Thị trường xe điện tại Việt Nam có rất nhiều dư địa phát triển

Với dân số xấp xỉ 100 triệu người, trong đó có một nửa sở hữu xe máy, thị trường xe điện hai bánh ở Việt Nam còn rất nhiều dư địa phát triển.
Thị trường xe điện tại Việt Nam có rất nhiều dư địa phát triển ảnh 1Hexagon có nhiều kinh nghiệm trong thị trường xe điện

Chuyển sang phương tiện chạy bằng điện là một xu thế không thể đảo ngược, và Việt Nam chắc chắn sẽ không bị bỏ lại phía sau. Nhà sản xuất ô tô đầu tiên của Việt Nam, công ty VinFast mới đây đã thông báo rằng họ đã thành lập trụ sở tại Mỹ và cho biết sẽ sớm mở các showroom tại California, cũng như có kế hoạch thâm nhập thị trường này bằng hai mẫu xe crossover chạy điện với mục tiêu bắt đầu kinh doanh vào tháng 3/2022.

Theo ông Mike Lauer, Phó Chủ tịch, phụ trách nhóm khách hàng trọng yếu (Key Accounts) tại thị trường Hàn Quốc, ASEAN và Ấn Độ của Tập đoàn Hexagon thì Việt Nam là một thị trường giàu tiềm năng. Với dân số xấp xỉ 100 triệu người, trong đó có một nửa sở hữu xe máy, thị trường xe điện hai bánh ở Việt Nam còn rất nhiều dư địa phát triển, không chỉ ở việc bán xe điện, mà còn ở các khía cạnh sản xuất, nghiên cứu, tự động hóa, công nghệ, ắc quy và hơn thế nữa.

Ở Việt Nam, tỷ lệ sở hữu ôtô là 23 trên 1.000 người. Các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM thường xuyên chật cứng xe máy trên các tuyến phố, ngõ, thậm chí cả vỉa hè. Do đó, ô nhiễm do tắc nghẽn và khí thải từ động cơ đốt trong khiến những thành phố này luôn có xếp hạng cao về mức độ ô nhiễm trên toàn cầu.

"Có nhiều yếu tố cần cân nhắc để trả lời câu hỏi rằng xe điện có thực sự tốt hơn cho môi trường hay không, vì khi chúng ta nói về mức độ khí thải trong suốt vòng đời của phương tiện, xe điện đúng là sinh ra nhiều khí thải hơn so với một phương tiện chạy bằng động cơ đốt trong tại thời điểm bắt đầu vòng đời của chúng. Điều này chủ yếu đến từ việc sản xuất ắc quy lithium-ion cho xe điện, và từ việc trích xuất và khai thác các vật liệu đất hiếm cần thiết để chế tạo ắc quy, cũng như cần xử lý số ắc quy này thế nào khi chúng hết hạn sử dụng," ông Mike Lauer cho biết.

"Chúng tôi tin rằng các cách tiếp cận chế tạo thông minh đóng vai trò rất quan trọng trong việc đưa những đổi mới này ra thị trường trong thời hạn được yêu cầu, trong khi vẫn duy trì được giá cả cạnh tranh và lợi nhuận."

Ông Mike Lauer có hơn 20 năm kinh nghiệm về các giải pháp tự động hóa cho việc sản xuất các linh kiện công nghiệp. Doanh nhân mang quốc tịch Mỹ này đã sinh sống ở Châu Á được 15 năm và hiện đang định cư tại Bangkok (Thái Lan).

Hexagon là tập đoàn hàng đầu thế giới về cảm biến, phần mềm và các giải pháp tự động, tham gia vào việc tạo ra các công nghệ phần cứng và phần mềm tiên tiến trong nhiều lĩnh vực thuộc chuỗi giá trị xe điện./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục