Sáng kiến đổi pin - “chìa khóa” cho phát triển xe máy điện ở châu Phi

Hệ thống các trạm đổi pin đang được một số hãng khởi nghiệp phát triển ở châu Phi trong bối cảnh nhu cầu xe máy tại đây tiếp tục tăng và việc chuyển đổi sang xe điện là tất yếu để bảo vệ môi trường.
Sáng kiến đổi pin - “chìa khóa” cho phát triển xe máy điện ở châu Phi ảnh 1Hãng khởi nghiệp Spiro sẽ triển khai 1,2 triệu chiếc xe máy điện ở Kenya. (Nguồn: CNN/Ảnh chụp màn hình)

Spiro, một hãng khởi nghiệp đang tìm cách loại bỏ những chiếc môtô và xe tay ga ngốn nhiên liệu khỏi đường phố bằng cách đổi chúng lấy xe hai bánh chạy điện, đang mở rộng hoạt động sang Kenya.

Theo CNN, không lâu trước Hội nghị Thượng đỉnh về Khí hậu Châu Phi lần đầu tiên, khai mạc tại Thủ đô Nairobi của Kenya hôm 12/10, Chính phủ nước chủ nhà đã thông báo rằng công ty khởi nghiệp về xe máy điện và trao đổi pin nói trên sẽ có mặt tại quốc gia Đông Phi này với đợt triển khai lớn nhất từ trước đến nay: 1,2 triệu chiếc xe điện.

Giám đốc Điều hành Jules Samain cho biết việc này đánh dấu cột mốc quan trọng đối với công ty chỉ mới được thành lập tại Benin - một quốc gia ở Tây Phi - vào năm ngoái. Đợt triển khai sẽ giúp hãng gia tăng đáng kể “đội xe” của mình, từ con số 10.000 chiếc đang hoạt động trên khắp Benin, Togo và Rwanda.

Mùa Thu này, hãng cũng sẽ bắt đầu triển khai 140.000 chiếc xe ở Uganda trong vòng 5 năm.

Ông Samain nói với CNN rằng mục tiêu của Spiro không chỉ là “giảm các nguồn ô nhiễm mà còn loại bỏ chúng.” Khi những chiếc xe cũ được đem đi trao đổi, các bộ phận của chúng sẽ được tái chế và tái sử dụng. Công ty đã tổ chức “các sự kiện nghiền nát” ở cả Benin và Togo - nơi những chiếc xe cơ giới được “san phẳng” một cách công khai trước khi vật liệu được đem đi tái sử dụng.

Chính sách hãng dành cho người lái xe có sự khác nhau giữa các quốc gia.

Ở Kenya, họ sẽ được cung cấp 50.000 shilling Kenya (khoảng 344 USD) để đổi chiếc xe máy họ đang đi lấy một chiếc xe máy điện. Con số này tương đương chừng 1/3 giá một chiếc xe máy điện mới.

Sau đó, họ có thể trả phí đăng ký hằng ngày vào khoảng 255 shilling Kenya (khoảng 2 USD). Số tiền này sẽ hoàn trả dần vào số dư chưa thanh toán và cho phép người lái xe tiếp cận các trạm đổi pin - nơi họ có thể nhanh chóng thay pin hết điện bằng pin đã sạc đầy.

Công ty cho biết chương trình không chỉ giúp giảm số lượng phương tiện chạy xăng và dầu diesel trên đường cùng với lượng ô nhiễm không khí “kèm theo,” mà còn giúp người lái xe cắt giảm các chi phí nhiên liệu và bảo trì. Một số tài xế “xe ôm” đã “báo lãi” tăng từ khoảng 6 USD lên 11 USD/ngày kể từ khi tham gia chương trình này.

[Phát triển các trạm đổi pin: Thành công trong lĩnh vực xe máy điện]

Báo cáo năm 2022 của FIA Foundation - một tổ chức từ thiện vận tải và an toàn đường bộ quốc tế - chỉ ra rằng giá mua xe máy điện hiện vẫn cao hơn giá mua xe máy chạy xăng, tuy nhiên chi phí vận hành xe máy điện lại rẻ hơn.

Báo cáo cho biết ở nhiều nước châu Phi, một chiếc xe máy được đổ 1 lít xăng có thể đi được một quãng đường tương đương với 1kWh điện, nhưng sẽ đắt hơn từ 5-10 lần.

“Chìa khóa” cho giá cả phải chăng

Các sáng kiến đổi pin sẽ là “chìa khóa” giúp xe hai bánh chạy điện có giá cả phải chăng hơn, bởi khi bán một chiếc xe máy điện không có pin, giá mua ban đầu sẽ giảm đáng kể - báo cáo cho hay.

Nhưng để việc đổi pin có thể thực hiện được, cần phải có “cơ sở hạ tầng sạc đáng tin cậy và dễ tiếp cận” - ông Samain nói. “Trước khi phân phối chiếc xe đầu tiên, chúng tôi xây dựng một mạng lưới các trạm đổi pin và chúng không được đặt một cách ngẫu nhiên: chúng tôi nghiên cứu kỹ lưỡng địa hình và đặt các trạm này ở cả khu vực thành thị và nông thôn, đảm bảo phạm vi phủ sóng rộng khắp.”

Spiro đã cam kết xây dựng 3.000 trạm như vậy trên khắp Kenya, nghĩa là các tài xế sẽ không phải lo lắng về quãng đường đi, đồng thời góp phần xây dựng cơ sở hạ tầng xe điện của quốc gia.

Công ty, hiện đang sản xuất hầu hết xe máy và xe tay ga của mình tại Trung Quốc, cũng đã quyết đình thành lập một cơ sở sản xuất ở Kenya để tạo công ăn việc làm cho địa phương.

Phát biểu tại thành phố ven biển Mombasa tại buổi lễ ra mắt sáng kiến trên, Tổng thống Kenya William Ruto cho biết: “Việc này sẽ tạo ra việc làm và chuyển giao kiến thức, công nghệ và kỹ năng cho thị trường của chúng tôi một cách rất bền vững.”

Sáng kiến đổi pin - “chìa khóa” cho phát triển xe máy điện ở châu Phi ảnh 2Nhu cầu xe máy ở châu Phi được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng. (Nguồn: CNN/Ảnh chụp màn hình)

Theo Tổ chức FIA , đã có 27 triệu xe máy được đăng ký ở châu Phi cận Sahara vào năm 2022, tăng từ mức chỉ 5 triệu chiếc vào năm 2010, với khoảng 80% trong số đó được sử dụng trong ngành “xe ôm.”

Nhu cầu về xe hai bánh dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng lên. Báo cáo từ Công ty Tư vấn Quản lý McKinsey ước tính rằng xe máy chạy điện và chạy xăng sẽ chiếm hơn 45% tổng số phương tiện đi lại của khu vực châu Phi cận Sahara vào năm 2040.

McKinsey cảnh báo rằng với nhu cầu ngày càng tăng, những phương tiện cơ giới đã qua sử dụng không đáp ứng tiêu chuẩn khí thải ở các quốc gia khác trên thế giới có thể sẽ được bán lại ở Châu Phi - nơi những quy định còn lỏng lẻo.

Để tránh việc Lục địa Đen có thể trở thành “bãi rác” cho các phương tiện gây ô nhiễm không mong muốn, việc tạo ra điện khí hóa đáng tin cậy với giá cả phải chăng sẽ là “chìa khóa” - theo MacKinsey.

Spiro, trước đây là M-Auto, chỉ là một trong những hãng khởi nghiệp đang nỗ lực thúc đẩy quá trình chuyển đổi này. Công ty khởi nghiệp Roam (trước đây là Opibus) của Thụy Điển và Kenya - chuyên chuyển đổi các phương tiện cũ sang chạy bằng động cơ điện - đã mở nhà máy lắp ráp xe máy điện lớn nhất Đông Phi vào đầu năm nay.

Trong khi đó, Ampersand sở hữu một đội khoảng 1.000 xe với một mạng lưới nhỏ các trạm đổi pin ở Kenya và Rwanda. Tuần trước, Công ty Uber của Mỹ cũng ra mắt dịch vụ xe máy điện ở Kenya, hứa hẹn sẽ tung ra thị trường 3.000 xe trong vòng sáu tháng.

Quy mô mở rộng của Spiro ở Kenya đang “lấn át” tất cả các “đội xe” hiện có.

“Chúng tôi đang vượt qua cột mốc mang tính biểu tượng nhưng quan trọng - là 1 triệu chiếc xe máy điện đã được ký kết với Chính phủ [Kenya]” - ông Samain cho hay. Công ty đang trên đà tăng tốc và đến năm 2030, Giám đốc Điều hành của Spiro mong muốn hãng sẽ hoạt động ở ít nhất 10 quốc gia châu Phi./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục