Quảng Ninh tích cực và chủ động trong giảm nhẹ rủi ro thiên tai

Công tác phòng, chống thiên tai được Quảng Ninh tổ chức toàn diện đối với tất cả các loại hình thiên tai và theo 3 bước cơ bản, từng bước chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa.

Bộ độ Biên phòng Cô Tô kêu gọi người dân, tàu thuyền về nơi tránh bão an toàn, sẵn sàng ứng phó với bão số 1, ngày 17/7/2023. (Ảnh: TTXVN phát)
Bộ độ Biên phòng Cô Tô kêu gọi người dân, tàu thuyền về nơi tránh bão an toàn, sẵn sàng ứng phó với bão số 1, ngày 17/7/2023. (Ảnh: TTXVN phát)

Trong những năm qua, tỉnh Quang Ninh luôn chủ động triển khai các biện pháp nhằm tăng cường khả năng ứng phó, chống chịu với thiên tai, đồng thời ứng phó với biến đổi khí hậu, từ đó giảm thiểu tối đa các thiệt hại do thiên tai gây ra, góp phần đảm bảo phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Một trong những định hướng phát triển giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030 của Quảng Ninh là chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh.” Tỉnh kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2020-2025 và phương án bảo vệ các vùng trọng điểm phòng, chống thiên tai năm 2020; chỉ đạo các địa phương, đơn vị, tổ chức rà soát, cập nhật xây dựng phương án ứng phó tương ứng với các cấp độ rủi ro của thiên tai.

Công tác phòng, chống thiên tai được tổ chức toàn diện đối với tất cả các loại hình thiên tai và được triển khai theo 3 bước cơ bản, từng bước chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa. Tổ chức bộ máy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của tỉnh được kiện toàn theo hướng chuyên nghiệp, tập trung và theo đúng quy định của pháp luật.

Cùng với đó, tỉnh đã tập trung đầu tư xây dựng các công trình phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, nhằm giảm thiểu thiệt hại tối đa khi có thiên tai xảy ra. Giai đoạn 2017-2020, toàn tỉnh kiên cố hóa trên 248km kênh mương, nâng tổng số kênh mương được kiên cố hóa lên đến gần 1.890km; trong đó, hệ thống kênh chính và kênh cấp I của các công trình cơ bản đã được kiên cố hóa. Trên địa bàn tỉnh có hơn 500 công trình được đánh giá hiện trạng công trình đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão. Đặc biệt, tỉnh đã lắp đặt và đưa vào sử dụng hệ thống trạm quan trắc mưa tự động tại một số địa phương để quan trắc, cảnh báo mưa lũ.

Tỉnh Quảng Ninh còn phê duyệt phương án vùng trọng điểm phòng, chống thiên tai trên địa bàn, gồm vùng đê Hà Nam (Quảng Yên); dân cư sạt lở vùng lũ quét; vùng dân cư và tàu thuyền hoạt động trên Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long và vùng biển Quảng Ninh; vùng đê tả sông Kinh Thầy (Đông Triều); vùng hồ chứa nước Yên Lập (thành phố Hạ Long), để làm cơ sở cho các địa phương, đơn vị tổ chức thực hiện phương án ngay trước mùa mưa bão. Toàn tỉnh hiện có 66 vị trí tự nhiên có điều kiện thuận lợi để tàu thuyền neo đậu tránh trú với diện tích khoảng 16,1km2. Các địa phương trong tỉnh cũng luôn chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn hàng năm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục