Tám tỉnh, thành ven biển tiếp tục được hỗ trợ hiện đại hóa ngành lâm nghiệp

Dự án FMCR do WB tài trợ sẽ tiếp tục chăm sóc 4.040ha đã trồng và phục hồi trong giai đoạn 1 để đảm bảo cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt, tăng khả năng chống chịu cho vùng ven biển tại 8 tỉnh.

Rừng trồng trên cát ở các xã ven biển huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)
Rừng trồng trên cát ở các xã ven biển huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)

Trên 4.000ha rừng ven biển tiếp tục được chăm sóc, phục hồi để đảm bảo cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt, có khả năng chống chịu là một trong những mục tiêu quan trọng của dự án Hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển (FMCR) do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ sau khi được điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Dự án sẽ được thực hiện đến năm 2026.

Ông Phạm Hồng Vích, Phó Trưởng ban Ban quản lý các dự án lâm nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho biết Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển (FMCR). Theo đó, dự án sẽ tiếp tục thực hiện chăm sóc 4.040ha đã trồng và phục hồi trong giai đoạn 1 để đảm bảo cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt, tăng khả năng chống chịu cho vùng ven biển tại 8 tỉnh dự án là: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế.

Dự án cũng đang rà soát đưa vào bảo vệ 37.956ha rừng phòng hộ hiện có để chi trả tiền khoán bảo vệ cho những diện tích chưa được chi trả. Sau năm 2026, toàn bộ diện tích rừng phòng hộ được đầu tư trong vùng dự án sẽ được bàn giao lại cho địa phương để tiếp tục duy trì quản lý bảo vệ bền vững.

Bên cạnh đó, dự án triển khai và hoàn thành khoảng 100 gói đầu tư sinh kế tại 5 tỉnh và tiếp tục duy trì thành quả của 50 gói đầu tư sinh kế đã hoàn thành trong giai đoạn 1. Điều này nhằm mục tiêu phát triển sinh kế cho cộng đồng địa phương và thiết lập, duy trì các liên kết sản xuất hiệu quả và bền vững kết nối giữa các cộng đồng, tổ chức địa phương tham gia quản lý bảo vệ rừng với doanh nghiệp và thị trường.

Các xã, huyện và các cộng đồng thuộc dự án sẽ thực hiện việc duy tu, bảo dưỡng và vận hành đối với 22 gói đầu tư công nghệ sản xuất và 85 gói đầu tư cơ sở hạ tầng. Các gói đầu tư này được sử dụng đúng mục tiêu nhằm duy trì, phục vụ phát triển sản xuất bền vững, tăng thu nhập cho cộng đồng địa phương đồng thời góp phần hỗ trợ bảo vệ, phát triển tài nguyên rừng ven biển hiện có.

Theo ông Phạm Hồng Vích, các gói sinh kế, công nghệ, cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất sẽ được bàn giao cho các cộng đồng, chính quyền địa phương các xã, huyện tham gia dự án để tiếp tục nhân rộng, duy trì, sử dụng lâu dài. Các đối tượng hưởng lợi sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động phát triển sản xuất bằng nguồn vốn huy động khác dựa trên kết quả từ những hỗ trợ ban đầu của dự án trong việc đầu tư các gói sinh kế, công nghệ để thiết lập những cơ chế liên kết giữa các cộng đồng, tổ chức địa phương với các doanh nghiệp.

trong rung.JPG
Bảng cấm vào phá rừng, săn bắn động vật hoang dã, đốt lửa trong rừng được gắn tại các khu rừng. (Ảnh: TTXVN phát)

Đây sẽ là cơ sở để hình thành nên chuỗi giá trị, liên kết sản xuất hiệu quả và bền vững giữa cộng đồng dân cư địa phương với doanh nghiệp và thị trường. Bên cạnh đó, hơn 40.000ha rừng trồng, phục hồi và quản lý bảo vệ được dự án tác động sẽ bàn giao cho các chủ rừng để quản lý , bảo vệ lâu dài, để thụ hưởng các nguồn lợi kinh tế trực tiếp và các lợi ích từ các giá trị dịch vụ của rừng dựa trên các quy chế quản lý rừng và các cơ chế liên kết đã được thiết lập.

Với những kết quả cụ thể dự án sẽ đạt được, ông Phạm Hồng Vích đánh giá dự án sẽ đóng góp trực tiếp vào các mục tiêu của Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025. Ở góc độ đóng góp về môi trường, dự án sẽ góp phần đáng kể trong nâng cao tính chống chịu cho các khu vực dễ bị tổn thương khoảng 900km đường bờ biển tại 8 tỉnh vùng ven biển như giảm suy thoái, xói mòn cùng những ảnh hưởng tiêu cực, rủi ro từ thiên tai thông qua việc cải thiện rừng phòng hộ ven biển và xây dựng cải tạo các công trình bảo vệ rừng ven biển.

Các tác động tích cực cũng bao gồm tăng tích lũy và hấp thu carbon từ các hoạt động trồng và bảo vệ rừng của dự án; đóng góp vào tiềm năng bán tín chỉ carbon rừng của quốc gia. Khả năng tích lũy carbon hàng năm của rừng tương ứng với lượng tín chỉ CO2 sẽ tăng theo thời gian, đặc biệt khả năng tích trữ carbon của rừng ngập mặn trong vùng dự án có thể nhiều hơn so với rừng trên cạn từ 5-10 lần tùy theo khu vực. Điều này góp phần đáng kể vào cam kết quốc gia về giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Ngoài ra, các dịch vụ môi trường rừng cũng được tận dụng thông qua các hoạt động phát triển sinh kế như nuôi trồng thủy sản hay du lịch sinh thái trong rừng ngập mặn.

Trong tương lai những diện tích này có thể được chi trả dịch vụ môi trường rừng, giúp tăng thu nhập cho các chủ thể quản lý bảo vệ. Giai đoạn 1, dự án Hiện đại hoá ngành lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển đã hoàn thành trồng mới và phục hồi cho 4.040ha rừng ven biển.

Hiện diện tích này đang sinh trưởng và phát triển tốt, có tỷ lệ sống đạt yêu cầu theo quy định. Cùng với đó, dự án đã hoàn thành đầu tư 50 gói sinh kế, 22 gói đầu tư công nghệ sản xuất và 85 gói đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh và công tác quản lý bảo vệ rừng. Qua đó có trên 6.500 hộ gia đình được hưởng lợi trực tiếp và 12.000 hộ gia đình được hưởng lợi gián tiếp từ các hoạt động đầu tư của dự án, trong đó tỷ lệ phụ nữ tham gia và hưởng lợi chiếm khoảng 40%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục