Dự án BOT Cai Lậy: Nhà đầu tư chưa bao giờ nghĩ đến việc dời trạm

Theo nhà đầu tư BOT Cai Lậy, nếu Nhà nước bỏ tiền mua trạm phí sẽ là gánh nặng đối với ngân sách. Công ty chưa bao giờ nghĩ đến việc dời trạm, thậm chí không dám nghĩ tới.
Dự án BOT Cai Lậy: Nhà đầu tư chưa bao giờ nghĩ đến việc dời trạm ảnh 1Trạm BOT Cai Lậy. (Ảnh: Nam Thái/TTXVN)

Liên quan đến việc tạm dừng thu phí trạm BOT Cai Lậy (Tiền Giang) và Bộ Giao thông đưa ra 3 kịch bản xử lý vấn đề tại trạm thu này, ông Nguyễn Phú Hiệp, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Quốc lộ 1 (nhà đầu tư trạm BOT Cai Lậy) cho biết, nếu Nhà nước bỏ tiền mua trạm phí sẽ là gánh nặng đối với ngân sách. Công ty chưa bao giờ nghĩ đến việc dời trạm, thậm chí không dám nghĩ tới.

Đại diện nhà đầu tư BOT Cai Lậy đã có cuộc trao đổi với phóng viên VietnamPlus.

- Bộ Giao thông Vận tải mới đây đã đưa ra 3 kịch bản cho dự án BOT Cai Lậy, đó là giữ nguyên trạm phí, di dời trạm phí về tuyến tránh hoặc lập thêm trạm phí tuyến tránh cùng với trạm phí trên Quốc lộ 1 để đảm bảo công bằng cho các phương tiện. Ông nghĩ gì về các phương án này?

Ông Nguyễn Phú Hiệp: Là nhà đầu tư của dự án, vì vậy Công ty ý thức được việc phải tuân thủ pháp luật, tuân thủ những quy định của Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải, tỉnh Tiền Giang và các cơ quan chức năng. Sự việc xảy ra trong thời gian vừa qua nằm ngoài tầm kiểm soát nhưng đơn vị tôn trọng, chấp hành nghiêm túc theo chỉ đạo của Chính phủ.

[Bộ GTVT đưa ba kịch bản xử lý vấn đề tại trạm thu phí BOT Cai Lậy]

Đồng thời, nhà đầu tư cũng mong nhận dược sự cảm thông chia sẻ của người dân về những gì mà dự án đã đem lại, góp phần vào việc phát triển hạ tầng giao thông, phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Những kịch bản của Bộ Giao thông Vận tải đưa ra cũng đã dựa trên tình hình thực tế hiện nay và định hướng của kinh tế vùng. Tuy nhiên, để áp dụng cũng cần phải xem xét trên nhiều khía cạnh.

Với phương án mua lại trạm thu phí, Nhà nước sẽ thiệt hại rất nhiều và bỏ ra một số tiền lớn. Là nhà đầu tư thì dự án vừa mang ý nghĩa về mặt xã hội, vừa mang lại lợi ích kinh tế, chứ không muốn trở thành gánh nặng cho ngân sách Nhà nước.

Còn về phương án di dời, dưới góc độ nhà đầu tư, Công ty chưa bao giờ nghĩ đến việc dời trạm, thậm chí không dám nghĩ tới.

- Điệp khúc thu phí và xả trạm do người dân và tài xế phản ứng trạm BOT Cai Lậy vừa qua được dư luận quan tâm. Với việc thu phí liên tục bị gián đoạn, dự án bị ảnh hưởng phương án tài chính hoàn vốn cho nhà đầu tư ra sao?

Ông Nguyễn Phú Hiệp: Dự án BOT Cai Lậy là dự án được đầu tư dưới hình thức xây dựng-kinh doanh-chuyển giao). Trong đó, có vốn góp của liên danh nhà đầu tư. Công ty cũng phải vay ngân hàng hàng nghìn tỷ đồng.

Thời gian qua, đơn vị gặp rất nhiều khó khăn khi không thể thu phí. Chúng tôi đã có phương án tạm thời bố trí, huy động các nguồn vốn khác để cân đối nguồn vốn cho vay và trả lãi đối với các khoản vay nói trên. Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp trước mắt, dưới góc độ là doanh nghiệp, sự việc không thể kéo dài mãi như tình hình hiện nay.

Chính vì thế, Công ty rất cần có sự ủng hộ của Chính phủ và các ngành chức năng để giải quyết ổn thoả vấn đề đang lùm xùm ở đây để không phá vỡ phương án tài chính của Công ty.

[Thủ tướng chỉ đạo tạm dừng thu phí trên tuyến tránh Cai Lậy]

“Nhà đầu tư mong Chính phủ sớm có phương án hợp lý để được thực hiện việc thu phí nhằm đảm bảo phương án tài chính không bị vỡ.

- Trạm thu phí Cai Lậy bị phản đối vì vị trí trạm đặt “nhầm chỗ”. Ông giải thích như thế nào về vấn đề này?

Ông Nguyễn Phú Hiệp: Dự án trạm BOT Cai Lậy được phê duyệt từ năm 2009. Do ngân sách nhà nước và địa phương khó khăn nên đến năm 2013, dự án mới quyết định đầu tư theo hình thức hợp tác công-tư (PPP), loại hợp đồng BOT.

Năm 2013, Quốc lộ 1 xuống cấp và ùn tắc nên Bộ Giao thông Vận tải lập dự án đầu tư xây dựng tuyến tránh Cai Lậy và cải tạo Quốc lộ 1. Dự án này nhà đầu tư không chỉ làm tuyến tránh mà còn thảm nhựa tăng cường Quốc lộ 1, hệ thống thoát nước, sửa chữa 14 cầu trên chiều dài 26,5 km.

Nếu nhà đầu tư chỉ làm đường tránh thì đặt trạm tại đường tránh, còn dự án này có trải nhựa tăng cường mặt đường, sửa cầu, làm hệ thống thoát nước 26,5 km trên quốc lộ nên vị trí trạm hiện nay là đúng.

Dự án BOT Cai Lậy: Nhà đầu tư chưa bao giờ nghĩ đến việc dời trạm ảnh 2BOT Cai Lậy hỗn loạn do tài xế dùng mọi cách để dừng tại làn thu phí. (Ảnh: Nam Thái/TTXVN)

Hơn nữa, vị trí đặt trạm BOT Cai Lậy hiện nay nhận được sự đồng thuận của Bộ Giao thông Vận tải và chính quyền địa phương, trạm thu nằm trong phạm vi dự án, tuân thủ quy định pháp luật, đã đảm bảo khoảng cách >70km nên thuộc thẩm quyền quyết định của Bộ Giao thông Vận tải.

Để tăng thêm tính công khai, minh bạch, Bộ Giao thông Vận tải đã lấy ý kiến và nhận được sự đồng thuận của Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang và Bộ Tài chính.

Pháp luật quy định rất rõ về vị trí đặt trạm. Đó là phải đặt trong phạm vi dự án. Ở đây trạm nằm trong phạm vi dự án. Việc đặt trên tuyến tránh đã được nghiên cứu và thực hiện đúng theo quy định, nhận được sự đồng thuận của các ban, ngành. Việc di dời trạm thu phí sẽ gây cho đơn vị rất nhiều hệ lụy, làm đổ vỡ phương án tài chính và đẩy nhà đầu tư đến chỗ phá sản.

- Nghĩa là nhà đầu tư vẫn không muốn di dời trạm, thưa ông?

Ông Nguyễn Phú Hiệp: Trước khi làm dự án, nhà đầu tư đã có sự tính toán và đồng lòng, nghiên cứu từ phía Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính, các sở ngành và tỉnh Tiền Giang. Nếu dự án không hợp lý và không mang lại hiệu quả kinh tế, thì ngay từ đầu Công ty đã không được làm BOT Cai Lậy. Hơn nữa, còn phải có sự tính toán về thời gian thu phí, nếu thời gian thu phí quá dài sẽ ảnh hưởng nặng nề đến ngân sách Nhà nước.

[Lãnh đạo Bộ Giao thông: Thủ tục đầu tư trạm Cai Lậy không có gì sai]

Dự án đã được Bộ Giao thông Vận tải và các đơn vị nghiên cứu rất kỹ. Nếu chỉ tính đến phương án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn qua thị xã Cai Lậy từ 4 làn xe lên 6 làn xe, hay còn gọi là kéo dài tuyến đường theo đường thẳng thì kinh phí đầu tư quá lớn. Đồng thời, việc giải phóng mặt bằng các khu đông dân cư hai bên Quốc lộ 1 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân, phá vỡ quy hoạch của thị xã Cai Lậy vì tuyến đường sẽ đi thẳng vào nội thị xã. Như vậy, sẽ không đảm bảo an toàn giao thông cho các phương tiện khi đi qua thị xã Cai lậy, tốc độ khai thác đi qua đây sẽ nhỏ hơn 60km/giờ.

Việc đầu tư tuyến tránh kết hợp cải tạo, tăng cường mặt đường thì tốc độ khai thác cho phép đến 80km/giờ. Đặc biệt, tất cả các phương tiện đi trên Quốc lộ 1 vẫn sẽ mất phí và tổng chi phí người dân phải trả sẽ lớn hơn.

Vì vậy, việc đầu tư tuyến tránh không chỉ làm giảm kinh phí đầu tư và giải quyết các vấn đề về “nút thắt” trong lĩnh vực giao thông mà giúp cho địa phương, huyện Cai Lậy, thị xã Cai Lậy phát triển mạnh hơn. Đặc biệt, tuyến tránh phù hợp với hướng phát triển kinh tế - xã hội gắn liền với hạ tầng giao thông của thị xã, giúp thị xã Cai Lậy có thể phát triển mạnh mẽ hơn, giãn dân trong khu vực nội thị trấn về khu vực tuyến tránh.

- Xin cảm ơn ông./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục