Tất cả doanh nghiệp trên địa bàn Long An được hoạt động trở lại

Người lao động khi vào làm việc phải được tiêm ít nhất một mũi vaccine phòng COVID-19 đủ từ 14 ngày, đồng thời có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 bằng phương pháp PCR trong vòng 72 giờ.
Công nhân sản xuất tại Công ty TNHH MTV SIGMA (Khu công nghiệp Đức Hòa III- Anh Hồng, huyện Đức Hòa, Long An. (Ảnh: Bùi Giang/TTXVN)
Công nhân sản xuất tại Công ty TNHH MTV SIGMA (Khu công nghiệp Đức Hòa III- Anh Hồng, huyện Đức Hòa, Long An. (Ảnh: Bùi Giang/TTXVN)

Ngày 4/10, Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An đã ban hành kế hoạch phục hồi sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn. Theo đó, tất cả các doanh nghiệp sẽ được phép hoạt động trở lại.

Các doanh nghiệp khi hoạt động trở lại được bố trí số lượng lao động theo nhu cầu sản xuất, kinh doanh và quyết định việc bố trí nơi lưu trú cho người lao động tập trung trong doanh nghiệp hoặc về nơi cư trú bên ngoài.

Người lao động khi vào làm việc phải được tiêm ít nhất một mũi vaccine phòng COVID-19 đủ từ 14 ngày và được đi lại tự do trong tỉnh; nếu di chuyển giữa Long An và các tỉnh, thành phố khác theo sự thống nhất giữa các địa phương phải đáp ứng các điều kiện về "thẻ xanh COVID-19."

Trường hợp chuyên gia, quản lý, người lao động đi về giữa các tỉnh, thành phố phải sử dụng xe ôtô, phương tiện vận chuyển chung và phải tiêm ít nhất một mũi vaccine đủ từ 14 ngày.

Người lao động trước khi trở lại doanh nghiệp làm việc phải có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 bằng phương pháp PCR trong vòng 72 giờ; việc xét nghiệm định kỳ tại doanh nghiệp thực hiện theo hướng dẫn số 8228/BYT-MT của Bộ Y tế.

Các doanh nghiệp phải bố trí nơi dự kiến cách ly F0, F1 để dự phòng khi có tình huống phát sinh ca nhiễm và có bộ phận y tế làm nhiệm vụ kiểm soát dịch COVID-19. Đồng thời, phải đảm bảo thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch.

Nếu phát sinh ca nhiễm do nguyên nhân khách quan, doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm về phòng, chống dịch tại doanh nghiệp, nếu do nguyên nhân chủ quan thì sẽ chịu thêm trách nhiệm pháp lý theo quy định của pháp luật.

Trường hợp nếu phát sinh ca nhiễm, doanh nghiệp phải báo ngay với cơ quan y tế và chính quyền địa phương; dừng hoạt động dây chuyền, phân xưởng có ca nhiễm, thực hiện các ly F0, truy vết F1, F2.

Cơ quan y tế địa phương chủ động phối hợp, hướng dẫn doanh nghiệp xử lý; dây chuyền, phân xưởng có ca nhiễm được hoạt động lại sau khi hoàn thành truy vết, cách ly F0, F1, F2 và khử khuẩn.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An Nguyễn Minh Lâm, Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương liên quan tổ chức kiểm tra, giám sát doanh nghiệp hoạt động; chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó với tình huống dịch bùng phát trở lại trong quá trình mở cửa sản xuất, kinh doanh; tổ chức hướng dẫn cho doanh nghiệp về nghiệp vụ y tế trong phòng, chống dịch, hướng dẫn hoạt động vận tải…; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh gắn với bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch.

Long An là một trong những địa phương có dịch bệnh diễn biến phức tạp nhất cả nước với gần 33.000 ca nhiễm. Sau hơn 2 tháng thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, kinh tế, xã hội của tỉnh chịu ảnh hưởng nghiêm trọng.

Toàn tỉnh có gần 13.500 doanh nghiệp thì chỉ có khoảng 1.500 doanh nghiệp hoạt động trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội; 9 tháng đầu năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 3,38%, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ giảm 4,19% so với cùng kỳ năm trước.

Công nhân phấn khởi được đi làm trở lại

Chị Lý Ngọc Nữ, quê ở tỉnh Vĩnh Long, là công nhân Công ty In Đỉnh Cao (vốn đầu tư Đài Loan-Trung Quốc) ở huyện Bến Lức, đã có 9 năm gắn bó với Công ty. Chị cho biết, trở lại làm việc cách đây ít ngày khi Công ty hoạt động sau thời gian nghỉ dịch, chị rất mừng vì từ nay có việc làm, có thu nhập lo cho con cái ăn học và trả tiền thuê nhà trọ.

Tất cả doanh nghiệp trên địa bàn Long An được hoạt động trở lại ảnh 1Các công nhân đã được tiêm ít nhất vaccine 1 mũi phòng COVID-19. (Ảnh: Bùi Giang/TTXVN)

Lúc đầu dịch bùng phát, chị Nữ cũng có ý định về quê, nhưng sau đó, chị nghĩ đã có thời gian làm việc lâu năm, nếu về sau này khó trở lại làm việc nên chị quyết định không về.

Không riêng chị Nữ, đa số người lao động tại đây đều vui mừng vì đã được làm việc sau thời gian tạm nghỉ để phòng dịch. Chị Lê Kim Huệ, quê ở Cần Thơ, cũng là Công nhân Công ty In Đỉnh Cao cho biết, chị nghỉ 2-3 tháng nay nhưng không thể bỏ về quê.

Trong thời gian nghỉ dịch, Công ty đều hỗ trợ chi phí sinh hoạt nên khi Công ty hoạt động trở lại, chị Huệ rất phấn khởi.

Anh Nguyễn Lam Giang, Quản lý chất lượng, Công ty In Đỉnh Cao cho biết, trước khi dịch bùng phát, Công ty có gần 200 người lao động, trong đó khoảng một nửa ở công nhân ở thành phố Hồ Chí Minh, còn lại đang tạm trú tại huyện Bến Lức.

Hiện tại, tất cả công nhân được tiêm vaccine 1 mũi phòng COVID-19 và trong số này có khoảng 50% đã tiêm đủ 2 mũi.

Trước đây, huyện Bến Lức có khoảng 180 doanh nghiệp đăng ký hoạt động “3 tại chỗ” với số lượng công nhân trên 10.000 người.

Thời điểm này, Ban Quản lý Khu kinh tế, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương khẩn trương phối hợp với các địa phương thẩm định để doanh nghiệp sớm khôi phục sản xuất. Trong đó, Bến Lức có hơn 240 doanh nghiệp được thẩm định, số công nhân đăng ký làm việc trở lại, kể cả “3 tại chỗ” là trên 25.000 người.

Theo ông Trần Văn Tươi, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Bến Lức, hầu hết doanh nghiệp, công nhân trên địa bàn huyện rất háo hức trở lại làm việc bởi số lượng công nhân được tiêm 1-2 mũi vaccine tương đối cao và không có tư tưởng muốn quay về.

Theo chỉ đạo của tỉnh, huyện và các Sở ngành, tăng cường kiểm tra, thẩm định các doanh nghiệp để các doanh nghiệp sớm khôi phục sản xuất.

Ông Trần Văn Tươi cho biết, hy vọng với tình hình dịch bệnh đang được đẩy lùi, các huyện trọng điểm, trong đó có Bến Lức sẽ sớm khôi phục sản xuất để ổn định, phát triển kinh tế từ nay đến cuối năm.

Trong đợt bùng phát dịch bệnh COVID-19 lần thứ 4, tỉnh Long An có 183 doanh nghiệp có công nhân mắc COVID-19 (chiếm 11,8% tổng số doanh nghiệp trong khu công nghiệp) với 3.217 ca F0 (chiếm 1,61% tổng lao động).

Hiện các doanh nghiệp đã có 2.710 ca F0 đã khỏi bệnh (chiếm 84% số ca F0) và 502 F0 đang điều trị (chiếm 16%) với tiến triển tốt.

Long An đã tổ chức cho 48.790 lao động đang hoạt động “3 tại chỗ” được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine (trong đó, có 43.678 lao động đã được tiêm mũi 2).

Không chỉ tiếp tục ưu tiên phủ mũi 2 cho công nhân lao động (thậm chí đối với người từ các địa phương khác đến làm việc nhưng chưa được tiêm vaccine), Long An còn chủ động thực hiện linh hoạt các biện pháp khi tình hình dịch COVID-19 có sự thay đổi nhằm bảo đảm hài hòa giữa khôi phục sản xuất và yêu cầu phòng chống dịch - mục tiêu quan trọng song hành cùng chiến lược thu hút đầu tư của tỉnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục