Sudan: Các bên nhất trí về lộ trình chấm dứt xung đột ở Darfur

Hai bên đã nhất trí cần sớm giải quyết các vấn đề là căn nguyên gây ra xung đột, hồi hương người tị nạn và tái định cư những người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn trong nước...
Người dân biểu tình phản đối tình trạng kinh tế tồi tệ tại Darfur, Sudan. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Người dân biểu tình phản đối tình trạng kinh tế tồi tệ tại Darfur, Sudan. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 28/12, đại diện Chính phủ Sudan và 9 nhóm nổi dậy đã ký một thỏa thuận về lộ trình hướng tới chấm dứt xung đột ở khu vực Darfur.

Thỏa thuận trên đưa ra các vấn đề khác nhau mà các bên sẽ cần phải thương lượng trong vòng đàm phán mới nhất ở Juba.

Tướng Samsedine Kabashi, đại diện hàng đầu của Chính phủ Sudan trong cuộc đàm phán này, nhấn mạnh: "Chúng tôi cam kết chấm dứt tất cả các vấn đề ở Darfur và đảm bảo rằng chúng ta khôi phục hòa bình và ổn định không chỉ ở khu vực này mà còn trên toàn quốc."

Trong khi đó, ông Ahmed Mohamed, trưởng đoàn đàm phán của Mặt trận Cách mạng Sudan (SRF- liên minh gồm 9 nhóm nổi dậy tham gia đàm phán với Chính phủ Sudan) về vấn đề Darfur nói: "Chúng tôi tin rằng thỏa thuận này là một bước tiến quan trọng. Rõ ràng bước tiến này sẽ hỗ trợ tiến trình nhằm đạt được hòa bình lâu dài ở Darfur cũng như sẽ cho phép tiến trình chuyển tiếp ở Sudan diễn ra thuận lợi mà không gặp trở ngại nào."

[Sudan: Các bên gia hạn thỏa thuận ngừng bắn đến tháng 2 tới]

Hai bên đã nhất trí cần sớm giải quyết các vấn đề là căn nguyên gây ra xung đột, hồi hương người tị nạn và tái định cư những người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn trong nước, vấn đề chia sẻ quyền lực và tiếp nhận các tay súng vào lực lượng quân đội quốc gia.

Thỏa thuận cũng nêu rõ Chính phủ Sudan sẽ phải giải quyết các vấn đề đất đai, tài sản bị phá hủy trong xung đột.

Trước đó, ngày 15/12, Chính phủ Sudan và các nhóm vũ trang tham gia đàm phán hoà bình ở thủ đô Juba của Nam Sudan đã thống nhất gia hạn thoả thuận ngừng bắn đến tháng 2/2020.

Các cuộc đàm phán hoà bình giữa chính phủ chuyển tiếp ở Sudan và các nhóm đối lập bắt đầu được tổ chức tại Nam Sudan từ tháng 10 vừa qua, nhằm chấm dứt xung đột giữa các nhóm phiến quân và lực lượng của chính phủ dưới thời cựu Tổng thống Omar al-Bashir ở các bang Darfur, Blue Nile và Nam Kordofan. Vòng đàm phán mới được tiến hành từ ngày 11/12 vừa qua.

Trước đây, Liên minh châu Phi đã làm trung gian hòa giải nhiều vòng đàm phán giữa các bên tại Sudan nhưng đều thất bại.

Tuy nhiên, nhiều tín hiệu lạc quan đã xuất hiện kể từ khi chính phủ chuyển tiếp của Thủ tướng Abdalla Hamdok chính thức hoạt động, trong đó một trong những ưu tiên hàng đầu là thiết lập lại hoà bình tại những khu vực trên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục