Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, ngày 9/8, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Thái Lan Mananya Thaiseth đã chỉ đạo Vụ Nông nghiệp đình chỉ việc mở rộng cấp phép cho các các hóa chất nông trại nguy hiểm và tuyên bố sẽ ban hành lệnh cấm ba loại hóa chất này vào cuối năm nay.
Bà Mananya cho biết: “Tôi quyết tâm cấm ba hóa chất nông nghiệp nguy hiểm gồm paraquat, glyphosate và chloropyrifos. Chúng tôi có thể tìm các hóa chất thay thế cho những hóa chất sẽ bị cấm. Những người vận động sử dụng những hóa chất trên có lẽ cho rằng chúng tôi có thể ngăn chặn hiệu ứng độc hại của chúng nhưng thực ra chúng tôi không thể làm được. Các hóa chất nông nghiệp độc hại trong thức ăn của chúng ta có thể tan vào nước, thấm vào đất và môi trường.” Bà Thứ trưởng cho biết cũng sẽ kiểm tra các kho hóa chất độc hại và vào ngày 20/8 tới sẽ chủ trì một cuộc họp để dọn đường cho lệnh cấm ba hóa chất trên.
Người tiêu dùng cũng như Bộ Y tế công cộng Thái Lan đã thực hiện chiến dịch vận động cấm ba loại hóa chất trên vì cho rằng những chất này gây hại đến sức khỏe con người. Năm 2017, Bộ Y tế công cộng đã hối thúc Ủy ban Quốc gia giám sát nhập khẩu và sử dụng các hóa chất nguy hiểm đã cấm các chất diệt cỏ từ tháng 1/2019, sau khi có báo cáo khoa học cho rằng các hóa chất đó có thể gây hại cho sức khỏe. Tuy nhiên, Ủy ban trên vẫn cho phép việc sử dụng các hóa chất này một cách hạn chế và có kiểm soát do có sự vận động hành lang mạnh mẽ từ các nhà sản xuất.
[Mỹ và 15 nước phản đối quy định của EU về thuốc trừ sâu]
Vụ Nông nghiệp Thái Lan đã lên lộ trình hai năm để nghiên cứu sản phẩm thay thế cho ba loại hóa chất trên. Giới quan sát cho rằng một lệnh cấm chỉ được xem xét nếu các quy định hạn chế sử dụng các hóa chất trên không có hiệu quả. Nghiên cứu mới nhất do Văn phòng An ninh Y tế quốc gia đưa ra vào đầu tháng này cho thấy khoảng 3.000 người tiếp xúc với các hóa chất nông nghiệp nguy hiểm mỗi năm trong vòng bốn năm qua, và cần ít nhất 20 triệu baht (khoảng 650.000 USD) để chi cho việc xử lý hóa chất mỗi năm.
Thông tin thu thập được từ các bệnh nhân sử dụng thẻ y tế phổ thông từ tháng 10/2018 đến 17/7/2019 cho thấy 3.067 bệnh nhân phải nhập viện do các bệnh lý gây ra bởi tiếp xúc với các hóa chất trên; 407 bệnh nhân trong số đó đã tử vong.
Quy định duy nhất hiện nay đối với các hóa chất trên yêu cầu tất cả các chủ thể kinh doanh phải có giấy phép mua bán, đồng thời người bán và người sử dụng cũng phải được huấn luyện. Các loại thuốc diệt cỏ paraquat, glyphosate và chlorpyrifos đang được người nông dân Thái Lan sử dụng rộng rãi. Trong đó, paraquat đã bị cấm ở 53 nước trên thế giới do những quan ngại về tác động sức khỏe. Hai chất còn lại chưa bị cấm nhưng cũng bị hạn chế sử dụng ở một số quốc gia./.