Thổ Nhĩ Kỳ hy vọng có thể tổ chức hội nghị ba bên với Nga và Ukraine

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cho biết Tổng thống Ukraine Zelensky đã hoan nghênh ý kiến tổ chức hội nghị cấp cao ba bên và ông sẽ tìm hiểu liệu Tổng thống Nga Putin có hưởng ứng đề xuất này không.
Thổ Nhĩ Kỳ hy vọng có thể tổ chức hội nghị ba bên với Nga và Ukraine ảnh 1Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tại cuộc gặp ở Sochi, Nga, ngày 29/9/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 16/2, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan bày tỏ hy vọng có thể chủ trì một hội nghị cấp cao ba bên với những người đồng cấp Nga và Ukraine.

Đài truyền hình NTV của Thổ Nhĩ Kỳ dẫn lời Tổng thống Erdogan cho biết nếu Tổng thống Nga Vladimir Putin phản ứng tích cực, ông hy vọng các bên có thể gặp nhau ở Istanbul hoặc Ankara.

Tổng thống Erdogan cũng cho biết Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã hoan nghênh ý kiến tổ chức hội nghị cấp cao ba bên, do đó trong cuộc điện đàm sắp tới với Tổng thống Putin, ông sẽ tìm hiểu liệu nhà lãnh đạo Nga có hưởng ứng đề xuất này hay không.

Ý tưởng đăng cai tổ chức một hội nghị hòa bình với các nhà lãnh đạo Nga và Ukraine được Tổng thống Erdogan đưa ra tại cuộc hội đàm với Tổng thống Ukraine Zelensky trong chuyến thăm của ông đến Ukraine hồi đầu tháng này.

Thổ Nhĩ Kỳ đang nỗ lực làm trung gian tháo gỡ căng thẳng giữa Kiev và Moskva. Tổng thống Erdogan trước đó nhấn mạnh cuộc khủng hoảng này cần được giải quyết bằng các biện pháp ngoại giao và hòa bình dựa trên sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và luật pháp quốc tế trong khuôn khổ Hiệp định Minsk.

Ankara sẵn sàng đóng vai trò nước chủ nhà cho một hội nghị thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo hoặc tiến trình đàm phán cấp kỹ thuật.

[Liệu Đức có "tháo được ngòi nổ" căng thẳng giữa Nga và phương Tây?]

Quan hệ Nga và phương Tây đã leo thang căng thẳng trong thời gian gần đây khi Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho rằng có khả năng Nga triển khai hành động quân sự đối với Ukraine.

Tuy nhiên, phía Moskva luôn bác bỏ và khẳng định những cáo buộc trên là động thái làm leo thang căng thẳng vô căn cứ, đồng thời nhấn mạnh Nga không gây đe dọa cho bất cứ quốc gia nào.

Moskva cũng cáo buộc NATO vẫn đang tìm cách mở rộng về phía Đông và đưa vũ khí vào lãnh thổ Ukraine, đe dọa trực tiếp đến an ninh của Nga.

Cùng ngày 16/2, một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức cho biết các bộ trưởng ngoại giao Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) dự kiến nhóm họp vào ngày 19/2 tới để thảo luận vấn đề Ukraine.

Theo người phát ngôn này, cuộc họp diễn ra bên lề Hội nghị An ninh Munich và sẽ do Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock chủ trì.

Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng ngày kêu gọi tìm kiếm một giải pháp chính trị cho vấn đề Ukraine.

Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, ông Tập Cận Bình kêu gọi tất cả các bên liên quan giải quyết cuộc khủng hoảng thông qua đối thoại và sử dụng đầy đủ các nền tảng đa phương, trong đó có Định dạng Normandy./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục