Trong khuôn khổ Diễn đàn châu Âu bảo vệ dân sự lần thứ 5 diễn ra hôm 6-7/5 tại Brussels (Bỉ), ngày 6/5, ủy viên châu Âu phụ trách viện trợ nhân đạo và quản lý khủng hoảng Christos Stylianides và Tiến sỹ Fuat Oktay, Chủ tịch Cơ quan quản lý thiên tai và khẩn cấp của Thổ Nhĩ Kỳ đã ký kết các thỏa thuận về sự tham gia của quốc gia này vào Cơ chế bảo vệ dân sự Liên minh châu Âu (EU).
Phát biểu về sự kiện này, ủy viên Christos Stylianides nhấn mạnh Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là một đối tác có giá trị trong mục tiêu chung của EU để chuẩn bị tốt hơn cho việc ứng phó với thiên tai và đáp ứng hiệu quả hơn khi xảy ra khủng hoảng. Ủy viên EU Christos Stylianides cho rằng trong một thế giới ngày càng dễ bị thiên tai, các quốc gia cần phải cùng nhau hành động, đóng góp chuyên môn, năng lực và kinh nghiệm của mình. Đây chính là mục tiêu của Cơ chế bảo vệ dân sự.
Với việc tham gia cơ chế này, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có quyền truy cập các cơ hội hợp tác, bao gồm đào tạo chung bảo vệ dân sự và các cuộc diễn tập, phòng chống thiên tai, các dự án chuẩn bị, thông tin trực tiếp giữa các cơ quan bảo vệ dân sự châu Âu trong trường hợp khẩn cấp, phối hợp hoạt động cứu trợ của châu Âu, chia sẻ các kinh nghiệm và hoạt động… Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đóng góp với các sáng kiến và kinh nghiệm riêng của mình.
Diễn đàn bảo vệ dân sự là sự kiện lớn nhất trong lĩnh vực này của Liên minh châu Âu (EU) được tổ chức 2 năm/lần. Với chủ đề "Đối tác và đổi mới", diễn đàn năm nay quy tụ hơn 700 đại biểu là các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia, giới học giả, đại diện các tổ chức nhân đạo quốc tế đến từ Mỹ, Nhật, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)… nhằm chia sẻ sáng kiến cũng như thảo luận về cách thức tốt nhất để cùng nhau đối phó với những thách thức mới, đồng thời tăng cường hợp tác giữa các đối tác châu Âu và quốc tế. Bên cạnh đó, diễn đàn cũng giới thiệu những ứng dụng công nghệ mới trong lĩnh vực bảo vệ dân sự.
Ông Claus Haugaard Sorensen, Tổng giám đốc Cơ quan cứu trợ nhân đạo và bảo vệ dân sự (ECHO) thuộc EC cho biết trong bối cảnh xã hội phát triển với nhiều thách thức của đô thị hóa, biến đổi khí hậu, nghèo đói…, con người ngày càng dễ bị tổn thương. Do đó, điều quan trọng là các quốc gia cần tăng cường đoàn kết, trước mắt, cùng giúp đỡ Nepal giải quyết hậu quả nặng nề của trận động đất vừa qua.
Tại diễn đàn, Tổ chức Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) giới thiệu chương trình ứng phó thảm họa sử dụng tin nhắn điện thoại di động với đối tượng là giới trẻ. UNICEF hy vọng chương trình này sẽ được triển khai rộng rãi tại các quốc gia Đông Nam Á và châu Phi, nơi thường xuyên xảy ra thiên tai, dịch bệnh.
Bên lề hội nghị, các đối tác quốc tế của EU trưng bày triển lãm về những công nghệ mới sử dụng trong đối phó với thiên tai và dịch bệnh Ebola./.