines, và cũng không cho Trung Quốc một quyền lợi pháp lý để phớt lờ bất kỳ sự phán quyết nào mà nước này không hài lòng trong tương lai.

 

Theo tiến trình xử lý thủ tục của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển mà Trung Quốc đã ký, giờ đây Manila có 2 tuần để đề nghị Chánh án Tòa án Quốc tế về Luật Biển bổ nhiệm một thẩm phán thay thế vị trí mà Trung Quốc bỏ trống trong ban hội thẩm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục