Quốc tế phản ứng vụ tấn công phái bộ ngoại giao Mỹ

Tổng thư ký LHQ đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình trạng bạo lực tại Trung Đông và kêu gọi các tín đồ Hồi giáo kiềm chế bạo lực.
Trong bối cảnh làn sóng tấn công các phái bộ ngoại giao Mỹ bùng phát tại nhiều nước ở Trung Đông và Bắc Phi trong ba ngày vừa qua, ngày 13/9, cộng đồng quốc đã lên án các hành động bạo lực đồng thời kêu gọi chính phủ các nước tăng cường các biện pháp an ninh.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã bày tỏ quan ngại sâu sắc trước tình trạng bạo lực tại Trung Đông và kêu gọi các tín đồ Hồi giáo kiềm chế các hành động bạo lực. Tổng thư ký Liên hợp quốc đồng thời lên án bộ phim do các tín đồ Công giáo Ai Cập sống tại Mỹ sản xuất có nội dung thù địch chống đạo Hồi. Bộ phim được cho là nguyên nhân làm dấy lên làn sóng biểu tình và tấn công các trụ sở phái bộ ngoại giao của Mỹ.

Thủ lĩnh tinh thần tối cao Iran, Đại Giáo chủ Ali Khamenei đã yêu cầu Mỹ trừng phạt những người đứng đằng sau bộ phim phỉ báng đạo Hồi trên. Lebanon, Arập Xêút cũng lên án bộ phim này và các vụ tấn công vào các phái bộ của Mỹ ở Trung Đông.

Theo mạng tin PTI, Bộ Nội vụ Ấn Độ đã yêu cầu chính quyền bang Jammu và Kashmir chặn tất cả các trang web có bộ phim nói trên. Chính phủ Ấn Độ đã cho tăng cường an ninh tại Đại sứ quán Mỹ ở New Dehli và bốn Lãnh sự quán Mỹ tại các thành phố Mumbai, Kolkata, Chennai và Hyderabad.

[Yemen: Người biểu tình đốt phá tại Đại sứ quán Mỹ]


Pakistan và Afghanistan đã chặn truy cập xem bộ phim này trên mạng YouTube, đồng thời thắt chặt các biện pháp an ninh xung quanh các phái bộ ngoại giao của Mỹ. Hãng tin MENA của Ai Cập cho biết chi nhánh của Google tại Trung Đông đã quyết định chặn bộ phim đang gây ra làn sóng bạo động khắp khu vực này.

Phát biểu trên truyền hình ngày 13/9 từ thành phố Sochi miền Nam nước Nga, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lên án vụ tấn công Lãnh sự quán Mỹ ngày 11/9 khiến Đại sứ Mỹ tại Libya thiệt mạng. Ông Putin cảnh báo khu vực Trung Đông đang đứng trước nguy cơ lún sâu vào hỗn loạn và kêu gọi giới lãnh đạo ở các quốc gia Arập phải có trách nhiệm trước tình hình xảy ra trên lãnh thổ đất nước họ.

Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Catherine Ashton ra tuyên bố lên án vụ tấn công Đại sứ quán Mỹ tại Yemen ngày 13/9, đồng thời hối thúc nhà chức trách tăng cường an ninh tại các phái bộ ngoại giao của EU tại thủ đô Sanaa.

Hãng tin chính thức Saba của Yemen cho biết Tổng thống nước này, ông Abd Rabbu Mansour Hadi đã lên tiếng xin lỗi Tổng thống Barack Obama và nhân dân Mỹ về vụ tấn công trên, đồng thời ra lệnh tiến hành điều tra vụ việc. Trong cuộc điện đàm cùng ngày với Tổng thống Mỹ, ông Hadi cam kết sẽ làm mọi biện pháp để bảo vệ công dân Mỹ tại Yemen và lực lượng an ninh đã được triển khai bổ sung đến sứ quán Mỹ.

Theo các nguồn tin chính thức, trong vụ tấn công Đại sứ quán Mỹ ở Sanaa, đụng độ giữa người biểu tình với lực lượng an ninh đã làm bốn người thiệt mạng và 34 người bị thương. Tình hình căng thẳng kéo dài đến tận tối 13/9 do những người biểu tình tìm cách phá hàng rào an ninh để tấn công vào sứ quán một lần nữa. Tuy nhiên, Bộ Nội vụ Yemen và Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận toàn bộ nhân viên sứ quán Mỹ an toàn vì đã được sơ tán trước thời điểm xảy ra vụ tấn công.

Tại Cairo, hãng tin chính thức MENA của Ai Cập cho biết ít nhất 224 người bị thương trong vụ đụng độ giữa người biểu tình với lực lượng an ninh xảy ra ngày 13/9 trước sứ quán Mỹ.

Ngoại trưởng Canada John Baird cho biết chính phủ nước này quyết định tạm thời đóng cửa Đại sứ quán tại Cairo.

Trong khi đó, tại Kuwait, khoảng 500 người tụ tập gần Đại sứ quán Mỹ để phản đối bộ phim có nội dung phỉ báng đạo Hồi. Trước đó, nhóm người này tìm cách đến gần sứ quán Mỹ song đã bị lực lượng an ninh chặn lại. Trong số người biểu tình có năm nghị sỹ Hồi giáo đưa ra yêu cầu trục xuất đại sứ Mỹ khỏi Kuwait.

Tại Iran, biểu tình đã diễn ra gần trụ sở sứ quán Thụy Sĩ với sự tham gia khoảng 500 người, tuy nhiên cuộc biểu tình đã kết thúc trong hòa bình sau hai giờ đồng hồ. Sứ quán Thụy Sĩ đại diện cho lợi ích Mỹ tại Iran do Washington không có đại diện ngoại giao tại nước Cộng hòa Hồi giáo này.

Mỹ đã siết chặt an ninh xung quanh các trụ sở phái bộ Mỹ trên toàn cầu đề phòng làn sóng phản đối tiếp tục leo thang, đặc biệt sau lễ cầu nguyện của người Hồi giáo vào thứ Sáu. Tại Jordan, các tín đồ Hồi giáo cực đoan thông báo có kế hoạch biểu tình lớn bên ngoài sứ quán Mỹ tại thủ đô Amman sau lễ cầu nguyện.

Bộ Y tế Ai Cập đã triển khai thêm 42 xe cứu thương đến các thánh đường trong ngày 14/9 đề phòng khả năng tổ chức Anh em Hồi giáo phát động các cuộc biểu tỉnh toàn quốc sau khi kết thúc lễ cầu nguyện.

Mặc dù quan ngại bạo lực leo thang, song trong tuyên bố mới nhất, cả Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ đều khẳng định sẽ không có hành động can thiệp đến bộ phim đang gây phẫn nộ trong cộng đồng Hồi giáo.

Người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney cho biết chính phủ Mỹ cho rằng bộ phim xúc phạm đạo Hồi, song Washington không thể ngăn chặn việc phát hành bộ phim này vì các cá nhân được tự do bày tỏ quan điểm của mình.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng lên án bộ phim kích động thù địch tôn giáo song khẳng định Chính phủ Mỹ sẽ không có bất cứ tác động nào đến bộ phim nói trên./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục