‘Phù thủy âm thanh’ Vũ Nhật Tân khép lại hành trình ‘nổi loạn’

Gã “phù thủy âm thanh” Vũ Nhật Tân ra đi sau thời gian chống chọi với trọng bệnh, khép lại một hành trình sáng tạo bền bỉ với nhiều thể nghiệm thú vị.
‘Phù thủy âm thanh’ Vũ Nhật Tân khép lại hành trình ‘nổi loạn’ ảnh 1Nghệ sỹ Vũ Nhật Tân đưa đến cho nhạc Việt nhiều đổi mới, phá cách. (Ảnh: Dino Trung)

Nhạc sỹ Vũ Nhật Tân, một trong những người tiên phong của dòng nhạc đương đại-thể nghiệm ở Việt Nam, đã qua đời tối 21/7 tại Hà Nội. Gã “phù thủy âm thanh” ra đi sau thời gian chống chọi với trọng bệnh, khép lại một hành trình sáng tạo bền bỉ.

Nghệ sỹ tiên phong

Nhạc sỹ Vũ Nhật Tân sinh năm 1970 tại Hà Nội. Sinh thời, anh được thừa hưởng niềm đam mê nghệ thuật từ cha, phó giáo sư-tiến sỹ Vũ Nhật Thăng - một trong những nhà nghiên cứu âm nhạc truyền thống hàng đầu của Việt Nam.

Vũ Nhật Tân đến với âm nhạc từ khá sớm. Năm 1980, anh theo học piano tại Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Sau đó, anh rẽ hướng, theo học sáng tác và lý luận âm nhạc. Dẫu vậy, anh vẫn luôn khẳng định mình là một nghệ sỹ đa tài.

[Slim V: Nhạc điện tử là cầu nối đưa nhạc hàn lâm đến gần giới trẻ]

Trong hành trình sáng tạo, nghệ sỹ Vũ Nhật Tân là một trong những tên tuổi nổi bật của nhạc Việt bởi những phá cách mới lạ, những thử nghiệm táo bạo. Không chỉ là nhà soạn nhạc chuyên về nhạc giao hưởng, thính phòng, độc tấu nhạc cụ, Vũ Nhật Tân còn khẳng định mình ở vai trò nghệ trình diễn với nhiều sản phẩm âm nhạc ấn tượng.

Vũ Nhật Tân có khả năng “làm chủ” piano, sáo, guitar, bộ gõ… Anh mở rộng biên độ, cách thức biểu hiện của các loại nhạc cụ. Với Vũ Nhật Tân, sáo không chỉ để thổi mà còn để vỗ. Hơn nữa, Vũ Nhật Tân lại áp dụng các loại công nghệ mới để những thanh âm ấy mang sắc thái mãnh liệt hơn.

Năm 2002 đánh dấu bước ngoặt trên hành trình sáng tạo của Vũ Nhật Tân khi anh chuyển sang thể nghiệm nhạc điện tử, kết hợp các loại nhạc cụ với thiết bị công nghệ. Những thể nghiệm này lần lượt được giới thiệu trong các buổi trình diễn âm thanh và âm nhạc điện tử của anh tại các sự kiện âm nhạc lớn tại châu Âu, Mỹ, Australia, Trung Quốc và Việt Nam, có sự phối hợp với nhiều nghệ sỹ với các phong cách biểu diễn cổ điển và đương đại.

“Bỏ vai Judas”

Trong ký ức của nhiều bạn bè, đồng nghiệp, Vũ Nhật Tân là “gã đầu trọc” luôn sẵn sàng cháy hết mình với âm nhạc, chấp nhận những thiệt thòi để được sống với đam mê. Mỗi khi nói về âm nhạc, anh say sưa đến quên thời gian, mệt mỏi.

Những vật dụng bình thường xung quanh (cốc, chén, thìa, gót giày…) đều có thể trở thành “nhạc cụ” để anh trưng dụng, tự “minh họa” cho những ý tưởng của mình. Ở nơi góc phố, anh vừa huýt sáo vừa giậm gót giày, tay vỗ mặt bàn. Ánh mắt mơ màng, phiêu theo những thanh âm cuộc sống.

Vũ Nhật Tân tìm được cảm hứng sáng tạo từ cả âm nhạc nhạc dân gian Việt Nam và âm nhạc cổ điển phương Tây. Anh kết hợp thanh âm từ các loại nhạc cụ truyền thống và những thiết bị điện tử hiện đại để mang tới cho người nghe những trải nghiệm khác lạ. Âm nhạc của Vũ Nhật Tân khi thì chói gắt, lúc lại đượm vẻ huyền bí…

‘Phù thủy âm thanh’ Vũ Nhật Tân khép lại hành trình ‘nổi loạn’ ảnh 2Nhạc sỹ ra đi sau một thời gian chống chọi với trọng bệnh. (Ảnh tư liệu)

Vào thập niên 2000s, Vũ Nhật Tân từng bị coi là “gã Judas” (với hàm ý chỉ “kẻ phản đồ”) của âm nhạc cổ điển khi trình làng những sản phẩm âm nhạc mang màu sắc khác biệt, đầy ắp thanh âm của đời thực. Không ít đồng nghiệp gọi anh là gã “gà” khi thấy Tân mãi độc hành, cặm cụi tìm lối đi riêng, xuất hiện và chơi nhạc với chiếc máy tính xách tay.

Thế nhưng, Vũ Nhật Tân vẫn kiên trì tìm lối đi riêng bởi anh quan niệm sáng tác là hành trình sáng tạo không ngừng và nghệ sỹ phải tạo được dấu ấn riêng, bước khỏi những lối mòn đã có.

Vũ Nhật Tân cho rằng lối giảng dạy và tiếp thu âm nhạc cổ điển quá gò bó và anh muốn thoát khỏi những khuôn khổ, phép tắc ấy. Ban đầu, dòng nhạc mà anh theo đuổi còn khá lạ lẫm ở Việt Nam.

Công chúng và cả giới chuyên môn đã rất bất ngờ khi giới thiệu dự án âm nhạc “Tiếng ồn” (noise music). Vũ Nhật Tân thu âm tiếng ồn phố phường, chọn lọc những âm thanh, tiếng động có tiết tấu, nhịp điệu cuộc sống (tiếng xe cộ, tiếng người trò chuyện…), sau đó pha trộn cùng những loại nhạc cụ (kèn, sáo…) và kết hợp với các loại máy tiếng ồn (noise machines) để tạo ra những sản phẩm âm nhạc thú vị.

Sau những “choáng váng” ban đầu, các nhà phê bình cho rằng Vũ Nhật Tân có cách làm nhạc ấn tượng, nghiêm túc trong cấu trúc, xử lý âm thanh để tạo ra một hướng đi mới đậm chất đương đại.

Một số dự án mang đậm dấu ấn cá nhân của Vũ Nhật Tân là “Hanoinoise” (Âm thanh Hà Nội), “Cõi vắng,” Đông muộn,” “Phố,” “I love phở”...

Trong những năm gần đây, con đường của Vũ Nhật Tân đã có nhiều người đồng hành, cùng chia sẻ những ý tưởng thể nghiệm. Đó là các nghệ sỹ Đoàn Minh Trí, Nguyễn Mạnh Hùng…./.

Nghệ sỹ Vũ Nhật Tân từng giành nhiều giải thưởng: giải nhất cuộc thi sáng tác Saint-German-en-Laye tại Pháp (năm 1995), bốn giải thưởng của Hội Nhạc sỹ Việt Nam (tác các năm 1998, 2000, 2001 và 2003), giải thưởng của Hội đồng Văn hóa châu Á (năm 2002)…

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục