Purdue đệ đơn phá sản để giải quyết vụ kiện thuốc giảm đau opioid

Theo thông báo, Purdue đã đệ đơn xin tổ chức lại tập đoàn theo điều 11 luật phá sản của Mỹ và ban lãnh đạo của tập đoàn mới sẽ do các nguyên đơn bầu và được Tòa phá sản thông qua.
Trụ sở Purdue Pharma ở Stamford, bang Connecticut của Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Trụ sở Purdue Pharma ở Stamford, bang Connecticut của Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tập đoàn dược phẩm Purdue Pharma của Mỹ ngày 15/9 cho biết đã đệ đơn phá sản trong một thỏa thuận chuyển tài sản mà tập đoàn này hy vọng sẽ đem lại hơn 10 tỷ USD để giải quyết cuộc khủng hoảng thuốc giảm đau opioid.

Tập đoàn Purdue có sản phẩm thuốc giảm đau kê đơn OxyContin bị cho là gây ra phần lớn nạn nghiện thuốc giảm đau tại Mỹ.

Hiện tập đoàn này đang phải đối mặt với hàng nghìn vụ kiện cấp bang và liên bang.

Theo thông báo, Purdue đã đệ đơn xin tổ chức lại tập đoàn theo điều 11 luật phá sản của Mỹ và ban lãnh đạo của tập đoàn mới sẽ do các nguyên đơn bầu và được Tòa phá sản thông qua.

Chủ tịch Purdue Steve Miller cho biết đề xuất này sẽ đem lại hàng tỷ USD và các tài nguyên quan trọng cho các cộng đồng trên khắp nước Mỹ đối phó với cuộc khủng hoảng opioid.

[Mỹ chi hàng tỷ USD giải quyết khủng hoảng thuốc giảm đau]

Ông Miller cho rằng việc tái cấu trúc tập đoàn sẽ tránh lãng phí hàng trăm triệu USD và kiện tụng kéo dài nhiều năm.

Trong khuôn khổ thỏa thuận, Purdue sẽ cung cấp cho các cộng đồng hàng triệu viên thuốc cai nghiện miễn phí hoặc giá thành thấp để giúp giải quyết cuộc khủng hoảng nghiện thuốc giảm đau opioid.

Ngoài việc từ bỏ kiểm soát Purdue, thỏa thuận cũng bao gồm sự đóng góp cá nhân 3 tỷ USD của gia đình Sackler chủ sở hữu Purdue. Danh tiếng quốc tế của gia đình này bị ảnh hưởng nghiêm trọng do cuộc khủng hoảng thuốc giảm đau opioid.

Bảo tàng Guggenheim ở New York, bảo tảng nghệ thuật Metropolitan Museum of Art và bảo tàng nghệ thuật Tate Modern của London cho biết sẽ ngừng nhận tài trợ từ gia đình này và bảo tảng Louvre tại Paris mới đây đã loại tên gia đình Sackler ra khỏi danh sách bảo trợ nghệ thuật của bảo tàng.

Các vụ kiện Purdue đòi giải quyết chi phí của hàng triệu người Mỹ rơi vào nghiện ngập sau khi sử dụng thuốc giảm đau opioid mà các bác sỹ kê đơn tùy tiện và thường là phạm pháp trong 2 thập niên qua.

Theo thống kê, có hơn 400.000 người chết do dùng quá liều opioid trong khoảng thời gian trên, trong khi các công tư dược phẩm liên quan thu lợi nhuận hàng tỷ USD./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục