Than đá: Từ "vàng đen" đến danh sách năng lượng "bẩn"

Than đá: Từ "vàng đen" đến bị xếp vào nguồn năng lượng "bẩn"

Từ chỗ được ví là nguồn năng lượng thần kỳ hay "vàng đen" giúp châu Âu tiến hành cuộc cách mạng công nghiệp trong suốt hai thế kỷ, than đá hiện bị xếp vào nguồn năng lượng "bẩn."
Than đá: Từ "vàng đen" đến bị xếp vào nguồn năng lượng "bẩn" ảnh 1Người lao động Ấn Độ làm việc tại mỏ than ở ngoại ô Hyderabad ngày 5/9. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tại Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) diễn ra ở Paris (Pháp), than đá là nguồn năng lượng bị lên án mạnh mẽ nhất vì bị coi là một trong những “thủ phạm” khiến Trái Đất nóng lên.

Từ chỗ được ví là nguồn năng lượng thần kỳ hay "vàng đen" giúp châu Âu tiến hành cuộc cách mạng công nghiệp trong suốt hai thế kỷ, than đá hiện bị xếp vào nguồn năng lượng "bẩn," góp phần gây ra hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu.

Nhìn lại lịch sử có thể thấy không một châu lục nào lại có bước chuyển đổi các nguồn năng lượng ngoạn mục như châu Âu.

Thời kỳ cách mạng công nghiệp vào thế kỷ 18 - thời điểm nước Anh trở thành nước dẫn đầu với sự bùng nổ của ngành luyện gang thép và dệt may, trước khi các ngành điện lực và dầu mỏ xuất hiện tại Bắc Âu trong cuộc cách mạng lần thứ hai vào thế kỷ 19.

Than đá trở thành nguồn nhiên liệu được sử dụng rộng rãi trong hai cuộc cách mạng công nghiệp này tại châu Âu. Các khu công nghiệp lớn được phát triển tại khu vực mỏ than hoặc vùng lân cận. Điều đặc biệt là cả khu vực Bắc Âu như được nối liền với nhau bằng một đường ngầm dài và chứa đầy mỏ than, từ Scotland, Xứ Wales và phía Bắc nước Anh tới Bỉ, Bắc Pháp, vùng Ruhr thuộc Đức hay Thượng Silesia Ba Lan.

Than đá tạo điều kiện cho việc phát triển mạng lưới kênh rạch để vận chuyển, các nhà máy đốt than cốc để sản xuất thép, mạng lưới đường sắt và sau này là sản xuất điện. Ngoài ý nghĩa sản xuất, ngành mỏ còn mang tính biểu tượng xã hội cao hơn.

Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy những nước châu Âu phụ thuộc vào than đá để phục hồi và phát triển kinh tế phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, dẫn tới nguy cơ biến đổi khí hậu ngày càng cao.

Các chuyên gia môi trường chỉ trích những nước sản xuất than đá lớn như Ba Lan, Đức vẫn tiếp tục khai thác và đốt than trong các nhà máy nhiệt điện.

Những nước này càng bị chỉ trích khi mà các dự án thí điểm về thu gom khí thải CO2 - được ​Ủy ban châu Âu (EC) hỗ trợ, mang lại những kết quả đáng thất vọng.

Tiếng chuông cảnh báo ô nhiễm môi trường từ việc sử dụng các nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là than đá vang lên khắp châu Âu và thế giới.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã yêu cầu chấm dứt trợ cấp tài chính cho ngành khai thác than đá.

Dưới sức ép của dư luận và lời đe ​dọa áp “thuế carbon,” các ngân hàng, các nhà quản lý vốn, các hãng bảo hiểm và hãng công nghiệp đang từ bỏ dần lĩnh vực này.

Hiện "Lục địa già" chỉ sản xuất 5% sản lượng than của toàn thế giới với 7,8 tỷ tấn vào năm 2014 và vẫn còn 280 nhà máy nhiệt điện sử dụng than đá.

Nhiều mỏ khai thác than không mang lại lợi nhuận đã bị đóng cửa. Hai mỏ than cuối cùng của Anh dự kiến sẽ đóng cửa vào tháng 12 này.

Tuy nhiên, ước tính đến năm 2040, do nhu cầu tiêu thụ năng lượng tăng thêm 1/3, nhiên liệu có nguồn gốc hoá thạch như dầu mỏ, khí đốt, than sẽ còn chiếm tới 75% thị phần bất chấp thực tế các nguồn năng lượng tái tạo đang dần trở nên phổ biến.

Theo báo cáo về Triển vọng năng lượng thế giới 2015 do Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) vừa công bố, nguyên nhân chính của tình trạng trên là do nhu cầu của các nước không thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), đặc biệt là Ấn Độ, Trung Quốc, khu vực Trung Đông và Đông Nam Á vẫn không ngừng gia tăng.

Chỉ tính riêng Trung Quốc, tính tới năm 2030, quốc gia này sẽ vượt Mỹ để trở thành quốc gia tiêu thụ dầu mỏ lớn nhất thế giới và vượt qua thị trường châu Âu về tiêu thụ khí đốt. Vào năm 2040, nhu cầu năng lượng của Trung Quốc sẽ cao gần gấp hai lần so với Mỹ.

Trung Quốc vẫn phụ thuộc và được cho là sẽ tiếp tục trọng dụng than đá để bảo đảm nhu cầu năng lượng cho nền kinh tế do giá nhiên liệu này rất rẻ.

Theo tổ chức Hòa bình Xanh (Greenpeace), năm 2015, Trung Quốc đã thông qua 155 dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện mới. Các số liệu thống kê cũng cho thấy năm 2013, quốc gia này tiêu thụ 4,2 tỉ tấn than và thải ra 9 đến 10 tỉ tấn khí thải, cao gần gấp 2 lần so với Mỹ và 2,5 lần so với Liên minh châu Âu (EU).

Trung Quốc vẫn còn có thể tiếp tục thải thêm khí CO2 trong 15 năm tới và mức cao nhất sẽ dao động trong khoảng từ 11 đến 20 t​ỷ tấn/năm bởi tuy đã đầu tư rất nhiều vào các nguồn năng lượng tái tạo trong những năm gần đây nhưng vẫn còn tới hơn 70% năng lượng tại Trung Quốc phụ thuộc vào nhiệt điện.

Ngược lại, vì nhiều lý do khác nhau như xu hướng dân số, hiệu quả khai thác năng lượng... các nước thuộc OECD lại có mức tiêu thụ năng lượng giảm dần, sau khi đã đạt mức đỉnh điểm vào năm 2007.

Cụ thể là, trong giai đoạn 2014-2040, mức tiêu thụ năng lượng của EU giảm 15%, Nhật Bản giảm 12%, Mỹ giảm 3% và trở thành các nước đi đầu xu hướng giảm cầu này.

Cũng theo báo cáo của IEA, quá trình chuyển đổi năng lượng đang được tiến hành. Những nguồn nhiên liệu mới đã trở thành nguồn sản xuất điện thứ hai, chỉ sau than đá, và sẽ trở thành nguồn cung cấp điện chính từ nay tới năm 2040./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục