Nhiệt độ ngoài trời có lúc lên tới 56 độ C ở thành phố Phoenix, Mỹ trong những ngày cuối tháng Bảy vừa qua.
Thành phố này đã trải qua 31 ngày liên tiếp (tính đến 30/7) ghi nhận nhiệt độ vượt mức 43,3 độ C, lập kỷ lục toàn quốc về giai đoạn nắng nóng kéo dài nhất.
Hình thái thời tiết khắc nghiệt này vẫn chưa dừng lại, trong tuần này, một đợt sóng nhiệt khác sẽ tiếp tục diễn ra.
Ít nhất gần 20 người tại thành phố Phoenix đã tử vong vì nắng nóng. Những tấm biến cảnh báo nắng nóng nguy hiểm được dựng lên khắp nơi, các lán trại được lập tạm nhằm giúp đỡ những người vô gia cư – nhóm người phải chịu tác động nặng nề nhất bởi vỉa hè, nơi tá túc của họ bỏng rẫy do hấp thụ nhiệt khiến họ không thể nằm hoặc ngồi.
Còn đối với những gia đình có thu nhập thấp, phần nhiều họ không dám nấu nướng hay bật đèn, nguồn điện duy nhất chỉ để dành cho chiếc điều hòa bật liên tục suốt ngày đêm.
Nước Mỹ đang trải qua một mùa Hè nóng nhất trong lịch sử. Gần 5.000 kỷ lục về nhiệt độ và lượng mưa đã bị phá vỡ trong 30 ngày qua.
Những đợt sóng nhiệt chết người đang lan rộng khắp nước Mỹ, đặc biệt là khu vực miền Tây Nam. Hơn 40 triệu người Mỹ đang sống trong khu vực cảnh báo thời tiết khắc nghiệt với nhiệt độ cao kỷ lục.
[Mỹ: Hơn 80 triệu người sống trong cảnh báo nắng nóng nghiêm trọng]
Sóng nhiệt là khoảng thời gian kéo dài của hiện tượng thời tiết nóng bất thường, thường kéo dài từ vài ngày đến hơn một tuần.
Sóng nhiệt hình thành khi không khí tĩnh (ít di chuyển) tại một địa phương hay một vùng. Hiện tượng thời tiết cực đoan này có thể gây ra các bệnh như suy kiệt, đột quỵ do nhiệt..., thậm chí tử vong.
Ở Mỹ, sóng nhiệt gây tử vong cao hơn các thiên tai khác như bão, lốc xoáy, động đất.
Nắng nóng kéo dài còn khiến người nghèo ở các đô thị Mỹ chịu đựng tình trạng đảo nhiệt.
Nhiệt độ ở các thành thị có thể cao hơn 8 độ F (0,24 độ C) ở các vùng nông thôn lân cận. Nguyên nhân là các tòa nhà cao tầng, vỉa hè bêtông, bãi đậu xe và các cơ sở hạ tầng khác lấp đầy các bãi đất trống, hấp thụ và lưu giữ nhiệt lâu hơn, khiến mức độ nóng bức càng cao. Khi nhiệt độ tăng, chi phí làm mát cũng tăng.
Còn ở các khu dân cư có thu nhập thấp của Mỹ thì nhiệt độ còn nóng hơn nữa bởi thiếu những không gian xanh làm mát như các công viên, sân chơi và hàng cây ven đường.
Hãng tin AP (Mỹ) dẫn báo cáo nêu rõ khoảng 40% trong số 425 ca tử vong liên quan nắng nóng trong năm 2022 tại hạt Maricopa là người vô gia cư thiếu điều kiện tiếp cận các hệ thống làm mát.
Theo đại diện trung tâm dịch vụ an sinh khu vực, Amy Schwabenlender, nếu xu hướng này tiếp diễn, số ca tử vong liên quan nắng nóng trong năm 2023 sẽ tăng cao hơn nữa.
Bên cạnh những người vô gia cư, những người thu nhập thấp cũng là đối tượng bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ sóng nhiệt.
Họ thường làm các công việc lao động chân tay và phải làm việc ở ngoài trời. Do đó, họ rất dễ bị sốc nhiệt, mất nước và các nguy cơ sức khỏe khác khi làm việc lâu dưới trời nắng nóng./.