Thái Lan: Các phe đối đầu đã bị loại khỏi cuộc chơi?

Quân đội Thái Lan quyết định tổ chức đảo chính sau khi không thuyết phục được các bên đi tới một thỏa hiệp nhằm chấm dứt tình trạng bế tắc chính trị hiện nay.
Thái Lan: Các phe đối đầu đã bị loại khỏi cuộc chơi? ảnh 1Tư lệnh Lục quân Thái Lan, Tướng Prayuth Chan-ocha (giữa). (Ảnh: THX/TTXVN)

Quân đội Thái Lan đã quyết định tổ chức cuộc đảo chính sau khi không thuyết phục được các bên đi tới một thỏa hiệp nhằm chấm dứt tình trạng bế tắc chính trị hiện nay.

Tuyên bố đảo chính đã được Tư lệnh Lục quân Prayuth Chan-ocha đưa ra trên truyền hình; trong đó ông cùng ngồi với Tư lệnh Không quân, Tư lệnh Hải quân và Tư lệnh cảnh sát quốc gia.

Ông Prayuth nói rằng quân đội và cảnh sát nhất trí thành lập Ủy ban duy trì hòa bình để giành quyền điều hành đất nước.

Ông này khẳng định, việc giành quyền lực này là cần thiết để bảo vệ người dân trong hoàn cảnh hiện nay. Ngoài ra, việc quân đội giành quyền kiểm soát của chính phủ cũng là để khôi phục lại trật tự và thúc đẩy cải cách chính trị.

Trước đó, thủ lĩnh của các bên xung đột chính trị đã bị áp giải sang một nơi khác ngay tại cuộc họp vòng hai nhằm tìm giải pháp cho những bế tắc chính trị.

Quân đội Thái Lan từng áp dụng một biện pháp mềm dẻo hơn là thiết quân luật nhằm đưa các bên tham gia xung đột chính trị trở lại bàn đàm phán. Tuy nhiên, những nỗ lực này của họ đã không thành công.

Lập trường chính trị của hai phe đối đầu nhau tại Thái Lan cho tới nay đã đi quá xa để có thể đạt được một sự hiểu biết chung. Phong trào biểu tình chống chính phủ cùng đảng Dân chủ đối lập luôn nhất quán việc thực hiện cải cách trước khi tổ chức bầu cử, trong khi phe áo đỏ và đảng Vì Thái Lan lại coi bầu cử mới là giải pháp giải quyết bất đồng.

Đại diện của Chính phủ và đảng Vì Thái Lan khẳng định họ nhất trí hợp tác với quân đội trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay, nhưng không đồng tình với việc bổ nhiệm một thủ tướng tạm thời bởi điều này là trái với Hiến pháp.

Theo truyền thông Thái Lan, Tướng Prayuth đã quyết định chiếm quyền sau khi người đứng đầu nhóm đàm phán của chính phủ kiên quyết từ chối đề nghị từ chức của phía quân đội nhằm mở đường cho việc chỉ định một Thủ tướng mới như phe đối lập mong muốn.

Ngay sau tuyên bố đảo chính, quân đội đã xuất hiện ở các khu biểu tình của người áo đỏ và cả phe chống chính phủ, buộc tất cả các bên phải giải tán. Tại khu biểu tình chống chính phủ, mọi người bắt đầu thu dọn đồ đặc và ăn mừng chiến thắng.

Người phát ngôn quân đội Thái Lan cũng nói rằng bản hiến pháp 2007 sẽ tạm thời bị hủy bỏ. Quân đội sẽ áp dụng lệnh giới nghiêm trên toàn quốc từ 22 giờ hôm trước tới 5 giờ sáng hôm sau. Các quan chức chính phủ được yêu cầu lên trình diện quân đội.

Tuy nhiên, vẫn chưa rõ Thủ tướng tạm quyền Niwatthamrong Bunsongpaisan đang ở đâu kể từ sau tuyên bố đảo chính. Ông này đã từ chối tham gia cuộc họp vòng hai nhằm thảo luận các giải pháp tháo gỡ bế tắc do quân đội tổ chức.

Thái Lan đã trải qua 19 cuộc đảo chính kể từ khi chuyển sang chế độ quân chủ lập hiến cho tới nay. Chưa thể khẳng định ngay được cuộc đảo chính lần này sẽ đưa Thái Lan tới đâu, nhưng cuộc đảo chính gần đây nhất vào năm 2006 đã càng làm cho xã hội nước này chia rẽ sâu sắc. Năm 2010, quân đội đã từng thực hiện một cuộc trấn áp đẫm máu đối với người áo đỏ khiến gần 100 người chết.

Các thủ lĩnh biểu tình áo đỏ từng tuyên bố, họ sẽ không chấp nhận bất kỳ một cuộc đảo chính quân sự nào hay bất kỳ một hành động phi dân chủ nào do phe đối lập áp đặt./.

Cuộc đảo chính quân sự lần này có một điều khác biệt là không hề thấy xe tăng hay trang thiết bị quân sự hạng nặng nào được triển khai trên các đường phố ở thủ đô hoặc khu vực xung quanh tòa nhà chính phủ, mục tiêu mà quân đội tiến hành lật đổ.

Những người biểu tình ở xung quanh khu vực tòa nhà chính phủ đã thu dọn đồ đạc để trở về nhà. Tuy nhiên, chưa rõ liệu các thủ lĩnh biểu tình có chịu chấp nhận một thực tế là họ đã bị loại khỏi cuộc chơi hay không.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục