Kết thúc môn thi đầu tiên kỳ thi đại học đợt 2, nhiều thí sinh khối B ra khỏi phòng thi với tâm trạng phấn khởi vì đã làm rất tốt bài thi. Theo nhận định của thí sinh, các môn thi trong sáng nay đều bám sát chương trình Trung học phổ thông và vừa sức. Trong đó, câu hỏi nghị luận môn Văn bám sát vấn đề thời sự.
Đề nghị luận theo dòng thời sự
Theo ghi nhận của phóng viên, tại điểm thi trường Đại học Ngoại ngữ, thí sinh thi khối D bước ra khỏi phòng thi sau môn thi đầu tiên với tâm trạng khá hồ hởi.
Hoàng Anh (Lạng Sơn) vui vẻ cho biết, em đã phải xin tới ba tờ giấy thi để hoàn thành bài thi của mình. “Trong phòng thi của em, rất ít bạn ra sớm vì đề tuy không quá khó nhưng đòi hỏi kỹ năng phân tích và tổng hợp cao.”
Đánh giá về câu nghị luận xã hội "Ngưỡng mộ thần tượng là một nét đẹp văn hóa nhưng mê muội thần tượng là một thảm họa," Hoàng Anh cho rằng đây là một câu hỏi hay vì trong thời gian qua, ngành văn hóa nghệ thuật đang là vấn đề “hot” trong các thông tin thời sự…
Tuy nhiên, theo Hoàng Anh, để đạt điểm cao hẳn thì phải có sự hiểu biết xã hội khá rộng, những điều nằm ngoài sách giáo khoa, vốn từ phong phú cùng khả năng diễn đạt, trình bày mạch lạc bởi “các bạn sẽ rất dễ sa vào diễn đạt vòng vo, rườm rà, không thoát ý, nhất là với câu nghị luận xã hội.
Đánh giá về đề thi, nhiều sĩ tử khối C cho rằng, trong 3 câu đề thì câu hỏi nghị luận là câu xương nhất. Câu này đòi hỏi thí sinh phải suy luận và đòi hỏi vốn sống với nội dụng “Kẻ cơ hội thì nôn nóng tạo ra thành tích, người chân chính thì kiên nhẫn lập nên thành tựu.”
Thí sinh Phạm Đức Thắng, một trong những học sinh ra sớm nhất tại điểm thi trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn cho hay, câu nghị luận tương đối hay.
“Câu hỏi này tuy không khó nhưng rất ít thí sinh có thể để đạt được 3 điểm tuyệt đối ở câu này vì đó là câu hỏi mở, mỗi học sinh sẽ có góc nhìn nhận vấn đề, cách suy luận cuộc sống và cách tiếp cận theo nhiều góc độ khác nhau,” Thắng nhận định.
Bên cạnh đó, Thắng cũng cho biết, câu 2 điểm và 5 điểm trong phần đề thi tương đối dễ sát trọng tâm. Tác phẩm “Ai đặt tên cho dòng sông” và “Rừng xà nu” là hai nội dung Thắng đã được thầy cô đưa ra giảng giải rất nhiều.
Môn Sinh dễ kiếm điểm
Cầm tấm đề thi trắc nghiệm trên tay, em Phạm Văn Hoàng, thi trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) hớn hở khoe với mẹ vì đã làm rất tốt bài thi sáng nay.
Theo Hoàng, đề Sinh thi theo hình thức trắc nghiệm, kiến thức chủ yếu tập trung vào lớp 12 và bám sát chương trình sách giáo khoa. Sĩ tử chỉ cần học khá có thể đạt được 7 điểm môn này.
“So với năm ngoái, đề năm nay có phần dễ thở và nhẹ nhàng hơn. Đa phần các câu hỏi đều nằm trong khung đề thi mà các thầy cô trong trường đã cho học sinh thi thử,” Hoàng nhận định.
Phân tích cấu trúc đề thi, Hoàng cho rằng, đề Sinh được chia làm ba phần gồm: sinh thái học, di truyền học và tiến hóa. Mỗi phần thi đều có các câu dễ kiếm điểm bởi câu hỏi không có tính đánh đố. Tuy nhiên, một số câu đòi hỏi khả năng tư duy lôgic, vận dụng kỹ năng tính toán vì nếu không hiểu sẽ rất dễ nhầm lẫn.
Cùng chung quan điểm đó, em Lương Gia Hiển, học sinh trường trung học phổ thông Yên Định (Thanh Hóa) cho rằng, môn Sinh tương đối dễ thở.
Vốn thi khối A là mục tiêu chính nên ở khối B này Hiển rất lo môn Sinh. Tuy nhiên, với kết quả làm bài sáng nay, Hiển tự tin đánh giá có thể được ít nhất 6 điểm.
“Trước kỳ thi này, em rất lo bởi sinh là môn khá khó học và kén thí sinh. Với đề năm nay, những thí sinh mới ôn thi được 3 tới 4 ngày đều có thể làm tương đối tốt. Lý thuyết đã chiếm tới 60% đề thi nên học trong sách giáo khoa là có thể làm được bài,” Hiển tâm sự.
Do đã được tập dượt trong kỳ thi Khối A, Hiển cũng đưa ra lời khuyên với những bạn thi khối B cần đọc bao quát đề thi từ đầu đến cuối, phần lý thuyết cần nhanh chóng hoàn thành và dành thời gian cho những câu bài tập đòi hỏi khả năng tính toán bởi thời gian thi rất ngắn.
“Với kết quả làm bài tốt sáng nay, em hi vọng hai môn cuối cũng diễn ra thuận lợi và trôi chảy như môn này,” Hiển tâm sự./.
Nhóm PV (Vietnam+)