"Thủ phạm" gây thảm họa nhân đạo ở châu Phi

Các nhà môi trường quốc tế đã khẳng định thảm họa nhân đạo ở vùng Sừng châu Phi là hậu quả trực tiếp của nhiệt độ Trái Đất nóng lên.
Ngày 26/8, các nhà môi trường quốc tế đã khẳng định thảm họa nhân đạo do hạn hán khắc nghiệt làm chết ít nhất 30.000 trẻ em và tác động đến 12 triệu người ở vùng Sừng châu Phi là hậu quả trực tiếp của nhiệt độ Trái Đất nóng lên.

Nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu tác động thời tiết có trụ sở ở thành phố Potsdam, Đức, nhấn mạnh hạn hán nghiêm trọng ở vùng Sừng châu Phi bắt nguồn từ các hiện tượng thời tiết El Nino và La Nina ở Thái Bình Dương.

Hai hiện tượng này làm tăng cường độ cực đoan của thời tiết ở Nam Bán cầu, trong đó làm tăng lượng mưa gây lũ lụt ở nhiều khu vực châu Á và Australia, đồng thời gây khô hạn ở nhiều khu vực khác, đặc biệt là vùng Sừng châu Phi.

Biến đổi khí hậu và hậu quả là nhiệt độ Trái Đất nóng lên làm tăng cường độ của các hiện tượng El Nino và La Nina, gây lũ lụt kinh hoàng ở Pakistan và Australia nhưng lại khiến vùng Sừng châu Phi chịu hạn hán khủng khiếp.

Cơ quan Khí quyển và Đại dương của Mỹ (NOAA) cũng khẳng định các hiện tượng La Nina từ năm 2008 với nhiệt độ lạnh bất thường của lớp nước bề mặt khu vực xích đạo miền Trung Thái Bình Dương đã làm nhiệt độ nóng lên ở khu vực Đông Phi và ngăn chặn các luồng khí mang hơi nước gây mưa không đến được khu vực này, gây ra hạn hán nghiêm trọng nhất trong vòng 60 năm qua ở vùng Sừng châu Phi.

Các nhà khoa học NOAA và Viện Nghiên cứu Potsdam cảnh báo do cường độ không ngừng tăng lên của các hiện tượng La Nina và El Nino bắt nguồn từ sự nóng lên của Trái Đất, thế giới cần khẩn cấp đối phó với hiện tương sa mạc hóa tăng nhanh ở châu Phi và hạn hán còn nghiêm trọng hơn nữa ở quanh vùng Sừng châu lục này.

Tổ chức nhân đạo quốc tế Oxfam đánh giá do Trái Đất nóng lên tiếp tục gây hạn hán nặng nề hơn nữa ở vùng Sừng châu Phi và Bắc Phi, sản lượng nông nghiệp ở khu vực này liên tục giảm 20%, chăn nuôi gia súc sẽ giảm từ 30-60% trong thập kỷ tới, làm trầm trọng hơn nữa khủng hoảng lương thực trong khu vực.

Diện tích sa mạc trên thế giới sẽ tăng trung bình khoảng 150 km2 mỗi ngày, đặc biệt là ở châu Phi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục