Tết vui trên quê hương cố Chủ tịch Tôn Đức Thắng

Tết Nhâm Thìn mang đến niềm vui lớn ở An Giang với rợp đỏ cờ hoa trên các nẻo đường, nhà nhà có Tết, đời sống nhân dân khấm khá hơn.
Tết Nhâm Thìn mang đến niềm vui lớn ở tỉnh An Giang, đặc biệt là thành phố Long Xuyên, quê hương của cố Chủ tịch Tôn Đức Thắng với rợp đỏ cờ hoa trên tất cả các nẻo đường, nhà nhà đều có Tết, phấn khởi tự hào với thành tích phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, đời sống nhân dân khấm khá hơn, bình quân thu nhập GDP đầu người đạt 56 triệu đồng/năm, cao gấp đôi bình quân cả tỉnh và cao nhất từ trước đến nay, tỷ lệ hộ nghèo hiện chỉ còn 0,25%.

Tết năm nay lãnh đạo thành phố đã tranh thủ các nguồn ngân sách và đóng góp của cộng đồng xã hội tặng quà Tết cho 100% hộ nghèo và cận nghèo từ 300.000 đồng - 700.000 đồng/hộ, đảm bảo mọi nhà đều có Tết.

Vì vậy khu vực làng ghe nổi Mỹ Phước trên sông Hậu thuộc khóm Đông Thịnh 1, phường Mỹ Phước, có 378 hộ, với trên 2.000 nhân khẩu đang sinh sống cũng vui Tết phấn khởi hơn, cùng với cuộc sống đổi mới, nhộn nhịp không thua kém đất liền. Đặc biệt, năm nay, điện đã thắp sáng làng ghe nên không khí càng nhộn nhịp hơn.

Chị Võ Thị Tha người đã về đây sinh sống hơn 7 năm cho biết, năm nay cuộc sống gia đình chị khấm khá hơn năm trước và được chính quyền quan tâm hỗ trợ nên không chỉ có gia đình chị mà nhà nào cũng mua sắm đủ đầy hàng hóa thiết yếu cho 3 ngày Tết cổ truyền dân tộc, trẻ em có quần áo mới.

Ở cù lao Ông Hổ, nơi có khu lưu niệm cố Chủ tịch Tôn Đức Thắng cũng rợp đỏ cờ hoa, mọi nhà đều chuẩn bị Tết tươm tất với hoa mai vàng, mâm ngũ quả, bánh tét truyền thống... đã chứng tỏ sự nỗ lực của Đảng bộ và nhân dân, con cháu Bác Tôn luôn đồng thuận, đoàn kết vượt qua khó khăn, phát triển kinh tế, xã hội.

Những ngày này, tại khu lưu niệm bác Tôn còn có nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, triển lãm thành tựu kinh tế xã hội của địa phương, Hội báo xuân … nhộn nhịp từ ngày 28 tháng chạp đến mùng 6 Tết, tạo nên không khí ngày Tết cổ truyền dân tộc lành mạnh, đầy ý nghĩa. Cùng với hàng ngàn du khách từ khắp nơi trong và ngoài tỉnh, khách Quốc tế cũng về đây thắp hương tưởng niệm, ghi nhớ công ơn của Bác Tôn.

Nằm ở vị trí trung tâm của tỉnh An Giang, thành phố Long Xuyên có dòng sông Hậu ngọt ngào đầy tiềm năng lợi thế do thiên nhiên ban tặng với diện tích tự nhiên 115,31km2, giáp huyện Châu Thành, Chợ Mới, Thoại Sơn (An Giang) huyện Thốt Nốt (thành phố Cần Thơ) và huyện Lấp Vò (tỉnh Đồng Tháp).

Long Xuyên có gần 278.000 dân sinh sống tập trung ở 13 phường, xã. Nhờ được thiên nhiên ưu đãi nên có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển trên hầu hết các lãnh vực và đặc biệt là thương mại - dịch vụ - du lịch …

Năm 1999, Long Xuyên chính thức được Chính Phủ công nhận là đô thị loại III trực thuộc tỉnh, tiếp tục được nâng lên thành phố loại II vào năm 2009. Từ đó Đảng bộ và nhân dân Long Xuyên càng quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng phát triển đi lên bền vững bằng nhiều giải pháp như chủ động sáng tạo, đổi mới, ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng và an sinh xã hội.

Khẳng định là trung tâm kinh tế - chính trị - văn hóa - xã hội - An ninh Quốc phòng của tỉnh An Giang và của khu vực đồng bằng sông Cửu Long, là niềm tự hào quê hương của cố Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Đảng bộ thành phố Long Xuyên đã xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, chủ động nắm bắt tiềm năng lợi thế sẵn có để tạo bước phát triển bền vững.

Năm 2012, thành phố tập trung phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội. Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 14%; thu nhập bình quân đầu người đạt 58 triệu đồng/năm; tiếp tục xây dựng tiêu chí đô thị loại I; Đẩy nhanh tiến độ thực hiện qui hoạch 10 phân khu với qui mô 3.022ha tại phường Mỹ Bình, Mỹ Xuyên, Mỹ Long; điểm du lịch sinh thái Mỹ Hòa Hưng; làm kè chống sạt lở bờ sông Long Xuyên, sông Hậu và xây dựng cụm dân cư Tây Khánh 3 để giải quyết nguyện vọng của thành phố và nhân dân làng ghe xuồng Mỹ Phước lên bờ, an cư để lạc nghiệp./.

Thu Trang (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục