Quặn lòng nơi rốn lũ

Quặn lòng những vành khăn tang mồ côi nơi rốn lũ

Đã gần một tuần từ ngày cha chúng, anh Lê Văn Sự bị lũ dữ cuốn đi, 3 đứa trẻ cứ quẩn quanh mãi nơi góc nhà, chẳng buồn ra ngoài...
Chúng tôi tìm tới nhà anh Lê Văn Sự (Thuần Thiện, Can Lộc, Hà Tĩnh) khi trời đã nhuộm một màu đen thẳm, gió ào ào và lây phây mưa lạnh. Căn nhà nhỏ mới được xây thô, còn nguyên mấy bức tường nham nhở của anh Sự nằm chơ vơ giữa đồng. Gió hun hút rít qua khe cửa làm ba đứa nhỏ trong nhà cứ ngồi lặng thinh, ngó ra ngoài khoảng sân đen như mực.

Đã gần một tuần kể từ ngày cha chúng, anh Lê Văn Sự bị cơn lũ dữ cuốn đi, ba đứa trẻ cứ quanh quẩn mãi trong nhà như thế. Thấy có người tới chơi, chúng lục tục chạy vội từ trong nhà ra phòng khách. Nhưng, mấy vị khách lạ làm ánh mắt mong chờ của lũ trẻ nặng trĩu. Và rồi, những cái nhìn tròn vo, ươn ướt lại quay vào nhà trong, ngồi nhìn mãi lên tấm hình cha nơi chiếc bàn thờ mới lập.

Nhớ lại cái ngày định mệnh khi nghe tin sét đánh em trai mình bị nước lũ cuốn trôi, ông Lê Văn Vịnh vẫn chưa hết bàng hoàng. Ngồi trong căn nhà thông thống gió, ông Vịnh nhớ lại, sáng hôm đó, ngày 17/10, như bao ngày bình thường, anh Sự vác lưới ra đê Cù Lây đánh cá.

“Nhà nhiều miệng ăn, hai vợ chồng hắn phải làm tối mặt mới nuôi được bầy con nhỏ,” ông Vịnh bần thần.  Trước lúc ra đi, Sự còn dặn ba đứa con ở nhà nấu cơm, trưa bố về sẽ có cá cho mấy đứa ăn. Người vợ, bụng mang bầu chín tháng cứ đứng mãi ở cửa, nhìn theo tấm lưng của chồng khuất dần sau cơn mưa như trút nước.

Lúc này, ở ngoài thị trấn Nghèn (Can Lộc, Hà Tĩnh), ông Vịnh thấy nước từ bốn phía ầm ầm đổ về, chẳng mấy chốc đã ngập băng gần nửa thị trấn. Ngó về phía Tùng Lộc, ông không còn nhận ra đâu là đường, đâu là nhà nữa.

“Lúc ấy, lòng tôi nóng như lửa đốt. Đằng nớ là nhà chú Sự. Cô thì sắp đến ngày chuyển dạ. Nước lũ tràn về như thế, chả hiểu cả nhà xoay sở thế nào,” ông Vịnh nhớ lại.

Thế rồi, nước từ phía đầu nguồn Hồng Lĩnh cứ dồn về như thác tràn. Lúc này, con đê Cù Lây đã trắng xóa một màu nước. Thấy mấy người bạn thả lưới phía xa quáng quàng bỏ lưới, hô hào nhau chạy thoát thân, anh Sự cũng hoảng hồn quay thuyền quạt mạnh tay chèo.

Nhưng dòng nước hung hãn chẳng để anh Sự kịp trở tay. Biển nước từ phía đầu nguồn cuốn theo đất đá tông thẳng vào mạn thuyền. Con thuyền của anh Sự lảo đảo rồi chìm nghỉm trong dòng nước xoáy tít. Lóp ngóp vứt thuyền ngoi lên khỏi dòng nước, anh Sự cố hết sức bình sinh bơi về phía mấy rặng tre bên vệ đường.

Thế nhưng, cứ bơi được một chốc, nước lại cuốn phăng anh ra giữa dòng. Và rồi, khi cả người đã mệt lả, anh Sự bị dòng nước ném thẳng vào bậc tam cấp của chân đập. Đầu va chạm mạnh, anh choáng váng rồi ngất lịm đi và mất dạng giữa biển nước ngầu bọt.

“Nghe mấy người may mắn thoát chết kể lại, trước khi hụt hơi, chú Sự vẫn cố giơ thật cao tay cầu cứu. Nhưng, nước lũ nào có tha ai,” ông Vịnh xót xa.

Chín giờ sáng cùng ngày, ngay sau khi nhận được tin dữ, ông Vịnh quáng quàng tìm cách vượt lũ vào Tùng Lộc, lao ào vào dòng nước đã ngập đến cổ mà lội.

Khi đến nhà anh Sự cũng đã là 11 giờ kém. Căn nhà nằm ngay sát đê Cù Lây không bị ngập nhưng lại tan hoang trong gió dữ. Người vợ ôm bụng bầu, tóc rối tung cứ ngằn ngặt khóc, đòi lao lên đê Cù Lây. Ba cháu nhỏ của chị, mỗi lần thấy sấm chớp lại co mình, ôm chặt lấy nhau run cầm cập.

Cháu Lê Văn Ý, năm nay 9 tuổi cứ mếu máo đòi theo bác đi tìm bố. Nhìn cảnh ấy, ông Vịnh không đành lòng, mặc nước vẫn cứ từng phút dâng lên, quyết tâm thuê người vớt xác em về khâm liệm.

Một đội cứu hộ đặc biệt nhanh chóng được tập hợp ngay trên đập tràn Cù Lây với sự tham gia của hai dân chài và mấy thanh niên trong xã. Cả đội, bất chấp dòng lũ đỏ ngầu đang từ Hồng Lĩnh ào về, lao mình vào dòng nước, quăng câu móc rà khắp lòng sâu sông.

Mỗi bờ một tốp, cả nhóm giăng lưới ngang qua mặt sâu để dò. Giữa tấm lưới phải đặt hòn đá lớn để có thể chìm trong nước. Nhưng đi mãi, đến tận cuối đập, chẳng ai có thể tìm được anh Sự.

“Chúng tôi cũng đã nhờ chính quyền xã và cả lực lượng cứu hộ quân sự, nhưng ròng rã suốt ba ngày vẫn chẳng thể thấy được thi thể chú ấy,” ông Vịnh nhớ lại.

Trong lúc này, người vợ góa bụa ở nhà lại có dấu hiệu trở dạ, cứ khóc được một lát lại ngất đi vì những cơn đau bất chợt.

Cứ thế, đến ngày 19/10, khi tất cả đã chuẩn bị rút quân khỏi bờ sông ngầu nước để đưa chị về bệnh viện chuẩn bị cho lần vượt cạn thứ 5 thì bất ngờ xác anh Sự nổi lên. Một người dân phát hiện ra anh mắc vào một cành phi lao phía cuối nguồn, hai tay vẫn giơ lên trời cầu cứu.

Khi anh Sự được đưa về nhà tắm rửa, khâm liệm, vợ con anh gần như không đứng vững. Ba cháu bé cùng người vợ và đứa bé sắp ra đời cứ bám chặt lấy cỗ quan tài đòi bố.

“Ngay khi đưa chú ấy lên rú [rừng phía sau nhà - PV] chôn, thì em dâu tôi lại đau bụng dữ dội. Chúng tôi hoảng quá, vội đưa cô ấy lên bè chuẩn bị xuôi ra thị trấn,” ông Vịnh kể.

Lúc này đã là cuối giờ chiều. Mưa như trút, nước đã ngập băng cả xã Thuần Thiện. Người vợ lả dần đi vì nỗi đau mất chồng và vì những quẫy đạp của sinh linh nhỏ bé trong bụng mình. Nếu không ra được đến thị trấn để vào viện, cả mẹ và con sẽ có nguy cơ tử vong. Ông Vịnh đánh liều, thuê vội một chiếc thuyền tôn mỏng mảnh, cho em dâu lên rồi hì hụi cùng vợ đẩy ra biển nước.

Chiếc thuyền xoay mạnh vì gió, chốc chốc lại bị đánh bật lại. Ba người loay hoay mãi đến tận sáng hôm sau mới ra được đến bệnh viện huyện Can Lộc.

Đến cửa, cả dãy nhà tầng 1 của viện lại chìm trong nước. Điện cũng mất. Bác sỹ bảo, cái thai trong bụng có vấn đề, phải đưa nhanh lên bệnh viện tỉnh mới có thể mổ cứu sống hai mẹ con được.

Lặng lại một lát, người đàn ông già nua khắc khổ trước mặt chúng tôi chìm trong ký ức và nỗi đau. Ông vẫn chẳng thể quên, trên đoạn đường “tăng bo” bằng xe cứu hộ từ Can Lộc ra Hà Tĩnh, người em dâu vẫn không ngừng khóc. Tiếng khóc tức tưởi xói thẳng lòng vào càng khiến ông đau đớn.

Cho đến tận lúc này, ngồi trong căn nhà trống huếch hoác chỉ có độc một bộ bàn ghế cũ và chiếc bàn thờ em mới lập, ông Vịnh vẫn bần thần. Căn nhà hơn một tuần nay đã vắng bóng người phụ nữ do mẹ các cháu chưa đủ sức khỏe từ viện trở về càng thê thảm hơn bao giờ hết.

Chỉ tay vào cháu Lê Văn Ý, ông Vịnh bảo, khổ nhất là mấy đứa ni, mấy hôm chúng không ăn uống được gì mà chỉ đòi gặp bố mẹ.

Chúng tôi lại nhớ lúc mới vào, khi hỏi Ý giờ nhà mình có mấy người, cậu bé đen nhẻm ấy vẫn ngây thơ bảo kể cả bố, mẹ, em mới sinh và các chị, nhà Ý có 7 người. Ngay lập tức, cô chị Lê Thị Nhật An (12 tuổi) đẩy đẩy vai em, sửa lại: “Lúc ni, nhà cháu chỉ còn 6 mẹ con thôi.”/.

Hiện, 4 đứa trẻ nhà anh Lê Văn Sự (xóm Cứu Quốc, xã Thuần Thiện, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) đang sống trong cảnh bơ vơ khi cha đã mất, mẹ vẫn phải nằm trong bệnh viện tỉnh Hà Tĩnh. Bữa cơm hàng ngày của các em đều nhờ cả vào những người hàng xóm giúp đỡ. Con đường đi học của lũ trẻ vẫn còn mịt mù sau cơn lũ dữ.

Các em đang rất cần những tấm lòng hảo tâm chung tay giúp sức.
Hùng Dũng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục