Phương án tối ưu nào tháo gỡ ‘ngòi nổ’ dự án BOT Cai Lậy?

Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các đơn vị của Bộ nghiên cứu các phương án, kịch bản trạm BOT Cai Lậy và có báo cáo sớm trước ngày 22/12 nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư và người dân.
Phương án tối ưu nào tháo gỡ ‘ngòi nổ’ dự án BOT Cai Lậy? ảnh 1Đoàn xe bị ùn tắc kéo dài trước cửa trạm thu BOT Cai Lậy. (Ảnh: Nam Thái/TTXVN)

Trạm BOT Cai Lậy (Tiền Giang) là tâm điểm nóng trong thời gian qua khi cánh tài xế và người dân liên tục phản ứng về vị trí và mức phí trạm này. Bộ Giao thông Vận tải cũng đã nghiên cứu các phương án, kịch bản nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư và người dân. Vậy, phương án tối ưu nào để có thể gỡ “ngòi nổ” dự án này?

Triển khai kết luận chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ ngày 4/12, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẩn trương nghiên cứu, báo cáo 3 phương án xử lý đối với dự án BOT tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 và xây dựng đoạn tránh thị xã Cai Lậy trước ngày 17/12. Vụ Đối tác công-tư (PPP) báo cáo lãnh đạo Bộ trước ngày 22/12 tới đây.

[Dự án BOT Cai Lậy: Nhà đầu tư chưa bao giờ nghĩ đến việc dời trạm]

Cụ thể, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam chủ trì, phối hợp với Công ty Trách nhiệm hữu hạn đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang, Sở Giao thông Vận tải Tiền Giang và các cơ quan, đơn vị khẩn trương nghiên cứu các phương án xử lý, đề xuất giải pháp, phân tích ưu, nhược điểm cụ thể đối với mỗi phương án.

Cụ thể, phương án 1 giữ nguyên trạm như hiện nay, có biện pháp bổ sung nếu cần thiết để đảm bảo việc thu giá dịch vụ. Phương án 2 xây dựng thêm trạm trên tuyến tránh, thu giá dịch vụ hoàn vốn đầu tư cho cả tuyến tránh và phần đầu tư trên Quốc lộ 1 hiện hữu.

Phương án 3 là di dời trạm hiện nay về đặt trên tuyến tránh, Nhà nước hoàn trả phần kinh phí đầu tư trên quốc lộ 1 hiện hữu, có điều tiết phân luồng giao thông. Trường hợp phương án tài chính không hiệu quả, Nhà nước sẽ hỗ trợ. Đây là các phương án Bộ Giao thông Vận tải đề xuất tại cuộc họp Chính phủ ngày 4/12.

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông vận tải cũng yêu cầu các phương án báo cáo cần thu thập đủ số liệu xe các loại dự kiến phân luồng xe đi trên tuyến tránh và xe đi trên Quốc lộ 1 qua trung tâm thị xã Cai Lậy, có ý kiến thống nhất của địa phương và thực hiện đàm phán, thống nhất sơ bộ với nhà đầu tư.

[Bộ GTVT đưa ba kịch bản xử lý vấn đề tại trạm thu phí BOT Cai Lậy]

Một phương án được các chuyên gia giao thông đưa ra nghiên cứu thêm phương án thứ tư đó là giữ nguyên trạm thu phí như hiện tại, sau khi dự án thu hồi đủ vốn đầu tư, trạm BOT sẽ được dời vào tuyến tránh. Phương án này được đánh giá khả thi vì thời gian thu phí sẽ ngắn hơn và có giới hạn rõ ràng về tuyến đường, mức phí, loại xe cụ thể.

Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Đường bộ Việt Nam cho biết, Tổng cục đang chủ trì, phối hợp với tỉnh Tiền Giang để nghiên cứu các phương án khả thi nhất nhằm xử lý trạm BOT Cai Lậy trước 17/12./.

Trạm BOT Cai Lậy bắt đầu được thu phí từ đầu tháng 8/2017 để hoàn vốn cho dự án. Tuy nhiên, mức phí và vị trí đặt trạm được cho là vấn đề khiến người dân phản đối dẫn tới trạm này phải tạm dừng thu phí trong 3 tháng.

Sau khi thu phí trở lại vào cuối tháng 11 vừa qua, trạm phí này lại bị cánh tài xế phản ứng và khiến trạm liên tục xả trạm và không thể thu phí.

Ngày 4/12 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo trước mắt trạm BOT Cai Lậy dừng thu phí 1-2 tháng để xem xét, đánh giá toàn diện các vấn đề liên quan đến dự án.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục