Sự kiện quốc tế 11-17/12: Những từ khóa của năm 2017

Youthquake, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ ra tranh cử tổng thống, dấu mốc quan hệ Trung Quốc, Hàn Quốc là những sự kiện nổi bật của thế giới tuần qua.
Những từ khóa của năm
Với ý nghĩa tích cực liên quan đến văn hóa và chính trị, "Youthquake" đã được Từ điển Oxford, cuốn từ điển tiếng Anh uy tín hàng đầu thế giới, bình chọn là "Từ của năm" 2017.

"Youthquake" được định nghĩa là "một sự thay đổi văn hóa, chính trị hoặc xã hội nổi bật, phát sinh từ những hành động hoặc sự ảnh hưởng của giới trẻ." Từ này được sử dụng lần đầu tiên trong cuộc tổng tuyển cử tại Anh hồi tháng Sáu vừa qua, thời điểm chứng kiến lượng cử tri trẻ tuổi đi bỏ phiếu tăng đột biến.

Sau đó, "Youthquake" trở nên phổ biến vào khoảng thời điểm diễn ra cuộc tổng tuyển cử tại New Zealand hồi tháng Chín vừa qua, khi xuất hiện làn sóng cử tri trẻ tích cực vận động để ủng hộ các đảng họ ưa thích.

Nhà xuất bản từ điển danh tiếng Merriam-Webster của Mỹ ngày 12/12 đã chọn "feminism" (bình quyền cho nữ giới) là từ khóa của năm 2017.

Theo Tổng biên tập nhà xuất bản Merriam-Webster, ông Peter Sokolowski, số lượt tra cứu từ khóa "feminism" trên trang Merriam-Webster.com trong năm 2017 đã tăng tới 70% so với năm trước đó, và tần suất tra cứu tăng đột biến sau các sự kiện quan trọng, như cuộc tuần hành của nữ giới ở Washington hồi tháng 1/2017, chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ của ứng cử viên đảng Dân chủ Hillary Clinton hay phong trào "Me Too" về bê bối lạm dụng tình dục đối với nữ giới dưới quyền.

Siêu bão Irma, Bitcoin, bê bối tình dục và chuyện tình hoàng gia là một vài trong số những chủ đề được quan tâm nhiều nhất năm 2017 trên công cụ tìm kiếm Google.

Theo xếp hạng công bố ngày 13/12 của Google, siêu bão Irma, cơn bão tàn phá kinh hoàng nước Mỹ và vùng Caribe, là chủ đề "nóng" nhất toàn cầu trong năm 2017, cả trong hạng mục tìm kiếm tin tức và tìm kiếm nói chung.

Đứng thứ 2 trong tìm kiếm tin tức là từ khóa Bitcoin. Đồng tiền ảo này đang gây chấn động thời gian gần đây khi tăng giá vùn vụt, có thời điểm chạm mốc 20.000 USD/Bitcoin.

Theo sau đó lần lượt là vụ xả súng hàng loạt tại Las Vegas, cuộc khủng hoảng Triều Tiên và hiện tượng nhật thực toàn phần.

Sự kiện quốc tế 11-17/12: Những từ khóa của năm 2017 ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: thehindu.com)
Tổng thống Nga tuyên bố ra tranh cử với tư cách ứng cử viên tự do
Ngày 14/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc họp báo thường niên năm 2017, với sự tham dự của 1.640 phóng viên đại diện báo chí khu vực của Nga và đại diện báo chí nước ngoài gồm các nước Mỹ, Đức, Nhật Bản, Pháp, Trung Quốc, Ba Lan, Estonia và Việt Nam. Cuộc họp báo nhằm đưa ra đánh giá về những sự kiện quan trọng của nước Nga và các vấn đề quốc tế trong năm vừa qua.

Cuộc họp báo rất được quan tâm, vì đây là cuộc họp báo cuối cùng trong nhiệm kỳ lần này của ông Putin và cũng có thể coi như là một sự chuẩn bị cho nhà lãnh đạo Nga khi ông sẽ tham gia tranh cử tổng thống nhiệm kỳ thứ 4 vào năm 2018.

Tại cuộc họp báo lần này, Tổng thống Putin tuyên bố sẽ ra ứng cử độc lập và kêu gọi sự ủng hộ của các đảng phái chính trị cũng như cử tri Nga.

Về kinh tế, ông Putin khẳng định kinh tế Nga đang có dấu hiệu tăng trưởng bền vững, xuất khẩu tăng đáng kể, Nga dẫn đầu trong xuất khẩu ngũ cốc.

Về việc Mỹ có khả năng rút khỏi Hiệp ước hạn chế và tiêu hủy tên lửa tầm ngắn và tầm trung, ông Putin cho rằng điều đó sẽ dẫn đến những phức tạp trong lĩnh vực an ninh thế giới, đồng thời tuyên bố Nga sẽ phân bổ ngân sách quốc phòng trong khuôn khổ ngân sách cho phép, vừa đủ để duy trì tiềm lực quốc phòng của Nga.

Ngoài ra, trong hơn 3 tiếng đồng hồ, Tổng thống Putin đã trả lời nhiều câu hỏi liên quan đến vấn đề phòng chống tham nhũng, nâng cao đời sống nhân dân, chăm lo cho thế hệ trẻ, tư nhân hóa các công ty nhà nước...

Qua những nội dung tại họp báo, có thể thấy Tổng thống Putin đang vững vàng vượt qua những khó khăn từ bên ngoài, tạo dựng niềm tin đối với người dân Nga, tiến tới thực hiện các mục tiêu đối nội và đối ngoại của mình.

Sự kiện quốc tế 11-17/12: Những từ khóa của năm 2017 ảnh 2Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Nguồn: AFP/TTXVN)
EU nhất trí tiếp tục gia hạn các biện pháp trừng phạt Nga
Ngày 14/12, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí gia hạn thêm sáu tháng các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga, lẽ ra sẽ hết hạn ngày 31/1/2018.

Thông báo trên trang Twitter sau ngày họp đầu tiên của hội nghị thượng đỉnh EU ở Brussels, Chủ tịch EU Donald Tusk xác nhận lãnh đạo các nước EU đã nhất trí gia hạn các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga. Dự kiến, quyết định này sẽ được Hội đồng châu Âu chính thức thông qua trong vài ngày tới.

EU bắt đầu áp đặt trừng phạt Nga sau cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraine và bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga hồi tháng 3/2014. Kể từ đó đến nay, cứ mỗi sáu tháng các nhà lãnh đạo EU lại gia hạn trừng phạt Nga.

Các biện pháp trừng phạt nhằm vào các lĩnh vực tài chính, năng lượng và quốc phòng, theo đó các công ty châu Âu không được phép kinh doanh hoặc đầu tư trong lĩnh vực năng lượng và quốc phòng của Nga trong khi các mối quan hệ tài chính cũng bị hạn chế một cách nghiêm ngặt.

Bên cạnh đó, các công ty châu Âu không được mượn hoặc cho năm ngân hàng nhà nước lớn của Nga vay tiền trong hơn 30 ngày. Việc xuất khẩu một số thiết bị và công nghệ liên quan đến năng lượng sang Nga cũng phải được sự chấp thuận của chính phủ các nước thuộc EU.

Nga cũng đã đáp trả các biện pháp trừng phạt của EU bằng một lệnh cấm nhập khẩu đối với các mặt hàng thực phẩm chế biến từ EU. Lệnh cấm vận từ phía Nga cũng nhiều lần được gia hạn tương ứng động thái từ phía EU với thời gian là sáu tháng./.

Sự kiện quốc tế 11-17/12: Những từ khóa của năm 2017 ảnh 3(Nguồn: Sputnik)
Hội nghị thế giới về chống biến đổi khí hậu
Ngày 12​/12, tại Paris (Pháp) đã diễn ra hội nghị thượng đỉnh "Một hành tinh" dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc, Pháp và Ngân hàng Thế giới (WB), với sự tham dự của 4.000 đại biểu và 800 tổ chức trên thế giới, nhằm thảo luận về cách thức cấp vốn để khuyến khích các quốc gia hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch và chuyển sang sử dụng các nguồn năng lượng ít gây ô nhiễm, cũng như cách thức hỗ trợ các quốc gia phải hứng chịu hậu quả của tình trạng biến đổi khí hậu như siêu bão, nước biển dâng...

Hội nghị đã nêu bật được 3 mục tiêu chính chống biến đổi khí hậu gồm: thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu khí thải gây hiệu ứng nhà kính, huy động tài chính công và tư.

Ngoài ra, trong khuôn khổ hội nghị, 12 dự án tài trợ đã được công bố, tập trung vào những ưu tiên tiến tới chuyển đổi và phát triển thải ra khí có các-bon (như CO2, CO) thấp; tăng trường thích ứng và khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu; đoàn kết và nâng cao năng lực của các quốc gia, nhất là các quốc gia dễ bị tổn thương nhất vì biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, một nhóm gồm 225 nhà đầu tư toàn cầu, bao gồm tập đoàn ngân hàng HSBC và tập đoàn bảo hiểm Pháp AXA cũng đã khởi động sáng kiến "Hành động vì Khí hậu 100+"

Sáng kiến này sẽ kéo dài 5 năm, nhằm giám sát hành động của 100 tập đoàn thải nhiều khí gây hiệu ứng nhà kính nhất.

Cũng tại hội nghị, nhiều quốc gia và tổ chức cũng nâng mức đóng góp tài chính, như việc tỷ phú Mỹ Bill Gates công bố sẽ thành lập Quỹ trị giá 600 triệu USD nhằm giúp các quốc gia châu Á và châu Phi thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu.

Quỹ này dự kiến sẽ có sự tham gia của Liên minh châu Âu và Pháp để nâng lên mức đóng góp lên 1 tỷ USD.

Hội nghị lần này được đánh giá là tương đối thành công khi đưa ra được nhiều cam kết quan trọng của các nhà đầu tư, các ngân hàng, đặc biệt là trong việc rút vốn khỏi các dự án khai thác nhiên liệu hóa thạch.

Sự kiện quốc tế 11-17/12: Những từ khóa của năm 2017 ảnh 4Cảnh nắng nóng trên đường phố Los Angeles, Mỹ. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Tổng thống Hàn Quốc thăm Trung Quốc
Từ ngày 13 đến 16/12, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã có chuyến thăm chính thức đầu tiên đến Trung Quốc. Trong chuyến thăm, ông Moon Jae-in đã có cuộc hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Tại đây, Chủ tịch Tập Cận Bình thừa nhận quan hệ giữa hai nước đã có bước thụt lùi, song ông bày tỏ tin tưởng mối quan hệ này sẽ được cải thiện sau chuyến thăm của Moon Jae-in tới Bắc Kinh.

Trong khi đó, Tổng thống Moon Jae-in đã kêu gọi có sự khởi đầu mới trong quan hệ giữa hai nước, đồng thời bày tỏ mong muốn hai bên sẽ có những nỗ lực chung nhằm phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên một cách hòa bình.

Ông hy vọng hai nước sẽ tái khẳng định lập trường chung trong cách thức giải quyết vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên vì hòa bình, an ninh của khu vực Đông Nam Á và cả thế giới.

Nhìn chung các nhà phân tích đánh giá chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Moon Jae-in là nhằm xoa dịu những căng thẳng Hàn-Trung trong nhiều tháng qua.

Tuy nhiên đây thực sự là một nhiệm vụ khó khăn. Thực tế, những tranh cãi giữa hai nước xung quanh vấn đề THAAD như một “sự kiện lịch sử” chưa từng xảy ra trong mối quan hệ song phương Trung-Hàn.

Việc Mỹ lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD ở Hàn Quốc hồi đầu năm 2017 đã đẩy ông Moon Jae-in vào một tình thế nan giải: một mặt ông không muốn làm đồng minh Mỹ tức giận nhưng mặt khác ông cũng muốn khôi phục quan hệ bình thường với Trung Quốc.

Chính bởi vậy, nhiều người cũng tỏ ra hoài nghi về khả năng hàn gắn thành công mối quan hệ Hàn-Trung trong chuyến thăm lần này.

Sự kiện quốc tế 11-17/12: Những từ khóa của năm 2017 ảnh 5Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (trái) trong cuộc gặp tại Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 14/12. (Nguồn: AFP/TTXVN)
FED tiếp tục tăng lãi suất
Ngày 13​/12, các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã quyết định tăng lãi suất cơ bản đồng USD thêm 0,25 điểm phần trăm, nằm trong khoảng từ 1,25% đến 1,5%.

Mức lãi suất này sẽ được áp dụng cho một loạt các công cụ nợ, chẳng hạn như thẻ tín dụng hay cầm cố lãi suất có điều chỉnh (ARM). Đây là đợt nâng lãi suất lần thứ ba của FED từ đầu năm đến nay.

Đồng thời, FED cũng nâng mức dự báo tăng trưởng GDP năm 2018 lên 2,5%, so với mức 2,1% được đưa ra trong cuộc họp hồi tháng 9-2017. Những quyết định này được đưa ra trong bối cảnh kinh tế và thị trường lao động Mỹ đang có những dấu hiệu cải thiện.

Có thể thấy, trong những tháng gần đây, mặc dù hoạt động kinh tế, việc làm và lạm phát bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ những cơn bão mạnh nhất trong vòng 50 năm qua gây ra, nhưng không làm thay đổi triển vọng tăng trưởng tổng thể của nền kinh tế Mỹ.

Theo số liệu thống kê do Bộ Thương mại Mỹ công bố, trong quý III năm 2017, kinh tế nước này đạt nhịp độ tăng trưởng 3,3%, mức tăng cao nhất kể từ quý III năm 2014, đồng thời cao hơn mức dự đoán 3% trước đó và nhỉnh hơn mức tăng 3,1% của quý II năm 2017.

Đây cũng là lần đầu tiên kể từ năm 2014, nền kinh tế số 1 thế giới tăng trưởng từ 3% trở lên trong hai quý liên tiếp.

Giữa bối cảnh các nghị sỹ Cộng hòa đang nỗ lực hợp nhất hai bản dự luật cải cách thuế của Thượng viện và Hạ viện, FED buộc phải tính toán các biện pháp nhằm tiếp thêm động lực cho nền kinh tế và đẩy giá cả đi lên.

Nhiều chuyên gia dự báo rằng FED sẽ nâng lãi suất thêm bốn lần trong năm 2018 nhờ sự phục hồi của nền kinh tế và chương trình cải cách thuế​.

Sự kiện quốc tế 11-17/12: Những từ khóa của năm 2017 ảnh 6Trụ sở Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ tại Washington, DC. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Walt Disney đạt thỏa thuận thâu tóm tập đoàn 21st Century Fox
Công ty Walt Disney ngày 14/12 thông báo đã đạt một thỏa thuận mua lại tập đoàn giải trí 21st Century Fox với giá 52,4 tỷ USD trên thị trường chứng khoán, củng cố vị trí của mình là một nhà sản xuất các dịch vụ giải trí trong bối cảnh phải đối mặt với các đối thủ mới từ Silicon Valley.

Theo thỏa thuận, hãng Disney sẽ mua các xưởng phim và truyền hình, các kênh giải trí qua truyền hình cáp và kinh doanh TV quốc tế, khiến các tài sản giải trí nổi tiếng như những bộ phim bạc tỷ "X-Men," "Avatar," "The Simpsons," hay các mạng giải trí như FX và National Geographic sẽ thuộc sở hữu của Disney.

Trong một tuyên bố, Giám đốc điều hành Disney Robert Iger cho biết: "Vụ mua lại những công ty tinh tú này của 21st Century Fox phản ánh nhu cầu ngày càng tăng đối với sự đa dạng hóa thể loại dịch vụ giải trí, sao cho hấp dẫn hơn, dễ tiếp cận hơn và tiện lợi hơn trước đây."

Sự kiện quốc tế 11-17/12: Những từ khóa của năm 2017 ảnh 7(Nguồn: thecomeback.com)
Hàn Quốc: Sông Hàn ở Seoul đóng băng sớm nhất trong 71 năm qua
Đoạn sông Hàn chảy qua thủ đô Seoul đã chứng kiến hiện tượng đóng băng lần đầu tiên trong mùa Đông năm nay vào ngày 15/12 khi nhiệt độ thấp nhất vào buổi sáng xuống dưới -10 độ C tại nhiều khu vực.

Như vậy, đây là thời điểm đoạn sông này đóng băng sớm nhất trong năm kể từ ngày 12/12/1946, sớm hơn 42 ngày so với lần đóng băng đầu tiên của mùa Đông năm ngoái và sớm hơn 29 ngày so với trung bình hằng năm.

Vào lúc 7 giờ 40 (giờ địa phương) sáng 15/12, nhiệt độ ở Seoul đo được là -7,5 độ C. Kể từ ngày 11/12 đến hết ngày 14/12, nhiệt độ thấp nhất tại đây đã xuống mức dưới -10 độ C và nhiệt độ cao nhất cũng chỉ là dưới 0 độ C.

Kể từ khi việc theo dõi tình trạng đóng băng trên con sông này được bắt đầu năm 1906, thời điểm đóng băng sớm nhất được ghi nhận là vào ngày 4/12/1934 và thời điểm muộn nhất là vào ngày 13/2/1964. Đến nay đã có bảy lần không xuất hiện tình trạng đóng băng, lần gần đây nhất là vào năm 2006.

Sự kiện quốc tế 11-17/12: Những từ khóa của năm 2017 ảnh 8Sông Hàn đóng băng. (Nguồn: koreaherald.com)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục