Trong thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ số trong ngành lâm nghiệp đã và đang giúp lực lượng kiểm lâm dễ dàng phát hiện những biến động của rừng và đất lâm nghiệp, nhất là các vụ phá rừng, cháy rừng ở mọi vị trí, thời điểm… với tính chính xác cao nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ, phát triển rừng bền vững.
Đây là thông tin được đưa ra tại Tọa đàm trực tuyến “Chuyển đổi số trong lĩnh vực lâm nghiệp, cơ hội và thách thức” do Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) và Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt tổ chức hôm nay 17/11.
Hiệu quả từ chuyển đổi số
Tiến sỹ Nguyễn Đức Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Công nghiệp rừng, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam cho biết Cục Kiểm lâm triển khai đã ứng dụng dự báo nguy cơ cháy rừng, ứng dụng trong phân cấp nguy cơ cháy rừng cảnh báo tự động sẽ giảm thiểu thiệt hại khi cháy rừng xảy ra. Ứng dụng hệ thống thông tin địa lý và viễn thám trong quản lý rừng tài nguyên bền vững đã được triển khai từ 1990 trở lại đây. Bên cạnh đó nhiều hoạt động như xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên rừng, thực vật, lâm sản ngoài gỗ.
“Ở góc độ viện nghiên cứu, chúng tôi cũng đã có rất nhiều hoạt động phục vụ dữ liệu chuyển đổi số. Cụ thể chúng tôi đã áp dụng công nghệ số trong việc truy xuất nguồn gốc gỗ, quá trình khai thác, vận chuyển gỗ đến nhà máy. Chúng tôi cũng đã tiếp nhận công nghệ giám định gỗ DART từ Cục Lâm nghiệp Mỹ để giúp rút ngắn thời gian giám định gỗ và được xem là một bước đi chuyển đổi số trong ngành lâm nghiệp Việt Nam,” ông Thành chia sẻ.
Theo ông Thành, việc phối hợp Cục lâm nghiệp Mỹ đã giúp rất nhiều cho công tác giám định gỗ và thực vật để giúp xác định xem việc sử dụng gỗ của Việt Nam có đáp ứng các công ước quốc tế hay không. Trước đây, việc giám định mẫu gỗ mất khoảng 2-3 ngày, tuy nhiên nhờ chuyển đổi số và công nghệ hỗ trợ việc giám định đã giảm xuống chỉ 10-15 phút/mẫu gỗ, điều này có giá trị lớn trong quản lý Nhà nước và phục vụ doanh nghiệp xuất khẩu.
Thiết bị sử dụng trí tuệ nhân tạo ngăn chặn nạn chặt phá rừng
Những quy định mới của EU, đặc biệt là Đạo luật mới Liên minh châu Âu về chống phá rừng đã được ban hành với 6 nhóm ngành, hàng, trong đó Việt Nam có gỗ, càphê, điều, cao su, đậu nành… Theo đó, những sản phẩm nhập khẩu vào thị trường Châu Âu phải đảm bảo không phá rừng và có truy xuất nguồn gốc từ năm 2020. Do đó, Việt Nam sẽ cần phải có các dữ liệu nền tảng phân dịnh diện tích rừng để so sánh, đối chiếu quá trình chuyển đổi sản xuất và thương mại.
“Để thích ứng với đạo luật này rõ ràng đòi hỏi phải có nỗ lực rất lớn, tôi nghĩ đối với ngành lâm nghiệp phải quan tâm tới cơ sở dữ liệu để xác định chỉ số địa lý. Chúng ta phải minh chứng được quá trình trồng các loại cây xuất khẩu không liên quan đến hoạt động phát rừng hay lấy đất lâm nghiệp,” ông Thành nói.
Ứng dụng chuyển đổi số vào trong quản trị rừng, ngoài việc cung cấp thông tin chi tiết và chính xác vị trí của từng khoảnh rừng lô đất sẽ góp phần quản trị rừng tốt hơn và minh bạch hoá trong quá trình sản xuất lâm nghiệp nói chung.
Ông Phạm Hồng Lượng, Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững cho biết: "Cục Lâm nghiệp đã ban hành Quyết định 34/QĐ-LN-CĐS về Kế hoạch chuyển đổi số năm 2023. Theo đó, kế hoạch tập trung vào các vấn đề trọng tâm như: Duy trì, cập nhật, nâng cấp hệ thống thống tin của ngành lâm nghiệp; đẩy mạnh việc duy trì, cập nhật, tổng hợp dữ liệu thông tin trên các lĩnh vực quản lý rừng, thương mại và chế biến lâm sản; tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin chuyển đổi số trong ngành….
“Với các kế hoạch như vậy, chúng tôi xác định các lộ trình triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành lâm nghiệp để đáp ứng mục tiêu chung của quốc gia về chuyển đổi số,” ông Lượng cho hay.
Cần xây dựng hệ thống quản lý quốc gia
Cho rằng thách thức hiện nay của ngành lâm nghiệp là hạ tầng công nghệ thông tin, Tiến sỹ Lê Văn Hương, Giám đốc Vườn Quốc gia Bidoup Núi Bà, Lâm Đồng đề xuất Cục Lâm nghiệp nên phát triển cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin dùng chung cho quốc gia, còn nếu để cho các đơn vị ở cơ sở xây dựng là tốn kém.
“Bên cạnh đó, chúng ta phải tập trung quản lý dữ liệu một cách thông minh, đưa trí tuệ nhân tạo để quản lý rừng cập nhật liên tục, đưa ‘hơi thở’của rừng đến với cộng đồng, từ đó tạo ra cộng đồng rộng lớn là những người yêu thiên nhiên,” ông Hương nói.
Đồng tình với ý kiến về chuyển đổi số ngành lâm nghiệp cơ bản chưa có hệ thống, chưa thống nhất, ông Thành nhận định các đơn vị đang xây dựng cơ sở dữ liệu số nhưng chưa có nhất quán chung trong toàn ngành.
“Tại trường Đại học Lâm nghiệp đã xây dựng phần mềm, dữ liệu giám định gỗ trên điện thoại thông minh và tại một viện Lâm nghiệp cũng xây dựng một phần mềm về lĩnh vực này nhưng cơ sở dữ liệu của hai đơn vị này không thể dùng chung cho toàn ngành được. Trong thời gian tới, chúng ta phải xây dựng một phần mềm chung nhất, đồng nhất để dùng cho được cho toàn ngành mới mang lại hiệu quả tốt nhất.” ông Thành đề xuất.
Xác định chuyển đổi số là một xu hướng tất yếu, ông Phạm Hồng Lượng cũng chỉ ra 3 khía cạnh cần chú ý: “Thứ nhất là cơ quan quản lý áp dụng chuyển đổi số giúp cho công việc quản trị rừng tốt hơn, minh bạch hóa toàn quá trình, trong quản lý Nhà nước về lâm nghiệp về bảo vệ, thương mại, chế biến lâm sản... hay tham gia các quy định, đạo luật mới của EU...”
“Thứ hai là về phía người dùng người dân, doanh nghiệp cần tương tác trải nghiệm dễ hơn, tiếp cận được nhiều thông tin và mở thêm các tiện ích cho người sử dụng hiệu quả hơn. Thứ ba là khi nhìn nhận khía cạnh kinh tế thì chuyển đổi số giúp chúng ta cắt giảm nhiều chi phí, thời gian...” ông Lượng nói.
Ngành lâm nghiệp đang từng bước triển khai đồng bộ các giải pháp, từng bước số hóa các hoạt động giám sát, quản lý, bảo vệ rừng. Rõ ràng, chuyển đổi số không chỉ là nhiệm vụ cấp bách để thực hiện hiệu quả quản lý, bảo vệ, phát triển rừng bền vững mà còn liên quan đến việc phát triển bền vững một số ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam./.