Rút khỏi INF - Mồi lửa thổi bùng căng thẳng Mỹ-Trung Quốc

Việc ông Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi INF được ký thời Chiến tranh Lạnh với Nga có thể trao cho Lầu Năm Góc những lựa chọn mới để đối phó với những bước phát triển tên lửa Trung Quốc.
Rút khỏi INF - Mồi lửa thổi bùng căng thẳng Mỹ-Trung Quốc ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: THX/TTXVN)

Reuters đưa tin, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi hiệp ước vũ khí hạt nhân được ký thời Chiến tranh Lạnh với Nga có thể trao cho Lầu Năm Góc những lựa chọn mới để đối phó với những bước phát triển tên lửa của Trung Quốc.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo rằng một cuộc chạy đua vũ trang tiếp theo có thể đẩy gia tăng căng thẳng lên cao ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Giới chức Mỹ nhiều năm qua cảnh báo rằng Mỹ đang bị dồn vào thế bất lợi do Trung Quốc đang đẩy mạnh phát triển các lực lượng tên lửa mặt đất ngày một tinh vi hơn.

Trong khi đó, Mỹ có thể không đuổi kịp năng lực tên lửa hạt nhân này của Bắc Kinh do chịu ràng buộc bởi hiệp ước với Nga. Tổng thống Trump đã ra tín hiệu ông có thể sớm để Lầu Năm Góc tự do hành động để giải quyết những bất lợi này khi ông dọa rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng Tên lửa tầm trung (INF).

Hiệp ước này yêu cầu Mỹ và Nga dần loại bỏ các hệ thống tên lửa truyền thống và tên lửa hạt nhân tầm ngắn và tầm trung.

Dan Blumenthal, cựu quan chức Lầu Năm Góc và hiện làm việc tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, cho rằng rút khỏi INF có thể mở đường để Mỹ triển khai hệ thống tên lửa truyền thống di chuyển trên mặt đất và dễ ẩn giấu hơn đến các vị trí như Guam và Nhật Bản.

Khi đó, Trung Quốc sẽ gặp khó khăn hơn khi nghĩ đến việc kích hoạt một cuộc tấn công trước tiên nhằm vào tàu thuyền và căn cứ của Mỹ trong khu vực.

Điều này cũng có thể buộc Bắc Kinh dấn thân vào một cuộc đua vũ trang hao tiền tốn của và buộc Trung Quốc phải chi tiêu nhiều hơn vào việc phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa. "Điều này sẽ thay đổi cơ bản tình hình khu vực," Blumenthal nói.

[Rút khỏi INF - Mỹ phá vỡ hệ thống kiểm soát hạt nhân toàn cầu?]

Ngay cả khi ông Trump đổ lỗi Nga vi phạm hiệp ước này khi đưa ra quyết định của mình, ông cũng chĩa mũi dùi vào Trung Quốc. Bắc Kinh không phải là một bên tham gia INF và lâu nay đã triển khai phát triển những lực lượng tên lửa "khủng" mới.

Trong số đó phải kể đến tên lửa đạn đạo tầm trung DF-26 có tầm bắn đối đa 4.000km mà Lầu Năm Góc nói rằng có thể đe dọa lãnh thổ Mỹ và các lực lượng trên biển ở tận xa như Guam ở Thái Bình Dương của Mỹ.

Hệ thống tên lửa này được Trung Quốc triển khai lần đầu tiên vào năm 2016. Tổng thống Trump nói: "Nếu Nga đang làm vậy (đang phát triển những tên lửa này) và Trung Quốc đang làm vậy và chúng ta lại chịu ràng buộc bởi hiệp ước này, thì điều đó không thể chấp nhận được."

Trong khi đó, ông John Bolton, cố vấn an ninh quốc gia lưu ý rằng những tuyên bố gần đây của Trung Quốc cho thấy nước này muốn Washington duy trì INF.

"Và điều đó hoàn toàn dễ hiểu. Nếu tôi mà là Trung Quốc thì tôi cũng nói y như vậy," ông Bolton nói với đài phát thanh Echo Moskvy.

Giới chức Mỹ lâu nay vẫn dựa vào những năng lực khác để đối phó với Trung Quốc, như sử dụng tên lửa bắn từ tàu chiến hoặc chiến đấu cơ của Mỹ. Tuy nhiên, những ý kiến ủng hộ việc Mỹ đáp trả bằng tên lửa trên mặt đất cho rằng đó là cách tốt nhất để ngăn chặn Trung Quốc sử dụng các lực lượng tên lửa mặt đất hùng mạnh của họ.

Bà Kelly Magsamen, người đưa ra chính sách châu Á của Lầu Năm Góc dưới thời Chính quyền Obama, cho rằng khả năng của Trung Quốc phát triển vũ khí ngoài khuôn khổ của INF đã khiến giới hoạch định chính sách ở Washington bất bình trong một thời gian dài trước khi ông Trump lên nắm quyền.

Rút khỏi INF - Mồi lửa thổi bùng căng thẳng Mỹ-Trung Quốc ảnh 2Bà Kelly Magsamen, người lập ra chính sách châu Á của Lầu Năm Góc dưới thời Chính quyền Obama. (Nguồn: wjla)

Tuy nhiên, bà thận trọng cho rằng bất kỳ chính sách mới nào của Mỹ nhằm định hướng phát triển tên lửa ở châu Á cần phải được thận trọng phối hợp với đồng minh, vấn đề dường như chưa xảy ra cho đến thời điểm này.

Bà Kelly Magsamen nhận định việc xử lý những tính toán sai lệch quanh việc Mỹ rút khỏi INF cũng có thể làm xáo trộn tình hình an ninh ở châu Á-Thái Bình Dương.

Giới chuyên gia cảnh báo rằng Trung Quốc sẽ gây sức ép lên các nước ở khu vực để từ chối những yêu cầu của Mỹ về lắp đặt tên lửa trong khu vực.

Ông Abraham Denmark, cựu quan chức cấp cao Lầu Năm Góc dưới thời ông Obama nói rằng Guam, Nhật Bản và thậm chí Australia có thể là những vị trí được Washington "nhắm đến" để triển khai tên lửa của mình.

Giới chức Mỹ đương nhiệm và trước đây cho rằng Washington đã đúng khi tập trung vào mối đe dọa tên lửa của Trung Quốc.

Ông Harry Harris, Chỉ huy lực lượng quân sự Mỹ tại Thái Bình Dương trước khi trở thành đại sứ Mỹ tại Seoul, hồi đầu năm nói rằng Mỹ đang ở vào thế bất lợi.

"Chúng ta không có năng lực tên lửa mặt đất có thể đe dọa Trung Quốc vì cam kết của chúng ta đối với hiệp ước," ông Harris nói trước phiên điều trần tại Thượng viện hồi tháng Ba vừa qua, song không đả động đến việc hủy bỏ hiệp ước này.

Khi được hỏi về phản ứng trước tuyên bố của ông Trump, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng việc Mỹ đơn phương rút khỏi INF sẽ gây tác động tiêu cực đồng thời kêu gọi Mỹ "nghĩ kỹ trước khi hành động"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục