Quảng Nam: Sạt lở bờ sông Côn, hơn 4.000m3 đất sản xuất bị cuốn trôi

Các hộ dân lo ngại nếu chính quyền không nhanh chóng có giải pháp chống sạt lở thì chỉ 1-2 đợt mưa bão nữa là toàn bộ đất sản xuất và đất thổ cư của các hộ dân sát bờ sông Côn sẽ bị "xóa sổ."
Quảng Nam: Sạt lở bờ sông Côn, hơn 4.000m3 đất sản xuất bị cuốn trôi ảnh 1Nước lớn, chảy siết đã làm bờ sông Côn ở khúc cua tại thôn Thái Chấn Sơn, xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) bị sạt lở nghiêm trọng. (Ảnh: Trịnh Bang Nhiệm/TTXVN)

Do ảnh hưởng của đợt mưa và các cơn bão số 4, 5, 6 từ cuối tháng 9/2022 đến nay, hơn 10 hộ dân sống bên bờ sông Côn, thôn Thái Chấn Sơn, xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) luôn sống trong lo âu, thấp thỏm sợ mất đất ở và đất sản xuất do tình trạng sạt lở bờ sông Côn gây ra.

Theo nhiều người dân thôn Thái Chấn Sơn, hiện tượng sạt lở bờ sông đã xảy ra từ lâu nhưng chưa bao giờ bờ sông Côn bị sạt lở nghiêm trọng như năm nay.

Dòng chảy của sông đã xâm thực sâu vào đất liền hơn 20m, dài trên 200m bờ sông, làm hơn 4.000m3 đất sản xuất của các hộ dân sinh sống dọc bờ sông bị cuốn trôi.

[Quảng Trị: Sạt lở bờ sông ngày càng trầm trọng trong mùa mưa lũ]

Các dân sinh sống sát với khu vực bị sạt lở cho rằng nếu chính quyền các cấp của huyện Đại Lộc không kịp thời đề ra các giải pháp phòng, chống sạt lở bờ sông Côn thì chỉ 1-2 đợt mưa bão như vừa qua, toàn bộ đất sản xuất và đất thổ cư của các hộ dân nơi đây sẽ bị "xóa sổ."

Lý do là bởi khu vực này là khúc cua của dòng sông Côn, khi mưa to, nước lớn khiến dòng sông không còn chảy theo địa hình mà chảy theo quán tính đâm thẳng vào bờ làm sạt lở đất sản xuất và đe đọa xâm thực thực đất ở của các hộ dân nơi đây.

Trước tình trạng sạt lở bờ sông Côn, hằng năm, chính quyền xã Đại Hưng huy động dân quân, thanh niên, các hội, đoàn thể… cùng với người dân ở xung quanh khúc cua của dòng sông trồng cây, làm bờ kè tạm để phòng, chống sạt lở.

Mặc dù vậy, ông Tăng Tấn Tịnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Đại Hưng cho biết, tình trạng bờ sông Côn bị sạt lở lớn, đe dọa nghiêm trọng đến đời sống sản xuất và đời sống sinh hoạt của các hộ dân sát bờ sông Côn trong đợt mưa bão vừa qua là do trong một thời gian ngắn phải chịu ảnh hưởng liên tiếp 3 đợt mưa bão.

Nước ở thượng nguồn đổ về lớn, khiến cho dòng của sông Côn chảy mạnh và xiết, đến khúc cua đã không chảy theo dòng như trước mà đâm thẳng vào bờ khiến cho bờ sông sạt lở.

Ông Tăng Tấn Tịnh cho rằng để giảm thiểu tối đa tình trạng sạt lở bờ sông Côn (khu vực khúc cua ở thôn Thái Chấn Sơn), huyện Đại Lộc cần sớm bố trí ngân sách đầu tư xây dựng bờ kè cứng bằng bêtông cốt thép, bởi chỉ có kè cứng mới ngăn chặn được tình trạng sạt lở bờ sông Côn ở khúc cua này.

Ủy ban Nhân dân huyện Đại Lộc đã giao Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện chủ trì, phối hợp với các ngành và địa phương liên quan, kiểm tra, tham mưu cho Ủy ban Nhân dân huyện các giải pháp phòng, chống sạt lở bờ sông Côn của xã Đại Hưng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục