Thành phố Việt Trì được nâng cấp thành đô thị loại 1

Với tốc độ phát nhanh, bền vững, sau hơn 7 năm là đô thị loại 2, vừa qua, Thủ tướng có quyết định công nhận Việt Trì là đô thị loại 1.
Từ một thị xã nhỏ bé, sau một thời gian hình thành và phát triển, qua nhiều giai đoạn kiến tạo, quy hoạch và xây dựng, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ đã có một tầm vóc khác, trở thành một địa điểm nổi tiếng về du lịch tâm linh về với cội nguồn của dân tộc Viêt Nam và trong tương lai đây sẽ là thành phố du lịch của Việt Nam và thế giới, mang đậm bản sắc dân tộc, đẹp, hiện đại.

Với tốc độ phát nhanh và bền vững, chỉ sau hơn 7 năm là đô thị loại 2, ngày 4/5, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định công nhận thành phố Việt Trì là đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh Phú Thọ, sớm hơn dự kiến 3 năm.

Thành phố Việt Trì là cửa ngõ vùng Tây Bắc, đầu mối giao thông nối giữa các tỉnh miền núi phía Bắc với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, nằm trên hành lang kinh tế Hải Phòng-Hà Nội-Côn Minh (Trung Quốc), cách sân bay Nội Bài 50km, cách Hà Nội 80km về phía Bắc, có tuyến đường sắt xuyên quốc gia chạy qua địa bàn và hệ thống cảng đường sông chính của vùng. Với những điều kiện thuận lợi, thành phố Việt Trì được coi là đầu mối giao thông quan trọng nối các tỉnh miền núi phía Bắc với các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của vùng liên tỉnh, có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng...

Những năm gần đây, thành phố đã tập trung đầu tư rất nhiều cho các dự án chỉnh trang đô thị như làm lề đường, vỉa hè, trồng cây xanh công cộng, nâng cấp và mở rộng nhiều tuyến đường khiến bộ mặt đô thị trở nên khang trang hơn, đời sống người dân được ổn định hơn rất nhiều. Nhiều con đường được mở rộng, nhiều công trình lớn được tỉnh đầu tư đã và đang hoàn thành cho thấy sự phát triển nhanh chóng của thành phố. Đại lộ Hùng Vương huyết mạch giao thông của cả khu vực phía Bắc được mở rộng đẹp hơn, đường Nguyễn Tất Thành mới được đầu tư xây dựng làm cho bộ mặt thành phố thêm đàng hoàng.

Đặc biệt Khu di tích văn hóa lịch sử Đền Hùng, đang được quy hoạch xây dựng rộng cả nghìn ha tạo cảnh quan bảo vệ khu di tích và xây dựng các công trình phục vụ lễ hội Đền Hùng. Các khu vui chơi giải trí, dịch vụ thương mại, công trình văn hóa như Công viên Văn Lang và Bảo Đà, Hội chợ Hùng Vương, các trung tâm thương mại, hệ thống chợ đầu mối, phố ẩm thực, nhà hát lớn cũng đang nhanh chóng được đầu tư xây dựng đưa vào sử dụng sớm nhất phục vụ người dân...

Để thúc đẩy phát triển kinh tế, thành phố xác định lấy phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp làng nghề làm đòn bảy; trong đó phát triển nhanh, mạnh các ngành có lợi thế về tài nguyên như giấy, hóa chất, cơ khí, điện tử, công nghiệp phụ trợ; đồng thời đẩy nhanh tốc độ xây dựng các khu công nghiệp, làng nghề. Bên cạnh đó, thành phố tập trung phát triển ngành dịch vụ và du lịch, trong đó du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; phát triển một số ngành dịch vụ chất lượng cao như: tài chính ngân hàng, viễn thông, công nghệ thông tin, các trung tâm dịch vụ lớn...

Nhờ vậy, nền kinh tế của thành phố Việt Trì luôn phát triển ổn định ở mức cao, thu nhập bình quân đầu người năm 2011 so với cả nước bằng 1,17 lần; tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2008-2011 là 13,14%/năm; tỷ lệ hộ nghèo toàn thành phố là 5,4%, trong đó tỷ lệ hộ nghèo khu vực nội thành là 3,34%. Dân số toàn thành phố hơn 277.000 người, trong đó dân số khu vực nội thành là 205.765 người. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 74,14%, với mật độ dân số nội thành là 10.586,21 người/km2. Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp hơn 87,71%. Tỷ lệ nhà kiên cố, khá kiên cố, bán kiên cố khu vực nội thành đạt trên 96%....

Theo Quyết định 445/QĐ-TTg ngày 7/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050, Việt Trì được xác định là một trong 12 đô thị trung tâm vùng của cả nước. Để phát huy thế mạnh của mình, sắp tới của thành phố sẽ tập trung phát triển toàn diện mà trọng tâm là đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị, phát triển công nghiệp công nghệ cao, du lịch dịch vụ, giáo dục đào tạo và các thiết chế văn hoá đồng bộ, hiện đại, từng bước đưa thành phố trở thành một trong những trung tâm kinh tế, văn hoá, giáo dục của vùng trung du miền núi Bắc Bộ.../.

Lâm Đào An (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục