Phú Thọ: Phát hiện 2 ổ dịch bệnh dại trên người ở huyện Tân Sơn

Tỉnh Phú Thọ đã phát hiện 50 ổ dịch bệnh dại trên đàn chó, mèo, nguyên nhân do tỷ lệ tiêm phòng dại vẫn còn thấp, chỉ đạt khoảng 20% tổng số đàn chó, mèo; ý thức trách nhiệm của người nuôi hạn chế.
Phú Thọ: Phát hiện 2 ổ dịch bệnh dại trên người ở huyện Tân Sơn ảnh 1Tiêm phòng dại cho đàn chó nuôi. (Nguồn: TTXVN)

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ từ đầu tháng 3 đến nay, trên địa bàn huyện đã phát hiện 2 ổ dịch bệnh dại tại xã Thu Cúc và xã Mỹ Thuận.

Cụ thể, đầu tháng 3/2023, tại hộ gia đình ông Bùi Văn Công khu Mu Vố, xã Mỹ Thuận, phát hiện trường hợp chó ốm cắn người. Nghi mắc bệnh dại, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Sơn đã phối hợp với Ủy ban Nhân dân xã Mỹ Thuận thực hiện điều tra, lấy mẫu bệnh phẩm gửi xét nghiệm, kết quả mẫu bệnh phẩm dương tính với bệnh dại.

Trước đó, tại khu Nà Nờm xã Thu Ngạc và khu Chiền 2, xã Thu Cúc huyện Tân Sơn cũng xuất hiện các trường hợp chó ốm và đã cắn ba cháu nhỏ, qua lấy mẫu xét nghiệm của chó đã cho kết quả 2 mẫu dương tính với bệnh dại.

Ông Nguyễn Tất Thành, Chi cục trưởng, Chi Cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Phú Thọ cho biết, hiện ổ dịch bệnh dại đã bắt đầu xuất hiện và bùng phát mạnh tại nhiều địa phương như huyện Tân Sơn, huyện Thanh Thủy, huyện Thanh Ba và thành phố Việt Trì.

Qua công tác lấy mẫu xét nghiệm, cơ quan Thú y của tỉnh Phú Thọ đã phát hiện 50 ổ dịch bệnh dại trên đàn chó, mèo tại các địa phương này.

[Phú Yên: Chó dại cắn khiến 1 người tử vong, 8 người phải điều trị]

Nguyên nhân là do tỷ lệ tiêm phòng dại vẫn còn thấp, ý thức trách nhiệm của người nuôi còn hạn chế. Hiện tỷ lệ tiêm phòng đến nay chỉ đạt khoảng 20% tổng số đàn chó, mèo.

Theo dự báo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Phú Thọ, thời tiết nắng nóng tới đây sẽ tạo môi trường thuận lợi để bệnh dại bùng phát, nhất là vào khoảng tháng 5 đến tháng 8 sẽ là đỉnh điểm bùng phát mạnh nhất.

Trước những diễn biến phức tạp, khó lường của các ổ dịch bệnh dại, ngành nông nghiệp khuyến cáo các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân.

Ngành nông nghiệp đã đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ hỗ trợ kinh phí mua đủ vaccine đảm bảo tiêm phòng cho 100% tổng đàn chó mèo. Bên cạnh đó, ngành y tế tỉnh cũng đã chuẩn bị đủ kháng huyết thanh điều trị cho 100% người bị phơi nhiễm với bệnh dại.

Theo ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ, để kịp thời phòng, chống, khống chế ổ dịch, ngăn ngừa nguy cơ lây lan bệnh dại trên địa bàn, tỉnh đã chỉ đạo ngành y tế xử lý 100% các trường hợp phát hiện phơi nhiễm đúng kỹ thuật; đảm bảo đủ vaccine, kháng huyết thanh điều trị cho 100% người bị phơi nhiễm với bệnh dại.

Tỉnh cũng yêu cầu các huyện, xã triển khai kịp các biện pháp phòng, chống bệnh dại tại các xã có dịch. Tổ chức tiêm phòng vaccine dại bổ sung tại các ổ dịch. Hàng năm, tỉnh sẽ triển khai tiêm phòng định kỳ 02 đợt/năm trên toàn địa bàn toàn tỉnh; chỉ đạo tiêm phòng bổ sung tại 13 điểm tư vấn, tiêm phòng vaccine dại.

Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh nông tỷ lệ chó, mèo được tiêm vaccine dại tại xã, phường, thị trấn đạt trên 75% tổng đàn; giám sát, điều tra, xử lý 100% ca bệnh dại phát hiện ở người và động vật; đảm bảo đến cuối năm 2025, 100 % số xã, phường, thị trấn lập được danh sách hộ nuôi chó; 100% người phát hiện phơi nhiễm được tư vấn, điều trị dự phòng; giảm 50% số ca tử vong so với giai đoạn 2016-2020.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ giám sát, lập báo cáo điều tra đối với 100% số trường hợp bệnh nhân tử vong do bệnh dại; triển khai lấy mẫu xét nghiệm trong trường hợp chó nghi mắc bệnh dại cắn người hoặc tại các ổ dịch bệnh dại động vật; hằng năm, tổng hợp dữ liệu, lập bản đồ dịch tễ bệnh dại trên người và động vật để xác định khu vực có nguy cơ cao mắc bệnh dại nhằm ưu tiên tập trung các nguồn lực trong công tác phòng chống bệnh dại.

Hàng năm tỉnh tổ chức 02 đợt tiêm phòng định kỳ cho đàn chó, mèo nuôi vào tháng 3-4 và tháng 9-10. Hỗ trợ 100% chi phí tiền vaccine dại tiêm phòng cho đàn chó, mèo tại các xã có có phát sinh ổ dịch bệnh dại trên động vật và các xã tiếp giáp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục