Chỉ còn hơn 3 tháng nữa là kết thúc năm 2023, trong khi đó mùa mưa lũ ở miền Trung nói chung và Quảng Nam nói riêng sắp bắt đầu.
Do vậy, mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công trong năm nay đạt từ 95% trở lên được tỉnh Quảng Nam xác định là nhiệm vụ trọng tâm và đang triển khai quyết liệt nhiều giải pháp để tháo gỡ điểm nghẽn, tăng tốc giải ngân.
Với nỗ lực trong công tác giải phóng mặt bằng, yêu cầu đơn vị thi công tập trung tối đa vật tư, phương tiện để thi công, Công viên thanh niên, phường Vĩnh Điện, thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) có tổng vốn đầu tư 45 tỷ đồng đã chính thức được đưa vào sử dụng vào đầu tháng 9 năm nay sau hơn một năm thi công.
Trung bình mỗi ngày, Công viên thu hút hàng trăm lượt người đến sinh hoạt, tập thể dục, vui chơi tập thể. Công viên thanh niên phường Vĩnh Điện trở thành hình mẫu trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng, quản lý, thi công, giải ngân và phát huy vốn đầu tư công của thị xã Điện Bàn.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị xã Điện Bàn Nguyễn Xuân Hà cho biết tổng vốn đầu tư công của thị xã trong năm 2023 là trên 500 tỷ đồng; trong đó, đã phân bổ trên 400 tỷ đồng và đã giải ngân, đạt trên 50% vào tháng 9/2023.
[11 bộ và 33 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt từ 40%]
Những tháng còn lại trong năm nay, thị xã Điện Bàn sẽ tiếp tục đôn đốc thi công, thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt để đạt mục tiêu giải ngân trên 95% vốn được phân bổ.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị xã Điện Bàn, đối với các dự án đầu tư công, khó khăn lớn nhất khi triển khai thực hiện là công tác đền bù giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, xác định đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng là động lực chính để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Vì vậy đi liền với công tác tuyên truyền vận động, công tác đền bù giải phóng mặt bằng luôn được thực hiện một cách công khai, dân chủ, đúng quy định của pháp luật, nhờ vậy đã tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân.
Mặt khác, để tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng cuối năm, thị xã Điện Bàn sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp như: tập trung tháo gỡ vướng mắc về thủ tục hành chính, thủ tục giải ngân, giải phóng mặt bằng.
Thứ nữa là trực tiếp làm việc với các chủ đầu tư, các đơn vị thi công để đôn đốc tiến độ, tổ chức giao ban hằng tuần, hằng quý, hằng tháng để kiểm tra tiến độ, giải quyết kịp thời những phát sinh vướng mắc nhằm đảm bảo kế hoạch giải ngân theo từng hạn mục, từng mốc thời gian cụ thể.
"Đối với những vướng mắc về cơ chế, chính sách thì phải kịp thời nắm bắt, tháo gỡ tại chỗ. Những vấn đề vượt thẩm quyền thì kịp thời báo cáo, đề xuất với cấp trên để có hướng chỉ đạo, khắc phục. Nhờ đó những vướng mắc, tồn tại trong việc triển khai dự án đầu tư công luôn được giải quyết kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai thực hiện các dự án đầu tư công theo đúng kế hoạch," Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị xã Điện Bàn Nguyễn Xuân Hà chia sẻ.
Huyện miền núi Phước Sơn là một trong những địa phương thường xuyên bị thiệt hại do thiên tai gây ra, do vậy Phước Sơn đang được đầu tư bởi 3 chương trình mục tiêu quốc gia gồm: chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xây dựng nông thôn mới.
Tổng vốn đầu tư cho 3 chương trình này trong 3 năm qua trên địa bàn huyện Phước Sơn đạt trên 430 tỷ đồng.
Nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia đã giúp huyện Phước Sơn giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, hỗ trợ đồng bào các dân tộc thiểu số về nhà ở, nước sạch sinh hoạt, hỗ trợ sinh kế và xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu tại các khu tái định cư tập trung và xen ghép cho đồng bào ở những khu vực có nguy cơ sạt lở núi cao, được đồng bào tích cực đón nhận.
Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Phước Sơn Lê Quang Trung, sở dĩ nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia giải ngân còn thấp là bên cạnh những yếu tố bất lợi về thời tiết thường xuyên có mưa lớn, khiến thời gian triển khai thi công bị hạn chế.
Mặt khác, việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như thời gian phân bổ vốn cho địa phương trễ, các văn bản hướng dẫn chậm, chồng chéo, khó thực hiện.
Đặc biệt do giá cả tăng cao so với dự toán được duyệt và khan hiếm nguồn cung, khiến việc thi công của các nhà thầu chưa đảm bảo như yêu cầu.
"Để tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng cuối năm 2023, bên cạnh việc tập trung tháo gỡ những vướng mắc, chúng tôi yêu cầu các đơn vị tập trung nhân lực, thiết bị để đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, thi công đến đâu lập hồ sơ đề nghị thanh toán khối lượng đến đó và tiếp tục cho ứng vốn để triển khai thi công đối với những dự án tiêu thụ vốn tốt, tiếp tục kiên quyết điều chỉnh vốn của một số dự án không có khả năng giải ngân sang các dự án có tỷ lệ giải ngân cao," Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Phước Sơn nêu quyết tâm.
Đến 12/9/2023, nguồn vốn đầu tư công của Quảng Nam đã giải ngân được trên 40% trong tổng số gần 10.000 tỷ đồng. Lượng vốn cần giải ngân trong năm 2023 còn khá cao.
Để tăng tốc giải ngân, nhiệm vụ xuyên suốt và hết sức cấp bách là phải giải quyết nhanh gọn thủ tục hồ sơ còn vướng mắc, bổ sung mỏ vật liệu, tháo gỡ khó khăn về giải phóng mặt bằng, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu các Ban quản lý nguồn vốn lớn, các địa phương, đơn vị nhằm đẩy mạnh khả năng tiêu thụ vốn.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam Nguyễn Hồng Quang cho biết, để đạt mục tiêu giải ngân hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023, trong những tháng còn lại của năm, tuy thời tiết bất lợi, song nhiệm vụ chính là vẫn tiếp tục tập trung tháo gỡ kịp thời các vướng mắc phát sinh từ các công trình, dự án.
Từng cán bộ công chức, viên chức tại các sở, ban, ngành và các địa phương, đơn vị được giao quản lý vốn đầu tư công chịu trách nhiệm về thẩm quyền được giao, tập trung theo dõi tiến độ thực hiện từng chương trình, dự án; gắn trách nhiệm người đứng đầu.
"Các đơn vị được giao quản lý vốn đầu tư công phải thường xuyên chủ động báo cáo các cơ quan liên quan, cấp có thẩm quyền về việc đề nghị cắt giảm hoặc bổ sung vốn cho các dự án có tiến độ giải ngân cao. Phải nâng cao chất lượng nguồn vốn giải ngân, vốn giải ngân phải đến công trình," Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam Nguyễn Hồng Quang yêu cầu các Ban Quản lý dự án tỉnh và lãnh đạo các địa phương.
Một trong những động thái quyết liệt nhất của lãnh đạo tỉnh Quảng Nam trong nỗ lực giải ngân vốn đầu tư công trong năm nay là sẽ điều chuyển công tác đối với người đứng đầu nếu không hoàn thành nhiệm vụ.
Tiêu biểu như đối với Dự án xây mới, nâng cấp, cải tạo và mua sắm trang thiết bị cho 76 trạm y tế tuyến xã từ nguồn ngân sách trung ương do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam làm chủ đầu tư. Theo kế hoạch, đến cuối năm nay, dự án này sẽ kết thúc. Tuy nhiên, đến giữa năm 2023, dự án này vẫn chưa được triển khai theo đúng tiến độ đề ra.
Tại kỳ họp thứ 15, Hội đồng Nhân dân tỉnh khóa X tổ chức vào giữa tháng 7/2023, ông Phan Việt Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Nam ra "tối hậu thư": "Đến cuối năm 2023, dự án xây mới, nâng cấp, cải tạo và mua sắm trang thiết bị cho 76 trạm y tế không hoàn thành thì Trưởng ban Tổ chức Cán bộ Tỉnh ủy chuẩn bị sẵn quyết định để chuyển giám đốc Ban này đi nhận nhiệm vụ khác" - Bí thư tỉnh ủy Quảng Nam nói./.