Quốc vương Oman thăm Iran, thảo luận về ngoại giao và an ninh khu vực

Theo kế hoạch, Quốc vương Haitham sẽ gặp Tổng thống Iran Ebrahim Raisi để thảo luận về các vấn đề như mối quan hệ giữa Tehran với Ai Cập và chương trình hạt nhân Iran.
Quốc vương Oman thăm Iran, thảo luận về ngoại giao và an ninh khu vực ảnh 1Quốc vương Oman Haitham bin Tariq al-Said. (Nguồn: Reuters)

Ngày 28/5, Quốc vương Oman Haitham bin Tariq al-Said đã đến Tehran, bắt đầu chuyến thăm Iran trong 2 ngày với trọng tâm làm việc dự kiến về các vấn đề như quan hệ ngoại giao và an ninh khu vực.

Oman từ lâu đã đóng vai trò kết nối giữa Iran và các nước phương Tây. Muscat từng làm trung gian cho các thỏa thuận trao đổi tù nhân giữa Tehran và một số nước, gần nhất là thỏa thuận giữa Bỉ và Iran trả tự do cho các cá nhân bị 2 bên giam giữ mới được thông báo ngày 26/5.

Oman cũng là quốc gia trung gian giữa Iran và Mỹ trong quá trình xây dựng thỏa thuận hạt nhân Iran được ký kết năm 2015.

Theo kế hoạch, Quốc vương Haitham sẽ gặp Tổng thống Iran Ebrahim Raisi để thảo luận về các vấn đề như mối quan hệ giữa Tehran với Ai Cập và chương trình hạt nhân Iran.

Trước chuyến thăm, báo Asharq al-Awsat dẫn lời Ngoại trưởng Oman Sayyid Badr Hamad Al Busaidi cho biết chuyến thăm được thực hiện nhằm tìm kiếm sự phối hợp mang tính xây dựng và tham vấn về những vấn đề khác nhau trong khu vực cũng như trên thế giới.

Ngoại trưởng Busaidi cho biết Oman lạc quan về chuyến thăm "lịch sử" của Quốc vương Haitham tới Iran sẽ mang lại lợi ích xét trên cả phương diện khu vực và quốc tế.

[Iran và Oman ký các thỏa thuận về đường ống khí đốt và khai thác dầu]

Năm 2022, Oman và Iran đã ký các thỏa thuận xây dựng hai đường ống dẫn khí đốt và khai thác một mỏ dầu ở khu vực biên giới trên biển giữa hai nước.

Hãng thông tấn ONA của Oman cho biết, các thỏa thuận liên quan tới việc triển khai hai dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt giữa hai nước và khai thác mỏ dầu Hengam.

Oman có quan hệ kinh tế, chính trị gần gũi với Iran và đóng vai trò trung gian giữa Tehran và Washington trong thời gian đàm phán thỏa thuận hạt nhân được ký kết năm 2015 giữa Iran và các cường quốc P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức)./.
 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục