Theo số liệu mới công bố của Văn phòng Thống kê và Thông tin quốc gia Cuba (ONEI), trừ các hợp tác xã phi nông nghiệp, tất cả các loại hình doanh nghiệp khác tại Cuba đã sụt giảm trong giai đoạn 2012-2016, từ các doanh nghiệp nhà nước, các tổ chức mang tính thị trường, các Đơn vị sản xuất hợp tác xã cơ bản (UBPC), Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp (CPA), hay Hợp tác xã tín dụng và dịch vụ (CCS).
Kể từ khi được cho phép năm 2013, số lượng các Hợp tác xã phi nông nghiệp - hình thức sở hữu tập thể vẫn được coi là trong giai đoạn thử nghiệm - đã tăng từ 198 ban đầu lên mức 397 hiện tại.
Theo kế hoạch kinh tế của đảo quốc Caribe này trong giai đoạn 2016-2020, “những thử nghiệm hợp tác xã phi nông nghiệp sẽ tiếp tục được đẩy mạnh với ưu tiên cho các hoạt động đóng góp vào phát triển của địa phương; đồng thời quá trình thể chế hóa các hợp tác xã cấp độ 2 sẽ được khởi động.”
Tổng số các tổ chức kinh tế của Cuba đã giảm từ 10.556 năm 2012 xuống còn 9.878 năm 2016, bao gồm 1.904 doanh nghiệp nhà nước (từ mức 2.250 năm 2012), 223 tổ chức mang tính thị trường 100% vốn Cuba (từ mức 236), 5.406 các loại hình hợp tác xã cả nông nghiệp và phi nông nghiệp, và 2.345 đơn vị được cấp ngân sách.
ONEI giải thích rõ con số này không bao gồm các hiệp hội, tổ chức chính trị và thể chế phi lợi nhuận, các công liên doanh hay 100% vốn nước ngoài, các chi nhánh của các doanh nghiệp nước ngoài tại Cuba, Phòng thương mại hay các hội đoàn chuyên ngành.
Theo tổng kết của cơ quan này, quá trình giảm thiểu số lượng doanh nghiệp tại Cuba mang tính dần đều, với xu hướng rõ rệt hơn từ năm 2014. Định hướng cải cách kinh tế hiện tại của Hòn đảo Tự do là nhường bớt không gian hoạt động cho các loại hình sở hữu tập thể và cá nhân, có thể sẽ tiếp tục đẩy mạnh xu hướng này, cho dù thành phần kinh tế nhà nước xã hội chủ nghĩa sẽ tiếp tục là nền tảng của cả nền kinh tế.
Xu hướng này cũng phản ánh chính sách của nhà nước Cuba rằng tất cả các doanh nghiệp nhà nước hay hợp tác xã thường xuyên thua lỗ, không đủ nguồn nhân lực, không đủ khả năng thực hiện các nghĩa vụ tài chính với nhà nước hay có kết quả tiêu cực trong kiểm toán, sẽ bị giải thể hoặc sáp nhập.
Báo cáo cũng khẳng định vai trò đầu tàu kinh tế của thủ đô La Habana khi dẫn đầu cả về số lượng doanh nghiệp nhà nước (621), số các tổ chức mang tính thị trường (210) và các hợp tác xã phi nông nghiệp (221)./.