Quản gia của Giáo hoàng ra tòa trong vụ "Vatileaks"

Gabriele bị buộc tội tiết lộ hàng trăm bản ghi nhớ với nội dung báo cáo sự lừa dối, mưu đồ của một số nhân vật cao cấp ở Vatican.
Cựu quản gia kiêm tài xế của Giáo hoàng Benedict XVI, Paolo Gabriele, đã cung khai trước tòa án hôm 2/10, trong phiên xử ông này vì tội đánh cắp các bản ghi nhớ bí mật mà ông nói là nhằm chống "cái xấu và sự tha hóa" trong Vatican. Trước tòa, Gabriele đã tuyên bố rằng mình vô tội, và tội lỗi mà ông phạm phải chỉ là lạm dụng sự tin tưởng của Giáo hoàng, người mà ông coi như một người cha.

Ông cũng cáo buộc rằng mình đã bị ngược đãi trong 53 ngày bị quản thúc tại Vatican.

Ngay lập tức, Vatican đã cho điều tra các cáo buộc này, song người phát ngôn
Federico Lombardi của Tòa thánh nói rằng Gabriele đã "nâng cao quan điểm" về vấn đề này.
Quản gia của Giáo hoàng ra tòa trong vụ "Vatileaks" ảnh 1
Gabriele (ngoài cùng bên phải) tại phiên tòa (Nguồn: AFP)
Gabriele, người hiện đang bị giam lỏng tại gia, bị buộc tội tiết lộ hàng trăm bản ghi nhớ với nội dung báo cáo sự lừa dối và các mưu đồ của một số nhân vật cao cấp bên trong Vatican. Tại buổi khai mạc phiên tòa diễn ra hôm thứ Bảy tuần trước, Gabriele đã gặp nhiều diễn biến bất lợi khi các thẩm phán từ chối đề nghị từ luật sư của ông trong việc xóa bỏ vụ án, dẫn lý do ông đã vi phạm các quy định về bí mật liên quan tới Giáo hoàng. Các thẩm phán cũng từ chối đưa vào trong phiên tòa một báo cáo tối mật về vụ bê bối "Vatileaks" do một ủy ban gồm các Hồng y giáo chủ do Giáo hoàng chỉ định thực hiện. Họ đã thẩm vẫn hàng chục người trong cuộc điều tra riêng liên quan tới vụ rò rỉ thông tin.
[Cựu quản gia của Giáo hoàng có thể ngồi tù 6 năm]
Bộ trưởng của Giáo hoàng và là nhân vật tin cẩn nhất của ông là Đức ông Georg Gaenswein, và 1 trong 4 quản gia của Giáo hoàng là Cristina Cernetti, cũng sẽ cung khai trước tòa. Gaenswein là nhân vật có ảnh hưởng lớn tại Vatican và ông đóng vai trò chọn lọc các hoạt động giao tiếp của Giáo hoàng với thế giới bên ngoài. Vai trò của ông đã khiến nhiều người trong Vatican ghen tị. Phiên tòa đầu tiên cũng cho thấy các cảnh binh của Vatican đã thu được 82 thùng chứng cứ từ các phòng dịch vụ của Gabriele trong Vatican cũng như khu nghỉ ngơi mùa Hè của Giáo hoàng. Họ cũng đã lắp một camera theo dõi tại bãi đáp máy bay trực thăng của ông ở căn hộ của ông trong Vatican. Tháng Hai năm nay, Gabriele chỉ trả lời một cuộc phỏng vấn với Gianluigi Nuzzi, tphóng viên điều tra Italia, người có thể đã được ông tuồn các tài liệu đánh cắp cho. Danh tính của Gabriele ban đầu được giấu trong bài phỏng vấn và ông được gọi bằng bí danh Maria. Nhưng Nuzzi đã tiết lộ danh tính thực của "Maria" sau khi Gabriele bị bắt. Nuzzi đã viết một tin nhắn trên mạng xã hội Twitter trong ngày thứ Bảy, thể hiện sự ủng hộ Gabriele, kêu gọi mọi người không nên bỏ rơi ông. Phóng viên này cũng cho biết ông đã sẵn sàng xuất hiện trước nhà chức trách Italy nếu Vatican cáo buộc ông phạm tội nhận tài liệu bị đánh cắp. Câu hỏi đặt ra hiện nay là Gabriele đã tự hành động trong vụ làm lọt tài liệu mật ra ngoài, hay dưới sự chỉ đạo của người khác. Nếu có bàn tay của người khác tham gia, đây sẽ là bê bối nghiêm trọng với Vatican, hiện đang vật lộn với các cáo buộc ấu dâm trong khuôn khổ Tòa thánh. Trong cuộc phỏng vấn hồi tháng Hai năm nay, Gabriele từng nói về 20 nhân vật có khuynh hướng giống mình đang nằm ở các cơ quan khác nhau của Vatican. Báo chí Italy cũng đưa tin về một cuộc chiến giữa các Hồng y giáo chủ đối địch trong Vatican.
Quản gia của Giáo hoàng ra tòa trong vụ "Vatileaks" ảnh 2
Vụ bê bối này được báo chí đặt tên là "Vaticanleaks" (Nguồn: AFP)
Viên tài xế đã bày tỏ sự phẫn nộ trước văn hóa bí mật trong Vatican, từ sự biến mất bí ẩn của con gái một nhân viên trong Vatican vào năm 1983, cho tới việc bưng bít thông tin liên quan tới một vụ giết người và tự sát của một viên cảnh sát bảo vệ người Thụy Sĩ vào năm 1998. "Có một dạng luật im lặng chống lại sự thật tồn tại ở Vatican, không phải vì một cuộc vật lộn quyền lực đang diễn ra mà vì sự sợ hãi, vì sự cảnh giác" - Gabriele nói trong cuộc phỏng vấn - " Người ta sẽ bực dọc khi anh dính mũi vào sự bẩn thỉu của họ". Trong cuộc phỏng vấn, Gabriele thể hiện mình là người rất mộ đạo và muốn xóa bỏ sự tha hóa trong Tòa thánh. "Thói đạo đức giả diễn ra khắp nơi. Đây là vương quốc của sự đạo đức giả" - ông tuyên bố. Gabriele cũng nói rằng ông biết rõ về hậu quả do hành động của mình mang lại, nhưng sẵn sàng chấp nhận nó để tạo sự thay đổi trong Vatican. "Trở thành nhân chứng của sự thực cũng có nghĩa anh đã sẵn sàng để trả giá" - ông nói./.
Linh Vũ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục