Prudential bị phạt nặng vì có kế hoạch mua lại AIA

Cơ quan dịch vụ tài chính Anh phạt Prudential 30 triệu bảng vì cho rằng tập đoàn này không thông báo trước kế hoạch mua lại AIA.
Cơ quan dịch vụ tài chính Anh (FSA) ngày 27/3 đã quyết định phạt "đại gia" bảo hiểm Prudential 30 triệu bảng (khoảng 46,5 triệu USD) và cảnh cáo Giám đốc điều hành Tidjane Thiam vì cho rằng tập đoàn này đã không thông báo trước kế hoạch mua lại AIA - công ty con của tập đoàn bảo hiểm Mỹ AIG ở châu Á.

Năm 2010, Prudential dự định mua lại AIA với giá mà AIG đưa ra là 35,5 tỷ USD (23 tỷ bảng). Tuy nhiên, kế hoạch này bị đổ bể sau khi các cổ đông bỏ phiếu bác bỏ thương vụ này vì cho rằng cái giá trên là quá cao.

Giám đốc điều hành Thiam cho rằng thỏa thuận này là đáng giá vì nó sẽ giúp Prudential tăng gấp đôi thị phần ở châu Á. Mặc dù vậy, ông Thiam sau đó cũng không thuyết phục được AIG bán lại AIA với giá đề nghị 30 tỷ USD và thương vụ đổ vỡ này khiến cho Prudential thiệt hại 377 triệu bảng tiền đặt cọc.

FSA cho rằng cơ quan này lẽ ra phải được thông báo sớm về kế hoạch nói trên để quyết định xem có nên thông qua hay không dựa trên cơ sở pháp lý, nhất là khi đề xuất của Prudential phát hành cổ phiếu trị giá 14,5 tỷ bảng để lấy tiền mua AIA có thể đã làm thay đổi đáng kể hồ sơ rủi ro của tập đoàn này.

Theo FSA, thỏa thuận giữa Prudential và AIG "có nguy cơ ảnh hưởng đến sự ổn định và niềm tin của hệ thống tài chính ở Anh cũng như ở nước ngoài."

Trong một thông cáo đưa ra cùng ngày, Chủ tịch Prudential Paul Manduca cho biết tập đoàn cũng đã nhất trí với FSA trong việc giải quyết vấn đề này, đồng thời khẳng định mối quan hệ mang tính xây dựng giữa tập đoàn và FSA vẫn tốt.

Ông Manduca cũng lên tiếng bảo vệ Giám đốc điều hành Thiam - người đã chịu áp lực từ chức sau khi thương vụ với AIG bị thất bại - khi cho rằng Prudential đã giành được nhiều kết quả kinh doanh xuất sắc dưới sự điều hành của ông Thiam trong ba năm qua.

Khoản tiền phạt Prudential là khoản phạt lớn thứ năm trong lịch sử của FSA. Trong năm 2012, FSA đã xử phạt các vụ vi phạm với số tiền kỷ lục 312 triệu bảng (khoảng 484 triệu USD), trong đó có khoản tiền phạt 160 triệu bảng áp dụng với Ngân hàng Thụy Sĩ UBS vì dính líu tới vụ bê bối thao túng lãi suất liên ngân hàng London (Libor) và châu Âu (Euribor)./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục