Bảy thủy thủ ổn định

Sức khỏe bảy thủy thủ Việt trên tàu bị nạn ổn định

Bảy thủy thủ Việt Nam được cứu sống trong vụ tàu cá Hàn Quốc bị chìm tại Nam Cực hiện sức khỏe ổn định, được chăm sóc y tế đầy đủ.
Theo thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại New Zealand, Trung tâm cứu hộ New Zealand cho biết, tính đến ngày 14/12, cuộc tìm kiếm cứu nạn trong vụ tàu cá In Sung-1 của Hàn Quốc bị chìm tại Nam Cực chưa có kết quả mới.

Bảy thủy thủ Việt Nam được cứu sống hiện sức khỏe ổn định, được chăm sóc y tế và cung cấp thức ăn đầy đủ. Thi hài người bị thiệt mạng đang được bảo quản trên tàu.

Phía New Zealand đã làm việc với công ty tàu đánh cá của Hàn Quốc và thống nhất sẽ đưa những người được cứu và thi hài người tử nạn về cảng Pluff thuộc đảo Nam của New Zealand.

Đại sứ quán Việt Nam tại New Zealand đã yêu cầu đội cứu hộ nỗ lực tìm kiếm những người mất tích và thông báo chính thức kết quả tìm kiếm bằng văn bản cho phía Việt Nam để chuyển tới gia đình nạn nhân.

Bên cạnh đó, Đại sứ quán Việt Nam cũng đang tiếp tục phối hợp với phía New Zealand và các cơ quan hữu quan trong nước để giải quyết các thủ tục cần thiết đối với những lao động Việt Nam bị nạn.

Như tin đã đưa, rạng sáng 13/12, tàu đánh cá In Sung-1 của Hàn Quốc với thủy thủ đoàn 42 người đã bị chìm tại Nam Cực. Chỉ có 20 thủy thủ được cứu sống, năm người được xác định là đã thiệt mạng và 17 người còn mất tích, trong số 11 lao động Việt Nam làm việc trên tàu, có bảy người được cứu sống, một người bị thiệt mạng và ba người còn đang mất tích.

Lực lượng cứu hộ của Hàn Quốc và New Zealand ngày 14/12 thông báo ngừng hoạt động tìm kiếm 17 người mất tích sau khi nhận định không còn hy vọng tìm thấy những người sống sót.

Theo thông tin chính thức của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), 11 thuyền viên Việt Nam gặp nạn trên do năm Công ty xuất khẩu lao động đưa đi, gồm Công ty cổ phần Phát triển nguồn nhân lực (LOD), Tổng Công ty Xây dựng Công trình giao thông 1 (CIENCO No1), Công ty Cổ phần xuất khẩu lao động Thương mại và Du lịch, Tổng Công ty đường Sông miền Nam và Công ty Cổ phần TRAENCO.

Hiện nay, các doanh nghiệp đưa lao động đi đã thông báo chính thức cho gia đình người lao động về sự việc nêu trên và đang cử cán bộ về địa phương chia buồn, động viên và hỗ trợ về tinh thần và vật chất cho các gia đình có con em bị tử nạn hoặc mất tích.

Các thuyền viên đều được các công ty mua bảo hiểm rủi ro và sẽ được các doanh nghiệp làm thủ tục để gia đình được hưởng chế độ bảo hiểm sớm nhất.

Cơ quan đại diện Việt Nam tại New Zealand sẽ cùng với các doanh nghiệp phối hợp với cơ quan sở tại đón lao động và xử lý các vấn đề tiếp theo.

Cũng theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, ngay sau khi nhận được thông tin, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao chỉ đạo xử lý. Bộ Ngoại giao đã đề nghị phía Hàn Quốc và New Zealand sớm thông báo nguyên nhân, khẳng định danh tính của những người bị nạn và tiếp tục phối hợp với Việt Nam trong việc tìm kiếm công dân, hỗ trợ những người bị nạn.

Cục Quản lý lao động ngoài nước đã yêu cầu các doanh nghiệp đưa lao động đi khẩn trương nắm tình hình, báo cáo các cơ quan có thẩm quyền và có biện pháp bảo đảm quyền và lợi ích của thuyền viên.

Bộ Ngoại giao cũng đã chỉ đạo Cơ quan Đại diện của Việt Nam tại New Zealand phối hợp với các cơ quan chức năng sở tại khẩn trương xử lý vụ việc, trong số 42 thủy thủ bị nạn đã cứu được 20 người, còn lại 5 người chết và 17 người mất tích./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục