Tăng cường thanh tra, giám sát về y tế dự phòng ở Phú Thọ, Quảng Bình

Thời gian qua, đại diện Bộ Y tế đã có các cuộc thanh tra về công tác y tế dự phòng, an toàn thực phẩm, giám sát bệnh truyền nhiễm và kiểm dịch y tế tại hai tỉnh Phú Thọ và Quảng Bình.
Tăng cường thanh tra, giám sát về y tế dự phòng ở Phú Thọ, Quảng Bình ảnh 1Thanh tra Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế tỉnh Phú Thọ tăng cường công tác thanh tra, giám sát về y tế dự phòng và an toàn thưc phẩm. (Nguồn: Thanh tra)

Các đơn vị chức năng của Bộ Y tế vừa ban hành các quyết định thanh tra về công tác y tế dự phòng, an toàn thực phẩm, giám sát bệnh truyền nhiễm và kiểm dịch y tế tại hatỉnh Phú Thọ và Quảng Bình.

Phối hợp với các cơ quan về quản lý y tế dự phòng, an toàn thực phẩm

Từ 20/3 đến 28/4 vừa qua, Thanh tra Bộ Y tế đã tiến hành thanh, kiểm tra công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực y tế dự phòng, an toàn thực phẩm tại Sở Y tế tỉnh Phú Thọ và các đơn vị liên quan gồm Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Trung tâm Kiểm nghiệm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Bệnh viện Tâm thần, Bệnh viện Đa Khoa Hùng Vương, Công ty Cổ phần cấp nước, Công ty Cổ phần Dược liệu Việt Nam, Công ty Cổ phần Dược phẩm KINGKAO.

Theo kết luận, Thanh tra Bộ Y tế đã chỉ ra một số khó khăn, tồn tại: tại thời điểm thanh tra công tác tiêm chủng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, năm 2022 có 3/12 chỉ tiêu không đạt kế hoạch của tỉnh do không có vaccine. Bên cạnh đó, do điều kiện kinh tế, khi hết vaccine trong tiêm chủng mở rộng, người dân nơi đây chưa tiếp cận được với vaccine dịch vụ để đảm bảo tiêm đủ mũi khi vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng bị thiếu.

Kết luận thanh tra chỉ rõ một số đoàn kiểm tra giám sát của đơn vị sau khi kết thúc không có văn bản chỉ đạo nội dung khắc phục sau kiểm tra, giám sát; có tình trạng thiếu vaccine kéo dài trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

Ngoài ra, một số huyện của tỉnh nguy cơ ngập lụt, bị cô lập, chia cắt trong mùa mưa lũ ảnh hưởng đến tổ công tác tổ chức tiêm chủng tại trạm y tế. Một số phiếu khám sàng lọc trước tiêm chưa ghi chép đầy đủ thông tin. Một số trang thiết bị chưa được hiệu chuẩn, hiệu chỉnh, kiểm định theo quy định. Công tác ngoại kiểm về nước phục vụ ăn uống và sinh hoạt chưa đạt so với kế hoạch.

Công tác kiểm tra an toàn thực phẩm tại tuyến huyện, xã tại tỉnh Phú Thọ chưa được thường xuyên, chủ yếu được thực hiện trong các đợt cao điểm về an toàn thực phẩm. Việc triển khai thực hiện công tác kiểm tra, hậu kiểm sau khi tự công bố của các tổ chức, cá nhân tự công bố sản phẩm chưa được triển khai, thực hiện đầy đủ các nhóm sản phẩm thực phẩm, mới chỉ triển khai, thực hiện việc này đối với các nhóm sản phẩm thuộc ngành y tế quản lý. Trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác kiểm nghiệm, đánh giá chất lượng thực phẩm lưu thông trên thị trường còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu công tác.

Tại thời điểm thanh tra, Quyết định số 1175/QĐ-ATTP ngày 4/12/2018 về việc chỉ định cơ sở kiểm nghiệm thực phẩm phục vụ quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm tại trung tâm kiểm nghiệm (có hiệu lực 3 năm) đã hết hiệu lực. Công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm đối với các sản phẩm thực phẩm sử dụng các phụ gia thực phẩm ngoài danh mục của Bộ Y tế khó kiểm soát, xử lý.

Để khắc phục những khó khăn, tồn tại, Thanh tra Bộ Y tế kiến nghị Sở Y tế tỉnh Phú Thọ duy trì, tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo các đơn vị chức năng, tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ, theo đúng các quy định của pháp luật; tăng cường công tác thanh, kiểm tra, giám sát; đẩy mạnh phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng liên quan trong công tác quản lý Nhà nước về y tế dự phòng, an toàn thực phẩm.

Tham mưu cho Ủy ban Nhan dân tỉnh ban hành quy chuẩn nước sạch sử dụng mục đích sinh hoạt; phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ bố trí bổ sung kinh phí phục vụ công tác ngoại kiểm về nước sử dụng cho mục đích sinh hoạt.

Tăng cường thanh, tra, kiểm dịch y tế thường xuyên, đột xuất tại cửa khẩu

Cục Y tế dự phòng đã ban hành kết luận thanh tra chuyên ngành công tác quản lý Nhà nước về thông tin báo cáo bệnh truyền nhiễm và kiểm dịch y tế tại Sở Y tế tỉnh Quảng Bình. Từ 29/12/2022 đến 18/1/2023. Đoàn đã thanh tra tại Sở Y tế tỉnh Quảng Bình; kiểm tra xác minh tại các đơn vị liên quan, gồm: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Bình; Bệnh viện đa khoa thành phố Đồng Hới; Phòng khám đa khoa Tân Phước An.

Kết luận thanh tra cho thấy, tại thời điểm thanh tra Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Quảng Bình đã chủ động đôn đốc các đơn vị y tế trên địa bàn thực hiện báo cáo tuần, tháng, cập nhật thông tin ổ dịch và các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định tại Thông tư 54.

Đối với kiểm dịch y tế, Sở Y tế Quảng Bình có cán bộ y tế được đạo tạo, tập huấn làm việc tại cửa khẩu, đã có các thông điệp truyền thông và đủ các trang thiết bị cần thiết tại cửa khẩu, sự phối hợp chặt chẽ giữa kiểm dịch y tế với các ban, ngành tại cửa khẩu (Ban Quản lý cửa khẩu, Bộ đội biên phòng, hải quan, kiểm dịch động, thực vật), chủ động chia sẻ thông tin, giao ban hàng quý, năm với hai tỉnh của Lào (tỉnh Borikhamxay và Khammuane), công khai, minh bạch giá dịch vụ kiểm dịch y tế tại cửa khẩu; thực hiện các hoạt động kiểm dịch y tế theo đúng quy trình được quy định tại Nghị định số 89/2018/NĐ-CP.

Tăng cường thanh tra, giám sát về y tế dự phòng ở Phú Thọ, Quảng Bình ảnh 2CDC tỉnh Quảng Bình. (Nguồn: Thanh Tra)

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, kết luận thanh tra cũng chỉ ra một số tồn tạn, hạn chế: tại thời điểm thanh tra, thông tin báo cáo bệnh truyền nhiễm, CDC tỉnh Quảng Bình chưa giám sát chặt chẽ, đôn đốc các đơn vị y tế trong việc báo cáo đầy đủ, cập nhật thông tin ổ dịch, báo cáo tuần, tháng trên phần mềm Thông tư 54.

Bên cạnh đó, cán bộ thực hiện nhiệm vụ báo cáo trên phần mềm Thông tư 54 tại các tuyến huyện, xã thường xuyên bị luân chuyển, điều động thực hiện các nhiệm vụ khác đã ảnh hưởng đến chất lượng nhập số liệu.

Trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm cần báo cáo từng ca bệnh mới chỉ được nhập vào phần mềm quản lý bệnh viện, chưa được báo cáo trên phần mềm báo cáo bệnh truyền nhiễm; chưa thực hiện đầy đủ cập nhật thông tin ca bệnh sau khi đã báo cáo trên phần mềm cũng như báo cáo thống kê đầy đủ ca bệnh trong báo cáo tháng.

CDC tỉnh Quảng Bình chưa báo cáo đầy đủ các ca bệnh, ca bệnh nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm cũng như chưa được chỉ đạo, hướng dẫn, tập huấn về việc báo cáo bệnh truyền nhiễm.

Cục Y tế dự phòng kiến nghị Sở Y tế tỉnh Quảng Bình tăng cường công tác thanh, kiểm tra, giám sát việc thông tin báo cáo bệnh truyền nhiễm và kiểm dịch y tế thường xuyên, đột xuất tại các cơ sở y tế, cửa khẩu trên địa bàn; tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan trên địa bàn thực hiện nghiêm công tác thông tin báo cáo bệnh truyền nhiễm, kiểm dịch y tế theo đúng quy định; thường xuyên cập nhật báo cáo các trường hợp bệnh truyền nhiễm, báo cáo ổ dịch bệnh truyền nhiễm theo diễn biến tình hình dịch bệnh theo quy định.

Đồng thời, Sở Y tế tỉnh Quảng Bình tăng cường phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý cửa khẩu và các cơ quan quản lý chuyên ngành tại cửa khẩu để tạo điều kiện bố trí các tài liệu truyền thông; phối hợp triển khai các hoạt động chuyên môn về kiểm dịch y tế tại cửa khẩu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục